Thổ cẩm Việt đến Pháp

NTK Minh Hạnh: Vốn quý không chỉ để ngắm nhìn...

Những sợi lanh se từ bao đôi bàn tay thô ráp của người H’Mông, Dao đã bước vào thời trang với các đường nét, họa tiết tinh tế, rực rỡ...
Nhà thiết kế Minh Hạnh, người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé khát khao cái đẹp, khát khao được mang cái đẹp cùng những giá trị truyền thống đậm bản sắc dân tộc đi khoe với bạn bè khắp năm châu. Và thực sự, người phụ nữ ấy đã và đang làm được một việc lớn hơn tầm vóc của chị là mang thời trang Việt ra với thế giới. Lần này, những sợi lanh se từ những đôi bàn tay thô ráp của bà con dân tộc thiểu số H’Mông, Dao Hà Giang có cơ hội bước vào bộ sưu tập thời trang với các đường nét, họa tiết tinh tế, rực rỡ nhưng vẫn phảng phất nét bụi bặm của nhà thiết kế Minh Hạnh. Sau ba tháng miệt mài ngày đêm, 50 trang phục được dựng từ chất liệu lanh thổ cẩm sẽ cùng nhà thiết kế Minh Hạnh tham dự Lễ hội quốc tế Dệt may đặc biệt sẽ tổ chức tại Clermont Ferrand-Pháp từ ngày 12-16/9 tới sắp tới đây. - Bà có thể chia sẻ điều gì khi quyết định chọn đưa thổ cẩm “hand made” đến Pháp lần này?

NTK Minh Hạnh:
Trong lịch sử, những ngành nghề truyền thống đều có thể mang lại cho con người những giá trị tinh thần và giá trị vật chất.
Tôi nghĩ rằng, ngay cả ngày hôm nay, tôi mặc một chiếc áo bằng vải dệt của người H’Mông, Dao ở Hà Giang thì không có nghĩa tôi muốn đưa hình ảnh này thành một biểu tượng. Mà thực tế trong quá trình làm thời trang tôi nhận thấy chất liệu vải này đã thuyết phục hoàn toàn khách hàng từ các quốc gia. Tôi tự hỏi, tại sao họ yêu quý và say đắm thổ cẩm Việt Nam đến như thế? Chính là bởi giá trị về mặt tinh thần ẩn dấu bên trong hình ảnh của các bà con dân tộc ngồi se sợi để dệt nên những tấm vải và tỉ mẩn vẽ chi tiết hoa văn thổ cẩm độc đáo lên đó.


Một mẫu thiết kế của tham dự Lễ hội quốc tế Dệt may đặc biệt của NTK Minh Hạnh - Nguồn ảnh: Vietmode

- Thổ cẩm là một chất liệu không mới với bà, vậy bà đã làm gì để lấy cảm hứng cho bộ sưu tập lần này?
NTK Minh Hạnh:
Đúng rồi, các bạn nhìn thấy thổ cẩm chỉ với bao nhiêu đó hoa văn, chừng đó màu sắc nhưng nhà thiết kế có nhiệm vụ phải đặt để một tinh thần mới trong bộ sưu tập đó.
Và, tinh thần của ngày hôm nay là gì, nó là một phong cách rất tự do, rất Việt Nam, một chút dáng vẻ bụi đời nhưng vẫn rất thanh lịch. Đó là quan điểm bộ sưu tập lần này của tôi và dĩ nhiên nó có kết hợp cả những chi tiết liên quan đến những trường phái hội họa của châu Âu, như một số chi tiết mang phong cách nghệ thuật gothic, baroque. Tôi muốn đặt để những chi tiết đó với mong muốn tìm kiếm sự cân bằng cũng như sự đồng cảm của người châu Âu khi đến với bộ sưu tập này. Họ thấy đó là hình ảnh của dân tộc H’Mông, Dao miền núi Việt Nam, nhưng trong đó có cả tinh thần của họ. Đó chính là chiếc chìa khóa cho các nhà thiết kế tìm đến được sự đồng cảm. Vốn quý không chỉ để nhìn
- Bà muốn truyền tải thông điệp gì đến với bạn bè quốc tế trong bộ sưu tập lần này?

NTK Minh Hạnh:
Rất đơn giản, đó là một lễ hội mang tính nhân văn cao. Tôi nghĩ chất liệu dệt thổ cẩm là vốn quý của Việt Nam và chúng ta đang có cơ hội để khơi dậy, để cho bạn bè quốc tế biết rằng chúng ta có vốn quý đó.
Bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy thách thức và trăn trở khi đến với Lễ hội, là làm sao để dệt thổ cẩm trở thành một giá trị giúp cho vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may truyền thống và những sáng tạo trong thiết kế thời trang của chúng ta được nâng lên trên đấu trường quốc tế.


Mấu thiết kế của NTK Minh Hạnh - Nguồn ảnh: Vietmode


- Vậy theo bà chúng ta cần làm gì để phát huy hơn nữa những vốn quý này?

NTK Minh Hạnh:
Nó không phải là chuyện của một cá nhân nào mà tôi nghĩ chúng ta cần một chiến lược lớn của Nhà nước. Những người tham gia vào chiến lược này đòi hỏi phải có một tấm lòng trân trọng để có ý thức gìn giữ đối với ngành dệt.
Khi là vốn quý nó cũng phải đem lại những giá trị hữu ích cho đời sống chứ không phải là một vốn quý chỉ là để nhìn ngắm và tự hào về điều đấy.
- Vâng, đúng như bà nói, khi chúng ta có chiến lược, có bước đi cụ thể sẽ thu được những thành quả không chỉ về văn hóa mà cả về kinh tế cho những người làm nghề…
NTK Minh Hạnh: Khi đề cập đến chiến lược, dĩ nhiên tôi còn muốn nói đến một thực tế đáng buồn là tất cả những vốn quý của Việt Nam ngày hôm nay tại sao chúng ta không công nhận mà phải để một lễ hội như Lễ hội quốc tế Dệt may đặc biệt của người Pháp họ công nhận hộ chúng ta. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là chúng ta cần phải hiểu được những giá trị thực sự đáng quý. Như dệt thổ cẩm của người dân tộc, nhiều người lầm tưởng đó là loại vải rất tầm thường, nên nếu muốn phát triển trước tiên chúng ta phải thay đổi ý niệm để biết trân trọng nó. Đây là vấn đề về quan điểm và dĩ nhiên nó cần phải có những động lực và ý thức từ phía lãnh đạo cấp cao nhất trong ngành này. Cảm ơn bà và chúc chuyến đi của bà thành công!
ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục