NSNA Trần Tuấn và gần 40 năm 'chuyên trách' Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Suốt gần 40 năm gần gũi nhân cách lớn của dân tộc, ông Trần Tuấn được Đại tướng chỉ bảo nhiều điều. Bản thân ông cũng học hỏi rất nhiều từ con người vĩ đại ấy.
NSNA Trần Tuấn và gần 40 năm 'chuyên trách' Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1Đại tướng về thăm Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế. Bức ảnh nằm trong cum tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. (Ảnh: Trần Tuấn/TTXVN)

Trong chiếc máy tính của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn (nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam), tôi thấy có hàng trăm thư mục liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là “gia tài” quý giá đối với ông Tuấn sau gần 40 năm được gần gũi và chụp ảnh cho Đại tướng.

Sắp tới, nhiếp ảnh gia Trần Tuấn sẽ đón nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm 8 tác phẩm ảnh “Sự giản dị của Đại tướng.” Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về vị Tổng tư lệnh vĩ đại mà rất đỗi đời thường của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

"Đứa con chụp ảnh cha mình"

Bắt đầu câu chuyện về hành trình gần 40 năm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiếp ảnh gia Trần Tuấn cho rằng đó là cơ duyên quý giá, là khoảng thời gian mà ông quý trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp.

Ông Tuấn vào Thông tấn xã Việt Nam năm 1968 nhưng mãi đến năm 1975, khi kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc, ông mới có dịp gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kể từ đó, với lòng kính yêu và sự ngưỡng mộ, ông đã chụp ảnh Đại tướng “như đứa con chụp ảnh cha mình.”

NSNA Trần Tuấn và gần 40 năm 'chuyên trách' Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 2Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn bên chiếc máy ảnh từng sử dụng để chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Khi đang thường trú tại Huế, ông được lệnh chuẩn bị tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến công tác hai tháng thăm các tỉnh phía Nam vừa giải phóng. Đó là chuyến đi đầu tiên mà ông Tuấn được chụp ảnh Đại tướng.

Năm 1976, ông được điều ra Bắc làm việc tại Quảng Ninh. Trong năm đó, Đại tướng có lịch trình làm việc tại Quảng Ninh, ông tiếp tục được cử đi theo để chụp ảnh về Đại tướng trong các sự kiện, hoạt động diễn ra tại đây.

Sau chuyến đi này, khi quay trở lại Hà Nội, Đại tướng có đề nghị với lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam cử riêng phóng viên ảnh Trần Tuấn cùng đi với Đại tướng trong các chuyến công tác.

“Trước khi gặp gỡ, tôi vẫn luôn ngưỡng mộ con người, nhân cách, sự nghiệp của Đại tướng. Từ một thầy giáo trở thành Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân, Đại tướng đã làm được điều mà trên thế giới chưa từng có tiền lệ. Sau này, có điều kiện gặp gỡ và gắn bó với Đại tướng, tôi càng cảm phục, trân quý ông nhiều hơn. Trong cuộc sống đời thường, Đại tướng luôn đề cao đức tính liêm khiết, giản dị, vị tha, nhân ái. Đối với công việc, Đại tướng lại rất rõ ràng, cương nghị, trăn trở, hết mình,” ông Trần Tuấn bồi hồi nhớ lại.

NSNA Trần Tuấn và gần 40 năm 'chuyên trách' Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 3Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn cho phóng viên xem lại những bức ảnh chụp Đại tướng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong suốt gần 40 năm “theo chân” Đại tướng, chuyến đi để lại nhiều ấn tượng nhất với ông Trần Tuấn là chuyến thăm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 3/1996 bởi không may, trong chuyến đi này, ông bị viêm ruột thừa, phải đi cấp cứu.

“Đại tướng còn có ý định cho vợ tôi từ Hà Nội bay vào chăm sóc, nhưng tôi xin từ chối. Điều đó cho thấy Đại tướng là người rất tình cảm, thương người,” ông Tuấn nhớ lại.

[Triển lãm 'Theo dấu chân Đại tướng': Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ]

Thời gian điều trị kéo dài hơn một tuần. Đại tướng chấp nhận trễ lịch trình, ở lại chờ ông Tuấn bình phục rồi mới tiếp tục lên đường. Ngày ông Tuấn ra viện, Đại tướng đến tận nơi đón, chụp một bức ảnh kỷ niệm và ký tặng lên bức ảnh. Hôm đó là ngày 6/5/1996. Vừa ký, Đại tướng vừa nói: “Mai là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, hôm nay, tôi ký tặng anh với chữ ký thời tôi đang là Tổng Tư lệnh chiến dịch.”

Cũng trong chuyến đi đó, một hôm, mọi người đang nhâm nhi chén trà sau bữa ăn trưa, bỗng có người trong đoàn kêu lên: “Tóc anh Văn dài rồi, nên đi cắt thôi!”

NSNA Trần Tuấn và gần 40 năm 'chuyên trách' Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 4Bức ảnh Đại tướng đang cắt tóc. (Ảnh: Trần Tuấn/TTXVN)

Sáng hôm sau, anh Lê Sự, một thợ cắt tóc lành nghề ở Vũng Tàu, được mời đến để cắt tóc cho Đại tướng. Thấy đây là dịp hiếm hoi, ông Tuấn nhanh chóng giơ máy lên chụp. Đại tướng liền nói: “Cảnh này không nên chụp...”

Ông Tuấn đáp: “Thưa Đại tướng, đây không chỉ là bức ảnh kỷ niệm chuyến đi, mà qua bức ảnh mọi người đều thấy sự giản dị, thấy cuộc sống đời thường của Đại tướng.”

Đây cũng là một trong 8 bức ảnh trong cụm tác phẩm được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần này.

Bức ảnh thứ 150 và những bài học từ Đại tướng

Ít người biết rằng, rất nhiều ảnh chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thực hiện tại studio của Thông tấn xã Việt Nam.

Năm 1996, nhân sắp sửa có chuyến đi thăm và làm việc tại Thụy Sỹ, ông Tuấn mời Đại tướng đến phòng chụp của Thông tấn xã Việt Nam để chụp ảnh hộ chiếu. Thấy Đại tướng ít ảnh chân dung, ông Tuấn mạnh dạn đề xuất chụp 3 bộ ảnh với 3 trang phục khác nhau. Đó là bộ lễ phục quân đội màu trắng, bộ quân phục màu xanh và bộ vest màu ghi.

Ông Tuấn nói chậm lại một chút như đang lội ngược dòng quá khứ: “Trong phòng chụp 30 mét vuông hôm đó chỉ có Đại tướng, tôi và hai bóng đèn 500W. Đến kiểu thứ 150 là kiểu cuối cùng của cuộn phim, tôi thông báo với Đại tướng để ông chuẩn bị. Chẳng ngờ Đại tướng cương quyết ‘Chụp anh với tôi’. Tôi từ chối vì áo sơ mi lúc ấy đã ướt sũng vì nóng nhưng Đại tướng nói ‘Ướt càng quý, anh cứ chụp’.”

Ông Tuấn tức tốc chạy ra ngoài nhờ một người bảo vệ của cơ quan vào phòng chụp giúp. Từ đó đến nay, bức ảnh thứ 150 ấy được nhiếp ảnh gia Trần Tuấn nâng niu như báu vật.

NSNA Trần Tuấn và gần 40 năm 'chuyên trách' Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 5Bức ảnh nhiếp ảnh gia Trần Tuấn chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Thông tấn xã Việt Nam.

Suốt gần 40 năm gần gũi nhân cách lớn của dân tộc, ông Trần Tuấn được Đại tướng chỉ bảo nhiều điều. Bản thân ông cũng học hỏi rất nhiều từ con người vĩ đại ấy.

Những bài học quan trọng nhất được ông áp dụng ngay trong nghề báo-nhiếp ảnh của mình.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất am hiểu về ảnh. Đại tướng cho rằng trong các ngành nghệ thuật chỉ có ảnh và phim tài liệu là chân thật, giữ lại được những khoảnh khắc sinh động có ý nghĩa nhất trong dòng thác sự kiện. Các bức ảnh tôi chụp đều được ông xem lại và góp ý nếu có chỗ chưa chuẩn,” ông Tuấn nói.

Trong một chuyến đi trên sông Sài Gòn, thấy cảnh đẹp, ông Tuấn nhờ một người đi cùng đoàn chụp hộ mình với Đại tướng một kiểu ảnh. Chụp xong, Đại tướng xem và nói ngay: “Ảnh được, nhưng để cái đầu của tôi dính vào cây cột đằng sau là không ổn.”

Một đức tính nữa mà ông Tuấn học được từ Đại tướng là thói quen ghi chép. Bên cạnh hàng chục cân máy móc, thiết bị, ông Tuấn luôn mang theo một cuốn sổ nhỏ để ghi chép thời gian, địa điểm, nhân vật xuất hiện trong bức ảnh. Đôi lúc, Đại tướng sẽ hỏi lại những thông tin đó.

“Trong nghiệp vụ báo chí mà đặc biệt là báo chí của Thông tấn xã Việt Nam, sự chính xác, chi tiết là rất quan trọng. Tôi luôn chịu khó ghi chép vào sổ riêng của mình. Sau này, các thông tin đó giúp tôi nhớ được câu chuyện liên quan đến bức ảnh,” ông Tuấn nói.

NSNA Trần Tuấn và gần 40 năm 'chuyên trách' Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 6Một số sách ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong cuộc sống đời thường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến các cháu con em các cán bộ chiến sỹ làm việc tại văn phòng của mình.

“Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Hè, Đại tướng lại hỏi tôi các cháu có ngoan không? Học giỏi không? Tôi có cháu gái thứ hai là Trần Thị Thanh Thư học cấp II Trường Trưng Vương, lên cấp III học Trường Phổ thông Trung học Việt Đức. Năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi. Cuối mỗi năm học, cháu đều được Đại tướng cho đến nhà chơi. Ông trực tiếp kiểm tra kết quả học tập của cháu như con cháu trong nhà,” ông Tuấn xúc động.

Đại tướng khen ngợi và động viên Thanh Thư: “Đã giỏi rồi phải phấn đấu giỏi hơn. Đã giỏi cấp quận phải phấn đấu giỏi cấp thành phố, đạt quán quân toàn quốc.”

Đó không chỉ là lời dạy đối với các cháu học sinh, với vợ chồng ông Tuấn mà còn là lời nhắn nhủ cho các bậc phụ huynh cả nước./.

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1968, ông vào làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1973, ông được cử sang Ban thống nhất Trung ương và được điều động vào chiến trường Bình Trị Thiên làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Sau khi đất nước thống nhất, ông được phân công xây dựng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Huế.

Năm 1976, ông được điều động phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng Đại tướng thăm các tỉnh miền Nam sau giải phóng. Chiến tranh biên giới năm 1979, ông lại có mặt trên khắp các mặt trận biên giới phía bắc, rồi lên Tây Nguyên cùng quân đội tiễu trừ Fulro.

Trở lại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội làm việc tại Ban Ảnh thời sự cuối năm 1979, ngoài công việc của một phóng viên chuyên trách, ông bắt đầu theo học chuyên ngành báo chí. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, sau khi tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục học và bảo vệ xuất sắc luận án Thạc sỹ Báo chí.

Ngoài các cuộc triển lãm ảnh, ông còn là tác giả của nhiều tập sách ảnh về Đại tướng như: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp cuộc trường chinh xuyên thế kỷ” (2010), “101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (2011), “Tướng Giáp trong lòng dân” (2013), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân” (2018).

Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam từng nhận xét: “Dù ở đâu, làm gì, trong tình huống nào, nhà báo, nghệ sỹ Trần Tuấn vẫn kịp thời ghi lại những khoảnh khắc rất đỗi đời thường, bình dị, tự nhiên, bất ngờ như vốn có trong cuộc đời Đại tướng. Ông có góc nhìn khác lạ, khiến cho những hình ảnh trở nên sinh động, thể hiện được một vị tướng văn võ song toàn, nhân hậu, đức độ, khiêm nhường, luôn hết lòng thương yêu cán bộ, chiến sỹ, gắn bó gần gũi với nhân dân.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục