Một năm đi qua với nhiều hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, nghiêm trọng như: hạn hán, lũ lụt, mưa đá, sạt lở, xâm nhập mặn...; nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và đặc biệt là những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.
Thực hiện mục tiêu “kép,” ngay từ đầu năm, toàn ngành nông nghiệp đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đến cuối năm vẫn đạt kết quả khả quan.
Vượt khó trong thách thức
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 tới hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản đã đẩy toàn ngành nông nghiệp triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn các giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo 3 trục sản phẩm chủ lực: quốc gia, tỉnh và địa phương trước bối cảnh tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19; đồng thời thực hiện chuyển đổi phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông lâm thủy sản.
[Thủ tướng: Xây dựng lớp nông dân mới nắm chắc về KHCN, kinh tế số]
Cơ cấu cây trồng được chuyển dịch, phát triển theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn có hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Nhiều nơi chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình hợp tác, liên kết, quy mô lớn.
Đến hết năm 2020, cả nước có 68 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 17.300 hợp tác xã nông nghiệp; số hợp tác xã hoạt động đánh giá đạt hiệu quả đạt trên 84%; trong đó có 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với từng lĩnh vực, ngành hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất.
Điển hình như xác định được tình trạng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể xảy ra ở mức độ gay gắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương xuống giống vụ Đông Xuân 2019 - 2020 sớm hơn so với thời vụ hàng năm.
Cùng với đó, các địa phương tổ chức chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất lúa có nguy cơ hạn, xâm nhập mặn cao đạt 50.000ha. Ngoài ra, diện tích chủ động cắt vụ, giãn vụ đạt xấp xỉ 100.000ha.
Hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, gây bất lợi đến sản xuất nông nghiệp, nhưng ngành chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp ứng phó đảm bảo thắng lợi trong sản xuất.
Riêng với lúa gạo, sản lượng thóc năm nay đạt 43,5 triệu tấn, tăng khoảng 80.000 tấn so với năm 2019, đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo.
Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đánh giá Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có chỉ đạo kịp thời trong sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020, gieo sạ sớm để tránh hạn mặn, đảm bảo nguồn cung trong nước và tận dụng cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu an ninh lương thực tăng cao do dịch COVID-19 xảy ra.
Năm 2020, dịch tả lợn châu Phi từng bước được ngành kiểm soát, không để dịch tái phát và lây lan ra diện rộng. Nhưng hậu quả của năm 2019 do dịch gây thiệt hại chưa từng có ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã gây thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Điều này đã làm cho giá lợn thịt năm 2020 có thời điểm lên cao lịch sử.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vừa phòng chống dịch tả lợn châu Phi vừa tái đàn lợn, tăng đàn, khôi phục chăn nuôi lợn an toàn, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, từng bước đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong nước, đưa giá lợn thịt về mức hợp lý. Năm 2020, đàn lợn cả nước tăng 12,2% so với năm 2019; đàn bò tăng khoảng 2,5%; đàn gia cầm ước tăng 4,1%...
Trước ảnh hưởng bất lợi của đại dịch COVID-19 tới hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường lớn nhất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp đã có nhiều thay đổi trong chính sách nhập khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường mới nhiều sản trái cây sang Nhật Bản, Chi Lê...
Cùng đó, ngành đã khai thác, tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU với việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng gạo, thủy sản sang thị trường EU.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành không chỉ chuyển dịch thị trường xuất khẩu mà còn định hướng chuyển dịch về cơ cấu sản phẩm trong chế biến.
Nhiều nông sản Việt đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay vẫn đạt trên 41 tỷ USD.
Chủ động ứng phó rủi ro
Trải qua một năm đầy những rủi ro, biến động khó lường nhưng ông Đào Thế Anh nhận định, thời gian tới những rủi ro về thiên tai sẽ vẫn còn, sự biến đổi khí hậu có nguy cơ làm di cư dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tác động đến sản xuất.
Để phòng ngừa, giảm thiểu, ngành nông nghiệp cần có các chính sách nhìn nhận tổng thể hơn để đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, nhanh chóng phục hồi sau thiên tai, dịch bệnh. Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai như nông nghiệp sinh thái.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận trong thời gian tới, nông nghiệp sẽ phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn, đó là: sản xuất vẫn ở quy mô hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu và hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Để vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân, toàn ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, ngành sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cả nước. Trồng trọt cơ cấu lại theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Đặc biệt, ngành đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái đàn lợn, chủ yếu tăng ở hình thức nuôi trang trại, công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn. Phát triển chăn nuôi sẽ theo quy mô trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức hữu cơ truyền thống; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Lĩnh vực thủy sản sẽ phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn, quy định của quốc tế về nuôi trồng và đánh bắt hải sản; nhất là hướng dẫn, quản lý đánh bắt hải sản theo đúng các quy định ở trong nước và phù hợp với quốc tế.
Đặc biệt, ngành tiếp tục phối hợp với các bên thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Góp phần đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho quá trình phát triển của đất nước, giảm nhẹ thiên tai, điều hoà nguồn nước, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học, ngành sẽ bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có để làm giàu rừng, duy trì độ che phủ rừng 42%.
Để giữ đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường. Ngành còn duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc; mở rộng thị trường nông sản sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, Trung Đông…; lựa chọn đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN./.