NSƯT Đăng Dương: Mong muốn lan tỏa tình yêu 'nhạc đỏ' đến giới trẻ

Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương đang nỗ lực làm mới bản thân để truyền tình yêu nhạc cách mạng đến giới trẻ. Anh mong ước mỗi khi cất tiếng hát sẽ được khán giả ngồi dưới hát theo mình.
Đăng Dương là giọng ca thính phòng đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2023 đánh dấu hành trình 30 năm hoạt động nghệ thuật của Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương. Anh đang dốc sức chuẩn bị cho một đêm nhạc “gói ghém” toàn bộ "chông gai lẫn mật ngọt" mình từng trải qua.

Nhân dịp này, nghệ sỹ dốc lòng chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những mốc son trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

Khởi nghiệp với đàn bầu

- Khán giả biết đến Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương là giọng ca rất nổi tiếng của dòng nhạc thính phòng và nhạc cách mạng, nhưng ít ai biết được anh từng “khởi nghiệp” với đàn bầu. Vậy, anh đã đến với nhạc cụ này như thế nào?

NSƯT Đăng Dương: Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã bộc lộ sự ham thích với âm nhạc dù gia đình không có ai theo nghệ thuật. Tôi say mê ôm chiếc radio của bố cả ngày để nghe những bài hát trên sóng phát thanh. Còn nhớ năm tôi 10 tuổi, chị gái tôi đi làm việc ở Nga về thăm nhà, tôi đã hát cho chị nghe bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” và chị đã khóc vì xúc động.

Từ đó, gia đình bắt đầu chú ý đến thiên hướng của tôi và tạo điều kiện cho tôi theo học nhạc. Thông qua một người quen của gia đình, tôi được theo học đàn bầu cùng Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Tâm tại Nhạc viện Hà Nội từ khi 12 tuổi.

Mẹ tôi rất phản đối việc con trai út xa nhà (Hải Dương) lên Hà Nội học khi còn nhỏ như vậy nhưng bố tôi thì rất quyết tâm tạo điều kiện cho tôi vào trường nhạc. Ông là người có tư duy cởi mở.

Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương từng theo học đàn bầu trước khi chuyển sang thanh nhạc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Tôi nghe nói rằng Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ nhận anh làm học trò vì anh thường xuyên “thập thò” ở cửa phòng nơi ông dạy học?

NSƯT Đăng Dương: Tôi học đàn bầu một phần vì lúc đó tuổi còn nhỏ, chưa đủ điều kiện học thanh nhạc chứ thực ra đam mê của tôi là ca hát. Do đó, tôi thường đứng ngoài, học lỏm các anh chị.

Năm 1992, bố tôi gửi một bức thư, khuyến khích tôi theo học thêm một ngành nghề khác để có thêm cơ hội vì quả thực, nghệ sỹ đàn bầu sẽ rất chật vật về kinh tế. Đó là bức thư đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi mạnh dạn xin chuyển sang học thanh nhạc và trở thành học trò của cô Diệu Thúy, thầy Quang Thọ, thầy Trung Kiên…

Ca sỹ Đăng Dương cùng người thầy của mình - NSND Quang Thọ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Anh tự chia hành trình 30 năm hoạt động nghệ thuật của mình thành những giai đoạn nào?

NSƯT Đăng Dương: Sự nghiệp của tôi có lẽ có 3 mốc son. Thứ nhất là khi tôi bắt đầu học đàn bầu, bén duyên với nghệ thuật với đầy đam mê và háo hức. Nền tảng kiến thức từ giai đoạn này góp phần rất quan trọng cho hoạt động của tôi. Sau đó, tôi chuyển sang thanh nhạc và đạt giải Nhất Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 1995.

Giai đoạn 2 là khi tôi giành giải Nhất Cuộc thi Thính phòng toàn quốc, bảng sinh viên năm 1996. Đây là “sân chơi” có tính hàn lâm, chuyên môn cao. Từ đây, tôi đã lựa chọn cho mình con đường “chính ca” và quyết tâm theo đuổi nó đến bây giờ.

Giai đoạn tiếp theo là khi tôi được tham gia hai vở opera kinh điển là “Orpheus và Eurydice”“Cây sáo thần” năm 2006, khẳng định sự chuyên nghiệp của mình trong âm nhạc thính phòng, có được sự ghi nhận của giới chuyên môn và công chúng. Giai đoạn này cũng đánh dấu việc tôi trở thành giảng viên thanh nhạc rồi chuyển về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Người quản lý đặc biệt

- Nói đến sự nghiệp âm nhạc của Đăng Dương thì không thể không nhắc đến vai trò của chị Kim Xuyến, người “quản lý” đặc biệt của anh?

NSƯT Đăng Dương: Đúng vậy. Suốt 22 năm bên nhau, cô ấy là người vợ, người đồng nghiệp, người quản lý, lo lắng cho tôi mọi việc. Kim Xuyến từng là ca sỹ Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 nhưng cô ấy lựa chọn lui về phía sau hỗ trợ, để tôi được sống trọn với đam mê của mình.

Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương và vợ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời điểm trước năm 2000, chúng tôi rất nghèo. Mua được nhà xong thì hai vợ chồng cũng gần như hết sạch tiền. Tôi còn nhớ lúc đi mua đồ đạc ở phố Khâm Thiên, phải cố tìm những món rẻ nhất, mà mua xong cũng không đủ tiền trả. Người bán hàng nhận ra tôi là ca sỹ nên tin tưởng cho nợ, bảo tôi rằng “khi nào có tiền thì quay lại trả.”

[Khi những người trẻ viết nhạc cách mạng: Không đi theo lối mòn]

May mắn cho tôi có được người vợ cùng nghề, cùng thấu hiểu, cảm thông mọi điều suốt ngần ấy năm. Tôi hạnh phúc vì có hậu phương vững chắc.

Hình ảnh tôi nhớ mãi là sau liveshow “Mặt Trời của tôi”, sau khi hát xong bài cuối cùng, tôi đi vào cánh gà, thấy vợ mình đứng dựa vào tường rồi khuỵu dần và ngồi sụp xuống. Tôi hiểu rằng lúc đó, cô ấy mới có thể thở phào nhẹ nhõm sau mọi lo lắng cho đêm diễn của tôi.

- Dường như chị Kim Xuyến không có một khuyết điểm nào trong mắt anh?

NSƯT Đăng Dương: Nếu có thì đó là nói nhiều (cười). Tôi nghĩ chính vì cô ấy là quản lý, lại là vợ, nên luôn lo lắng cho tôi, dẫn tới việc là nói quá nhiều. Cũng có lúc tôi hơi bực vì điều đó nhưng khi bình tĩnh lại thì tôi hiểu rằng cô ấy chỉ vì muốn tốt cho mình. Chính Kim Xuyến là người góp ý cho tôi về phong cách biểu diễn, phục trang, cho đến đài từ. Nhiều năm trước, tôi mắc lỗi là hát không rõ chữ khi ngân cao. Sau này, tôi đã khắc phục được điều đó.

Táo bạo mash-up nhạc đỏ

- Là một nghệ sỹ thành danh, một người thầy giàu kinh nghiệm, anh có còn điều gì trăn trở ở dòng nhạc của mình?

NSƯT Đăng Dương: Là người nghệ sỹ chính ca, tôi có may mắn và vinh dự được hát ở những vùng đất lịch sử như Nghĩa trang Trường Sơn hay Trường Sa. Đó là cảm xúc thiêng liêng, tự hào vô cùng.

Nghệ sỹ luôn muốn lan tỏa tình yêu nhạc cách mạng đến giới trẻ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi được ra Trường Sa biểu diễn nhân dịp khánh thành lá cờ Tổ quốc bằng gốm. Thắp nén hương ở những ngôi mộ gió, tôi thấm thía rằng mỗi chiến sỹ đã phải trải bao vất vả thậm chí hy sinh máu xương của mình để bảo vệ từng dặm biển đảo. Mình là nghệ sỹ, chỉ biết cống hiến bằng tiếng hát để tri ân các thế hệ cha anh, những người chiến sỹ đã và đang dành cuộc đời mình để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc; dùng tiếng hát ngợi ca quê hương, đất nước, biến nó thành vũ khí tinh thần để lan tỏa tình yêu đất nước.

Tôi luôn muốn truyền lửa đến thế hệ kế cận để những ca khúc cách mạng tiếp tục được gìn giữ, lan toả. Tôi mong Nhà nước và khán giả quan tâm nhiều hơn đến dòng nhạc này vì nó gắn với một phần lịch sử hào hùng của dân tộc, minh chứng cho những năm tháng đau thương mất mát và tinh thần yêu nước của người Việt Nam.

- Khán giả vẫn biết đến Đăng Dương là người nghệ sỹ "mô phạm". Anh làm thế nào để tiếp cận được khán giả trẻ, từ đó lan tỏa tình yêu với nhạc đỏ?

NSƯT Đăng Dương: Tôi cùng nhạc sỹ Dương Cầm đang chuẩn bị phối một bản mash-up (pha trộn nhiều bài hát trong một tiết mục) nhạc đỏ. Việc mash-up rất phổ biến với nhạc trẻ nhưng nhạc đỏ thì hầu như chưa. Đó là thử nghiệm sáng tạo và táo bạo, hy vọng sẽ mang tới cảm xúc mới mẻ cho khán giả.

Mỗi khi biểu diễn những bài ca đi cùng năm tháng, tôi muốn khán giả ngồi dưới hát theo mình, từ đó khơi gợi thêm tình yêu với âm nhạc cách mạng và khiến họ ngày càng yêu đất nước, con người Việt Nam, như tôi đang yêu vậy.

Qua âm nhạc, tôi muốn gửi lời hiệu triệu đến thế hệ trẻ, hãy luôn lắng nghe lời Tổ quốc gọi để sống và làm việc, cống hiến hết mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

- Xin cảm ơn anh đã chia sẻ./.

Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ cho hay ông rất ấn tượng với Đăng Dương từ khi nam ca sỹ còn là cậu học sinh “thập thò” ngoài cửa phòng học: “Đăng Dương rất chăm học và có niềm đam mê đặc biệt với thanh nhạc. Tôi dạy Đăng Dương trong 4 năm. Tôi biết Đăng Dương muốn tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật nên tôi đồng ý chuyển em sang học với Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên. Sau đó, rất nhiều thành tựu đã đến với Đăng Dương, em đã đoạt nhiều giải thưởng ở trong và ngoài nước. Đăng Dương cứ thế ‘lớn’ và trưởng thành hơn cho đến bây giờ.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục