Nông sản chủ lực của tỉnh Ninh Thuận gặp khó về đầu ra do dịch

Sở Công Thương tỉnh tăng cường hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ thông tin giúp HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá, bán sản phẩm qua website, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội.
Nông sản chủ lực của tỉnh Ninh Thuận gặp khó về đầu ra do dịch ảnh 1Người dân xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, phơi hành củ khô chờ đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các giá mặt hàng nông sản chủ lực của Ninh Thuận như hành tím, nho tại một số địa phương xuống thấp và tiêu thụ rất chậm gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất, đời sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn.

Nhiều hộ trồng hành tím ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải đang đứng ngồi không yên vì giá hành xuống thấp và không tìm được nơi tiêu thụ. Gia đình ông Bùi Minh đầu tư gần 40 triệu đồng, chưa tính chi phí công chăm sóc để trồng 2,5 sào (2.500m2) hành tím, vụ hành vừa qua gia đình thu trên 3 tấn hành củ. Dù giá hành giảm gần 40% so với thời điểm đầu năm nhưng vẫn không bán được.

Ông Minh buồn bã nói: "Mấy tháng nay do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến bà con trồng hành lỗ nặng. Cộng dồn sản lượng từ Tết đến nay ở nhà còn tồn hơn 15 tấn hành củ. Để giảm áp lực tồn đọng hành củ, gia đình bán cây tươi. Nay đến kỳ thu hoạch mà gọi các thương lái vẫn không ai mua; trong khi đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mấy tháng nay liên tục tăng cao nên người dân càng làm càng lỗ."

Ông Đào Quốc Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Hải cho biết thống kê từ đầu năm đến nay tổng sản lượng thu hoạch cây hành tím trên địa bàn xã là 765,5 tấn/277 hộ sản xuất. Tuy nhiên, đến thời điểm này sản lượng tiêu thụ chỉ có 213 tấn còn lại hơn 551 tấn hành chưa tiêu thụ được. Nguyên nhân do cây hành củ rất ế và giá rất rẻ, không có đầu ra. Hiện, giá hành tươi chỉ được từ 7.000-9.000 đồng/kg, hành giống dao động từ 17.000-18.000 đồng/kg.

Dịch COVID-19 cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh du lịch của các hộ trồng nho ở làng nho Thái An, xã Vĩnh Hải. Gia đình chị Nguyễn Thị Hay có diện tích 5 sào (5.000 m2) đất trồng nho đỏ nhưng cũng chỉ dám cắt cành cho ra quả hơn 500m2, còn lại đành phải chấp nhận “treo giàn.”

[Sẵn sàng hoàn thiện các sàn thương mại điện tử cho nông dân]

Chị Hay cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian qua hoạt động du lịch phải tạm ngừng, người dân hạn chế đi lại, các thương lái không dám mua mão (nguyên giàn) với số lượng nhiều khiến sức tiêu thụ trên thị trường giảm, kéo theo đó giá nho cũng giảm sâu. Hiện, nho đẹp loại 1 thương lái thu mua cũng chỉ tầm 20.000 đồng/kg đổ lại, giảm 50% về giá so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, thương lái cũng thu mua rất chậm, nhiều hộ trồng nho chín đến thời kỳ thu hoạch không bán được đành phải cắt để làm rượu nho.

Hiện nay, ngoài cây hành, nho, nhiều cây trồng khác tại các địa phương giá cũng giảm hơn so với trước đây, khó tìm nơi tiêu thụ. Trước tình trạng này, người dân mong muốn các cấp, ngành tỉnh Ninh Thuận có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn tồn đọng, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho nông dân và hợp tác xã để bà con có vốn tiếp tục hoạt động tái sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Trần Thị Phong, Phó Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết theo thống kê đến thời điểm hiện tại có khoảng hơn 2.000 tấn hành tím và 100 tấn nho của các địa phương đã đăng ký kết nối tiêu thụ sản phẩm. Để hỗ trợ các địa phương tiêu thụ lượng nông sản còn tồn đọng, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận có công văn gửi tới Sở Công Thương các tỉnh, thành trong cả nước trao đổi thông tin, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên...

Cùng đó, Sở tăng cường hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ thông tin giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá, bán sản phẩm qua website, các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội zalo, facebook để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, để giải quyết áp lực về thị trường tiêu thụ nông sản, tỉnh Ninh Thuận triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến, xây dựng kế hoạch chi tiết tiêu thụ nông sản theo từng kịch bản; đồng thời, tăng cường xây dựng mô hình chuỗi giá trị kết nối cung-cầu bảo đảm an toàn và giữ được giá trị của nông sản.

Đặc biệt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ số hỗ trợ cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đưa nông sản địa phương lên sàn giao dịch thương mại điện tử để góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua các kênh phân phối hiện đại và mang tính bền vững hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục