Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 10 tháng năm 2020 ước đạt gần 59,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 33,6 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 25,6 tỷ USD, giảm 1,5%.
Như vậy, giá trị nông, lâm, thủy sản xuất siêu 10 tháng đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng 9/2020; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 4,5%; lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD, tăng 0,8%; thủy sản đạt 840 triệu USD, tăng 1,7% và chăn nuôi đạt 29 triệu USD, giảm 5,5%…
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 33,6 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 15,1 tỷ USD, giảm 1,6%; chăn nuôi ước đạt 256 triệu USD, giảm 21,4%; thủy sản ước đạt khoảng 6,9 tỷ USD, giảm 2,5%; lâm sản chính đạt trên 10,3 tỷ USD, tăng 13,3%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu nông sản nhưng một số mặt hàng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn có với cùng kỳ, như gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre.
[Ngành nông nghiệp sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD]
Chẳng hạn như giá trị xuất khẩu gạo đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ; rau đạt 548 triệu USD, tăng 3,9%; sắn đạt 126 triệu USD, tăng gấp 2,17 lần, xuất khẩu tôm thu về gần 3,2 tỷ USD, tăng 13,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 9,6 tỷ USD, tăng 12,4%...
Hiện ngành nông nghiệp đã có 8 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 6 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm càphê, gạo, hạt điều đạt, rau quả, tôm, sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành vẫn có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm nhiều như hồ tiêu, giảm 15%, trái cây giảm 18,5%, cá tra giảm trên 21%.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,6 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ và chiếm gần 25,6% thị phần.
Tiếp đến là Trung Quốc ước đạt gần 8,2 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ và chiếm 24,3% thị phần. Thị trường ASEAN ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 3,5% và chiếm 9,5% thị phần. EU đạt khoảng 3,1 tỷ USD, giảm 1% và chiếm 9,3% thị phần...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu. Đồng thời, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường, ổn định nguồn cung nông, lâm thủy sản phục vụ các ngày lễ, Tết cuối năm.
Các đơn vị của Bộ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp giải pháp nhằm cân bằng thương mại nông lâm thủy sản, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thương mại.
Đặc biệt là việc phổ biến quy định thị trường, chính sách trong thúc đẩy thương mại nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh trên thế giới; trong đó tập trung vào các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, giá trị kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước khoảng 25,6 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Những mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng như dầu mỡ động thực vật, lúa mì, cao su, ngô, đậu tương và chăn nuôi. Những mặt hàng có giảm so với cùng kỳ năm 2019 như: phân bón, thuốc trừ sâu, bông, hạt điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản./.