NSND Đặng Thái Sơn: Cuốn sách 'Một bến lạ' là nơi bố tôi tái sinh

NSND Đặng Thái Sơn: Cuốn sách 'Một bến lạ' là nơi bố tôi tái sinh

Đa số các nhà phê bình cho rằng thơ Đặng Đình Hưng góp phần làm đa dạng tiếng Việt, bằng hình thức ngôn ngữ độc đáo, phá vỡ mọi khuôn phép.
Cuốn sách tập hợp các bài thơ, tranh vẽ của tác giả Đặng Đình Hưng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Cuốn sách tập hợp các bài thơ, tranh vẽ của tác giả Đặng Đình Hưng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ-hoạ sỹ Đặng Đình Hưng (1924-1990), nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành cuốn sách “Đặng Đình Hưng-Một bến lạ.” Cuốn sách gồm 6 tác phẩm thơ, hơn 20 tác phẩm hội họa và những bài bình luận về thơ và ký ức về cuộc đời cố tác giả của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình: Hoàng Cầm, Hoàng Hưng, Thuỵ Khuê, Đỗ Lai Thuý và Nguyễn Thụy Kha.

Tối 20/1, buổi lễ ra mắt sách diễn ra với phần ngâm một số trích đoạn thơ, biểu diễn piano với cảm hứng từ thơ Đặng Đình Hưng, do các nghệ sỹ Giang Trang, Đặng Hữu Phúc và nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn (con trai của nhà thơ Đặng Đình Hưng) trình bày.

NSND Đặng Thái Sơn: Cuốn sách 'Một bến lạ' là nơi bố tôi tái sinh ảnh 1Nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn và nhà thơ Đặng Đình Hưng. (Ảnh: NVCC)

Nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn vừa trở về từ Canada trong bối cảnh di chuyển hết sức phức tạp do dịch COVID-19. Dù vậy, ông quyết tâm trở về để cùng nhà thơ Hoàng Hưng, họa sỹ Lê Thiết Cương và nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc thực hiện cuốn sách.

“Cái nghiệp của bố tôi là thơ ca nhưng những năm cuối đời bố thích vẽ. Những bức tranh là lạ, tối giản với những biểu tượng bí ẩn như những nốt nhạc đô rê mi. Tròn 30 năm bố tôi ra đi, đây là lần đầu tiên một cuốn tuyển tập thơ họa đầy đủ của ông ra đời, khiến tôi có cảm tưởng như ông được tái sinh,” nghệ sỹ Đặng Thái Sơn chia sẻ.

Cuộc đời nhiều đau khổ của một người tài hoa

Nhà thơ Đặng Đình Hưng sinh ra tại Chương Mỹ, Hà Nội. Từ một cậu học sinh trường Bưởi, rồi sinh viên trường Luật Đông Dương, rồi cán bộ tuyên huấn, đến Đoàn trường kiêm chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương, ông là một nghệ sỹ tài danh, vô cùng thân thiết với Văn Cao, Hoàng Cầm...

NSND Đặng Thái Sơn: Cuốn sách 'Một bến lạ' là nơi bố tôi tái sinh ảnh 2Hội trường Viện Pháp chật cứng khán giả. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong ký ức của nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn, ông là một người cha tận tụy, gây ảnh hưởng nhiều đến lối sống, tư duy của con cái.

“Tôi là con út trong một gia đình con anh, con tôi, con chúng ta. Các anh chị tôi đều được học đàn trong căn nhà nhỏ hẹp trên phố Tống Duy Tân. Đến lượt tôi thì suýt không được học đàn nữa vì nhà ầm ĩ quá rồi,” nghệ sỹ chia sẻ.

“Bố tôi hợp với các nhạc sỹ có lẽ vì cái tôi nghệ sỹ của họ không động chạm đến nhau. Ấy vậy mà thỉnh thoảng mấy tuần không thấy nhạc sỹ Văn Cao, Hoàng Cầm tới chơi là y như rằng họ đang giận nhau vì văn thơ,” nghệ sỹ Đặng Thái Sơn kể lại.

Từ nhỏ, nhà thơ đã dạy cậu bé Đặng Thái Sơn cả cách đi, cách đứng. Ông nói: “Con trai đi đứng phải đàng hoàng. Không được gù lưng. Con phải sống một cuộc đời chân thật và kiêu hãnh.”

“Tôi luôn ghi nhớ lời dạy đó. Chính sự kiêu hãnh thừa hưởng từ bố giúp tôi chiến thắng cuộc thi Chopin. Khi tôi chưa sinh ra bố đã đặt tên tôi là Đặng Thái Sơn. Thái là họ của má tôi nên tôi là đứa con được mang họ cả hai. Hai chữ Thái Sơn cũng khiến tôi luôn nghĩ đến công cha,” nghệ sỹ chia sẻ.  

NSND Đặng Thái Sơn: Cuốn sách 'Một bến lạ' là nơi bố tôi tái sinh ảnh 3Một bức tranh của nhà thơ Đặng Đình Hưng.

Trò chuyện với phóng viên VietnamPlus, nghệ sỹ Đặng Thái Sơn thừa nhận rằng bố và má (nghệ sỹ nhân dân Thái Thị Liên) rất khác nhau về tư tưởng và lối sống. Vậy mà không hiểu sao họ có thể nên duyên vợ chồng.

Sau này khi chia tay, cả hai đều suy sụp. Nhà thơ Đặng Đình Hưng mất đi hậu phương vững chắc, nghệ sỹ dương cầm Thái Thị Liên thì mất đi một người bạn đời cùng song hành và tham mưu về mọi vấn đề trong cuộc sống.

Cuộc đời nhà thơ rơi vào vực thẳm đen tối khi ông phát hiện khối u trong phổi nhưng hoàn cảnh éo le và kinh tế khó khăn khiến ông không có điều kiện để chữa bệnh.

[NSND Đặng Thái Sơn làm giám khảo cuộc thi piano Fryderyk Chopin 2020]

Năm 1980, nghệ sỹ Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin ở Ba Lan, giải thưởng mang lại vinh quang cho bản thân nghệ sỹ và giúp ông chăm lo cho bố mình những năm tháng cuối đời. Nhà thơ Đặng Đình Hưng được hai bác sỹ hàng đầu là Hoàng Đình Cầu và Tôn Thất Tùng phẫu thuật cắt khối u. Nhà nước cũng cấp cho ông một căn hộ tập thể ở Giảng Võ. Nhờ thế mà ông được sống 10 năm cuối đời tương đối thoải mái.

Với nghệ sỹ Đặng Thái Sơn, dù cuộc đời có nhiều lựa chọn, nhiều danh xưng, ông chỉ giản dị “chọn làm con ngoan của bố.”

Giọng thơ độc đáo từ những con chữ rời rạc

Nhà thơ Hoàng Hưng nhận xét Đặng Đình Hưng là một trường hợp rất đặc biệt của thơ ca Việt Nam. Tự ông đã hình thành một giọng thơ, một hệ thống từ vựng và chính tả riêng của mình.

“Đọc ông, người ta có thể thốt lên ‘đây mà là thơ à,’ nhưng thật ra chính những con chữ rời rạc đã tự vang lên tiếng thơ. Ông để ngòi bút dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, khiến đồng hiện bên nhau những mảnh vụn thực tại xa cách về không gian, thời gian, hòa tấu cả trí tuệ, tình cảm trực giác, tiềm thức, bản năng. Thực ra, Đặng Đình Hưng rất có ý thức phối hợp sự buột miệng tình cờ với lao động kỹ lưỡng trên từng con chữ, từng cách ngắt câu xuống dòng để tạo hiệu quả tổng thể cho bài thơ,” nhà thơ Hoàng Hưng bình luận.

NSND Đặng Thái Sơn: Cuốn sách 'Một bến lạ' là nơi bố tôi tái sinh ảnh 4Một bức tranh của nhà thơ Đặng Đình Hưng.

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy thì cho rằng Đặng Đình Hưng vốn là một nhạc sỹ sáng tác nhạc không lời. Do những bức bách nội tâm mà chỉ có thơ mới nói lên được nên ông đã xuất chữ thành thi. Bởi vậy, thơ ông rất hồn nhiên. Thơ của một người chưa hề biết đến các quy tắc thơ và do đó, thoát khỏi mọi sự trói buộc thông thường.

“Thơ của ông có nhịp điệu tự nhiên, kết cấu bị chi phối bởi âm nhạc, nghiêng về trí tuệ nhưng là thứ trí tuệ xuất phát từ cảm giác và không bao giờ xa rời cảm giác,” nhà phê bình cho biết.

Cùng với buổi ra mắt sách là triển lãm tranh của nghệ sỹ Đặng Đình Hưng. Triển lãm kéo dài đến 28/2 tại Viện Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội./.

Trích đoạn một số tác phẩm của nhà thơ Đặng Đình Hưng:

"Biển"

Vác thời gian lên vai

Cát vỗ sóng năm chiều

Những con sông đuổi theo

Những kinh thành nối đuôi lần lượt khuất.

Cát lênh đênh

Một miếng kính ánh khát

Cát uống lên bàn chân. Nước vọt. Cát ngửi bằng da.

Và nghe bằng đêm.

Đây một xứ hương, mùi thơm của kén nắng và chuối chín

Chừng nào nhỉ, hoa bí nghe?

Cái đi xuyên các thiên đàng và địa ngục, sờ tay lên các bức tường trời.

Chàng nói za trời dày và mát rượi

Vuốt má các ngôi sao.

"Bến lạ"

Chào tôi đi! Tôi đang ghé Bến lạ

một chiều nâu alfa đây, anh có nhớ?

Bên quán Tê ta… ngồi ăn những hình thù im lặng

lạ xúc lên từng cùi zìa kí ức đi đất từng bước

bước! chiều cao 91 ngó xuống ăn những mùi vai

lạ 1.

Nhưng đã có ai 91 lần không y hẹn

91 lần sợ

những cái ngăn ngắn

sợ tắm!

Tuổi 91, tôi ghé tai tôi, gạ:

cho nhau về bến lạ…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục