Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng, “cây đại thụ” của nghệ thuật chèo đã qua đời vào sáng 19/7 do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 97 tuổi. Con trai ông, đạo diễn Trần Lực đã xác nhận thông tin này.
Theo đạo diễn Trần Lực, bố anh vừa tổ chức sinh nhật tuổi 97 ngày 26/6. Sáng 27/6, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng bị ngã và được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Ông phải trải qua ca phẫu thuật thay khớp xương và điều trị bệnh viêm phổi nặng. Do tuổi cao sức yếu nên ông không qua khỏi.
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng sinh năm 1926 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, là con trai nhà văn Trần Tiêu và cháu gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột.
Ngay từ nhỏ ông đã say mê văn chương, kịch nghệ nước ngoài. Ông đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và biết tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga.
Sau Cách mạng tháng Tám, nghệ sỹ Trần Bảng tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, ông tham gia vào Đoàn Văn công Trung ương, cùng tổ kịch với Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài... Cũng thời gian này, ông bắt đầu đến với nghệ thuật chèo, ông là đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu lý luận nổi tiếng, được mệnh danh "ông trùm chèo thời nay."
Năm 1957, ông và Bùi Đức Hạnh, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Hồ Ngọc Cẩn cùng các nghệ nhân Trùm Thịnh, Cả Tam, Lý Mầm, Năm Ngũ thành lập Ban Nghiên cứu chèo. Ở đây ông đã khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ các lớp trò của các nghệ nhân, từ đó cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo kinh điển như: "Quan Âm Thị Kính", "Xúy Vân" (từ vở Kim Nham), "Nàng Thiệt Thê" (từ vở “Chu Mãi Thần”)… Với những vở diễn này, ông đã đóng góp đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cổ, đưa chèo cổ sống lại trên sân khấu chèo hiện đại.
Ông còn dàn dựng nhiều vở chèo hiện đại như: "Lọ nước thần", "Tình rừng", "Cờ giải phóng", "Đường đi đôi ngả", "Máu chúng ta đã chảy"...
Cùng với công việc đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng còn viết nhiều kịch bản chèo. Ông là tác giả của các vở chèo "Con trâu hai nhà", "Đường đi đôi ngả", "Cô gái và anh đô vật", "Tình rừng", "Chuyện tình 80 năm", "Máu chúng ta đã chảy"... Ông đã viết một số cuốn sách nghiên cứu về chèo như "Khái luận về chèo", "Kỹ thuật biểu diễn chèo", "Chèo - Một hiện tượng sân khấu dân tộc"...
[Chèo - nghệ thuật sân khấu đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam]
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng đã nhận nhiều giải thưởng quan trọng trong sự nghiệp: Vở "Chị Trầm" đoạt Giải A Hội diễn năm 1959, vở "Xúy Vân" đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc (1962), vở "Lưu Bình-Dương Lễ" giành Giải Âm nhạc Xuất sắc (1962)...
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng từng kể rằng đêm công diễn “Chị Trầm” ở An toàn khu (Thái Nguyên) năm 1953, trên hàng ghế khán giả có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng. Khi vở diễn kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp bước lên sân khấu khen ngợi tổ biểu diễn và khen ngợi nghệ sỹ Trần Bảng còn trẻ mà đã biết yêu vốn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Bác ân cần căn dặn: “Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, đặc biệt là phải học các nghệ nhân để hiểu sâu và nắm vững nghề chèo.”
Trần Bảng được phong hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân năm 1993. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 5 (2017).
Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa-Thông tin, Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khóa I (1957). Ông còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng kết hôn với Nghệ sỹ Ưu tú Trần Thị Xuân, cũng là một diễn viên chèo. Hai người con của ông là diễn viên, đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực và họa sỹ, kiến trúc sư Trần Thị Mây./.