Nông sản Việt hướng tới chuẩn hữu cơ, chinh phục thị trường Nhật Bản

Người tiêu dùng Nhật Bản đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, nhưng khi đã chinh phục được thị trường khó tính này, nông sản Việt cũng sẽ rộng cửa thâm nhập vào thị trường nhiều nước tiềm năng khác.
Nông sản Việt hướng tới chuẩn hữu cơ, chinh phục thị trường Nhật Bản ảnh 1Dừa Việt Nam được bày bán tại siêu thị AEON Lake Town ở Saitama, Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Chiều 18/3, tại tọa đàm "Chinh phục tiêu chuẩn Organic JAS và lợi thế kết nối thị trường Nhật" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, đã có nhiều mặt hàng Việt Nam đang không ngừng nỗ lực chinh phục thị trường Nhật Bản, trong đó, nhóm hàng được xuất khẩu nhiều sang thị trường Nhật Bản là nông sản, rau củ, quả, trái cây...

Tiến sỹ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II cho biết, dư địa xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường toàn cầu nói chung và thị trường Nhật Bản nói riêng là rất lớn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đòi hỏi rất cao và nếu đạt được tiêu chuẩn vào thị trường Nhật Bản thì hàng hóa Việt Nam có cơ hội nhập khẩu vào nhiều thị trường khác.

Cụ thể như tiêu chuẩn Organic JAS (Japanese Agricultural Standards System – Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản) là tiêu chuẩn quốc gia của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp thực phẩm... được thành lập bởi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF).

Hệ thống JAS là hệ thống chứng nhận của bên thứ ba được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) là chủ chương trình của JAS công nhận.

Theo bà Ino Mayu, Chuyên gia đến từ Nhật Bản, còn không ít nông dân Việt Nam chưa bắt kịp xu hướng sản xuất, chế biến, đóng gói theo quy trình và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu tiêu chuẩn của nhiều quốc gia nhập khẩu; trong đó, có thị trường Nhật Bản.

Hơn thế nữa, hệ thống tiêu chuẩn quốc tế hoặc từng nước có sự đan xen, tương đồng nhau nhất định, nên đôi khi đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn của một thị trường mục tiêu, doanh nghiệp còn có thể dễ dàng xuất khẩu vào những thị trường khác.

Chia sẻ về hành trình chinh phục tiêu chuẩn Organic JAS, ông Trần Phong Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Hải Âu (Seaguli ADC) cho rằng, khi triển khai sản xuất hữu cơ thì cần xác định không ngại khó.

Dù đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn nào cũng phải thực hành đúng, đủ và chứng minh được quy trình thực hiện thì sẽ đảm bảo đạt được những giấy chứng nhận cụ thể.

Theo ông Trần Phong Lan, sản xuất hữu cơ rất khó, nhưng không vượt khó và thay đổi thì không thể nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, rau củ, quả, trái cây... của Việt Nam.

[Cơ hội để nông sản Việt khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu]

Tại Seaguli ADC đã từng bước thực hiện hành trình đạt tiêu chuẩn chất lượng từ VietGAP, GlobalGAP và kể cả Organic JAS.

Để triển khai sản xuất hữu cơ thì đơn vị sản xuất phải có đất hữu cơ trước và bắt buộc cải tạo đất trong khoảng 3 năm, đồng thời trong quá trình sản xuất phải thực hiện ghi chép, tuân thủ quy trình...

Tương tự, ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ Tấn Đạt, tỉnh Vĩnh Long cho hay, qua hành trình 10 năm không ngừng nỗ lực đã thu hút được 65 thành viên, với diện tích đất 100ha, hướng đến một mục tiêu duy nhất là chứng nhận hữu cơ.

Hiện tại, Hợp tác xã Tấn Đạt đã được cấp chứng nhận hữu cơ cho vùng trồng lúa dựa trên tiêu chuẩn hữu cơ ở ba thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Hợp tác xã Tấn Đạt sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất-tiêu thụ theo chuỗi giá trị, lúa được sơ chế, đóng gói nên lợi nhuận cao hơn 1,4-1,5 lần so với sản xuất lúa chất lượng cao thông thường.

Nông sản Việt hướng tới chuẩn hữu cơ, chinh phục thị trường Nhật Bản ảnh 2Người tiêu dùng Nhật Bản chọn mua hoa quả Việt Nam ở siêu thị AEON. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Bên cạnh đó, Hợp tác xã Tấn Đạt còn nghiên cứu và chế biến trà gạo thảo dược từ gạo hữu cơ cung ứng cho thị trường từ 200-300 sản phẩm/tháng.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng, doanh nghiệp sản xuất hữu cơ không nằm ngoài mong muốn mang lại những sản phẩm tốt cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường xanh. Trong xu hướng sản xuất hữu cơ hiện nay có thị trường nguyên vật liệu dồi dào vẫn có thêm sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước.

Ngoài ra, nếu muốn sản xuất hữu cơ theo hướng phát triển bền vững, cùng với việc góp vốn thì cần có diện tích đất tuân thủ quy trình sản xuất. Đặc biệt, người phụ trách hợp tác xã phải xây dựng được chuỗi liên kết từ nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho đến thị trường tiêu thụ đầu ra.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, sau hơn 20 năm thực hiện chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hội đã xây dựng Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” song song cùng với danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao – do người tiêu dùng bình chọn” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Muốn vươn ra thế giới, doanh nghiệp Việt cần hoàn thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính, nên Bộ Tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập có thể giúp doanh nghiệp tăng cường lòng tin thị trường đối với sản phẩm Việt. Qua đó, doanh nghiệp được tạo thêm điều kiện thuận lợi triển khai sản xuất an toàn; chất lượng và có trách nhiệm; xây dựng nguồn cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cho xã hội...

Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đã ra mắt Cổng thông tin “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” và ký hợp đồng hợp tác với tổ chức đánh giá chứng nhận toàn cầu Bureau Veritas về việc chia sẻ trách nhiệm xã hội trong việc tham gia đánh giá, cấp chứng nhận tiêu chuẩn của Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (LocalGAP) cho các hợp tác xã.

Đến nay, Cổng thông tin “Chuẩn hội nhập” đã cung cấp, giới thiệu thông tin của doanh nghiệp Việt là nhà cung cấp đạt Chuẩn hội nhập để sẵn sàng giao thương với thế giới.

Riêng LocalGAP là tiêu chuẩn được xây dựng bởi Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao để tạo thuận lợi cho nông trại nhỏ vốn là nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam, có thể tham gia xuất khẩu.

LocalGAP đánh dấu một cột mốc quan trọng trên đường hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn; đồng thời là bước đệm làm trung chuyển giữa tiêu chuẩn VietGAP ứng dụng trong nước và tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục