Nông nghiệp Việt “đủng đỉnh” hội nhập sau gần hai thập kỷ

Nông nghiệp Việt “đủng đỉnh” tiến vào hội nhập sau gần 2 thập kỷ

Thời kỳ kinh tế khó khăn, nông nghiệp nổi lên như một “bệ đỡ” của nền kinh tế. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, nông nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết những lợi thế từ hội nhập và "đủng đỉnh" đi lên.
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Kể từ sau khi gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN (28/7/1995), kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, trong đó phải kể đến những thành tựu đáng kể ở lĩnh vực nông nghiệp, vốn là ngành ưu tiên hàng đầu trong ASEAN với vai trò và tác động ảnh hưởng của nó tới kinh tế, xã hội và môi trường.

Nếu như năm 1989, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo và đạt 1,42 triệu tấn, thì  đỉnh cao tại năm 2012, xuất khẩu lên tới 8,1 triệu tấn với kim ngạch 3,7 tỷ USD. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản Việt Nam cũng có những bước tiến vượt bậc.

Tuy nhiên, để chuẩn bị tiến bước vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ở năm 2015,) nông nghiệp Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm trước sự cạnh tranh gay gắt đến từ các thành viên trong khối, vốn cũng có nền nông nghiệp là một trong những thế mạnh.

Loạt bài xoay quanh các vấn đề về nông nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập AEC sẽ giúp cho bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.


Bài 1: Gần hai thập kỷ, nông nghiệp Việt “đủng đỉnh” tiến vào hội nhập

Giai đoạn kinh tế tăng trưởng “nóng”, vị thế của ngành nông nghiệp trở nên khiêm tốn hơn và chịu lép vế trước sự “trỗi dậy” của các ngành dịch vụ và công nghiệp, theo đó tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp vào GDP theo xu hướng giảm dần.

Tuy nhiên, trong vài năm qua khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp đã nổi lên như một “bệ đỡ” góp phần ổn định và đảm bảo an ninh lương thực đồng thời giúp giảm nhẹ các tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới vào Việt Nam.

Đà tăng trưởng giảm

Sau gần 20 năm trở thành thành viên chính thức của ASEAN (từ năm 1995), Việt Nam đã ghi được nhiều dấu ấn trong chặng đường phát triển hội nhập nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Báo cáo về kinh tế nông thôn Việt Nam (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương-CIEM) cho biết, hoạt động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng toàn diện, bước đầu hình thành nền sản xuất hàng hóa, vùng chuyên canh. Ngoài những mặt hàng xuất khẩu chiến lược như gạo, cà phê, điều, cao su tự nhiên.… nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đã thâm nhập và khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước thời điểm gia nhập ASEAN (năm 1991-1995), tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt 8,2%/năm, giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 4,5%/năm đồng thời bình quân sản lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 2 triệu tấn/năm.

Sang giai đoạn tiếp theo, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân (hai năm 1996-1997) là 4,8%, riêng năm 1999, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cả nước đã tăng lên 6,3%, song giai đoạn (2001-2005) tốc độ tăng bình quân đạt 5,4%/năm.

Đáng chú ý, báo cáo đã ghi nhận, năm 2008, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, tăng trưởng của cả hai ngành công nghiệp và dịch vụ cùng giảm mạnh, nhưng nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng 4,7% và giúp nền kinh tế giảm thiểu được sức ép.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, sản xuất và tiêu thụ nông sản đã không còn tiếp tục “né bão” được nữa, theo đó tốc độ tăng trưởng của ngành đã chậm lại và khiến giai đoạn (2006-2013) có mức tăng bình quân xuống còn 2,9%.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Nền nông nghiệp “hồn nhiên”

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2014 ước tính tăng 5,62% so với cùng kỳ năm 2013, cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Trong mức tăng 5,62% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng chung đồng thời khu vực công nghiệp và xây dựng đã có hồi phục trở lại với mức tăng 6,42%, đóng góp 2,46 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ tăng 5,99%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm.

Quay trở lại năm 2013, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng lớn của thời tiết nắng hạn, ngập úng… dẫn đến năng suất nhiều loại cây trồng giảm so với năm 2012. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước bị thu hẹp, khiến giá sản phẩm thấp trong khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao gây nhiều khó khăn cho toàn ngành.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự đóng góp của nông nghiệp trong phát triển nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu với tổng kim ngạch từ năm 2008-2013 đạt trên 113 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,4%/năm, trong đó nông sản luôn là ngành xuất siêu, góp phần giảm áp lực ngoại tệ cho đất nước. (Số liệu: CIEM)

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Song ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, do chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, nên đa phần nông sản xuất khẩu dưới dạng gia công, dạng thô chưa tăng giá trị, chưa có thương hiệu đồng thời không đảm bảo chất lượng…

So sánh với các nền kinh tế trong khu vực, cũng như Việt Nam các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… tỷ trọng tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2013 cũng bị giảm sút, Thái Lan tăng ở mức 1,4%, Malaysia tăng 2,1%, Indonesia tăng 3,5%, Việt Nam tăng 2,7%.

Nhưng về mặt giá trị, họ vẫn đi trước Việt Nam một chặng khá xa, khi mà thu nhập bình quân đầu người (năm 2012) của Thái Lan đạt 5.210 USD/năm, Indonesia là 3.420 USD/năm, Malaysia là 9.820 USD/năm và Việt Nam  là 1.550 USD/năm. (Số liệu: Ngân hàng Phát triển Châu Á.)

Sau 20 năm hội nhập, nền nông nghiệp Việt Nam đã học hỏi được những gì về mô hình, cơ cấu, về quy hoạch chiến lược? Trong lĩnh vực này, khả năng đương đầu với sự cạnh tranh của các nền nông nghiệp láng giềng của Việt Nam sẽ được thể hiện khi thời điểm Cộng đồng kinh tế ASEAN đã cận kề./.

Bài 2: Năm 2015 - Nông nghiệp bước vào “cuộc chiến” chất lượng 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục