Mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với sản xuất điện Mặt Trời hứa hẹn trở thành giải pháp mang lại nhiều lợi ích ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình kinh tế “2 trong 1” này giúp nông dân tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất nông nghiệp, vừa đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực của Nhà nước, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Tối đa hóa lợi nhuận trên đất nông nghiệp
Chia sẻ với phóng viên TTXVN về Dự án mô hình thử nghiệm điện kết hợp với nông nghiệp đã được triển khai thí điểm tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ý thức khí hậu (CS) cùng phối hợp triển khai thực hiện, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh, cho biết hiện tại, mỗi hộ gia đình nông dân được hỗ trợ lắp đặt thiết bị điện Mặt Trời trên khu vực sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng trọt, với quy mô công suất điện 40 kWp/hộ.
Mỗi mô hình hộ có tổng kinh phí đầu tư 880 triệu đồng, bao gồm trạm biến áp, nhà lưới và hệ thống pin Mặt Trời.
Đối tượng được lựa chọn tham gia mô hình là những hộ nông dân sản xuất lúa, hoa màu và thủy sản; khu vực sản xuất (ruộng, vườn) có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa điểm triển khai mô hình.
Đất sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu: Không bị che phủ bởi bóng mát, ít bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hoặc các loại thiên tai khác. Tất cả điện sản xuất trong mô hình sẽ được bán cho Công ty Điện lực, các bên ký hợp đồng hợp tác có hiệu lực 20 năm.
[Phát triển năng lượng tái tạo ở ĐBSCL: Những điểm nghẽn cơ chế]
[Sau 20 năm, toàn bộ hệ thống được bàn giao lại để người dân thừa hưởng. Tuy vậy, hiện vẫn còn khó khăn khi triển khai mô hình điện mặt trời kết hợp sản xuất lúa do việc lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời dọc bờ ruộng chưa được cho phép.
Các doanh nghiệp cho rằng đây là một hạn chế cần được xem xét và phản ánh điều chỉnh chính sách cho phù hợp để tạo điều kiện mở rộng điện Mặt Trời trên đất lúa - diện tích đất rộng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghiên cứu tiềm năng nông-điện (APV) tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Khánh (chuyên gia về năng lượng tái tạo của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh) cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng lớn nhất về điện mặt trời, tiếp theo Tây Nguyên.
Sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác điện Mặt Trời diễn ra trên cùng một khu đất sẽ rất phù hợp trong các lĩnh vực trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Năng lượng Mặt Trời có thể được khai thác mà không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và không nhất thiết phải thu hồi đất, qua đó hiệu suất sử dụng đất trồng trọt có thể tăng đến 60%.
Việc tính toán những diện tích cây trồng cần ít ánh nắng và phù hợp với sản xuất điện mặt trời cho thấy, tổng tiềm năng điện lên tới 386 GW, tương đương 550 tỷ kWh/năm. Nếu tiềm năng này được khai thác thì sẽ giảm tới 502 triệu tấn CO2 phát thải mỗi năm.
Ông Khánh cho biết thêm, sản xuất điện kết hợp nông nghiệp là hướng đi nhiều triển vọng, với nhiều yếu tố thuận lợi như chi phí đầu tư cho điện Mặt Trời vẫn tiếp tục được cải thiện; được các tổ chức quốc tế ủng hộ; cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp đang được xây dựng; nhu cầu năng lượng dự kiến tiếp tục tăng mạnh dẫn tới nhu cầu tăng cao cho việc đầu tư cho năng lượng tái tạo và điện Mặt Trời.
Tuy vậy, việc kết hợp sản xuất điện với nông nghiệp do đang ở giai đoạn khởi đầu, nên đối mặt với nhiều điểm yếu và vướng mắc như Mô hình APV không đáp ứng tiêu chí kinh tế trang trại; hiện chưa có cơ chế hỗ trợ đối với điện Mặt Trời được đầu tư theo hình thức này trong khi các cơ quan chưa nắm rõ về mô hình APV; vẫn thiếu thông tin về loại cây trồng phù hợp, chưa có hướng dẫn kỹ thuật về mô hình, thiếu mô hình thực tiễn.
Hơn nữa, chi phí đầu tư cho hệ thống điện Mặt Trời cao; các tổ chức tài chính, ngân hàng vẫn còn thiếu kiến thức về công nghệ, chi phí và lợi ích của điện mặt trời; chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị, lắp đặt và vận hành đối với hệ thống điện mặt trời.
Cần hành lang pháp lý cho nông-điện
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, cho biết theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (có thể sẽ được gọi là Quy hoạch điện VIII), Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam dự kiến sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn ở phía Nam. Do đó, thời gian tới, Hậu Giang rất muốn phát triển thành tỉnh trọng điểm về sản xuất điện Mặt Trời.
Tuy nhiên, tiềm năng diện tích đất trống để phát triển điện mặt trời hầu như không còn, bởi vậy sản xuất điện kết hợp sản xuất nông nghiệp là hướng đi rất hợp lý. Hơn nữa, hiện tỉnh vẫn chưa có chính sách riêng để hỗ trợ phát triển mô hình này một cách bài bản và đạt hiệu quả, mang lại lợi ích kép cho cả sản xuất nông nghiệp và năng lượng.
Những quy định pháp luật hiện hành về đất nông nghiệp đang gây khó khăn cho đầu tư, bởi việc xây dựng nhà kiên cố, các công trình công nghiệp trên loại đất này là không được phép.
Nhiều địa phương trong tỉnh đề nghị Nhà nước cho phép làm quy hoạch về đất nông - điện, và đưa đất nông-điện thành đất “nông nghiệp khác,” được hưởng những quy định riêng về khai thác, sử dụng.
Khuyến nghị về chính sách cho chuyển dịch năng lượng bền vững, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh Ngụy Thị Khanh cho rằng các lợi ích của chuyển dịch cần được tích hợp vào quá trình xây dựng các chính sách có liên quan cho giai đoạn sau 2020.
Theo đó, các tỉnh cần thiết lập một cơ chế điều phối cấp Nhà nước để thúc đẩy hợp tác liên ngành, xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi công bằng.
Các tỉnh cần kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ, nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch.
Chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần được quan tâm cả về quy mô tập trung lẫn phân tán và tích hợp để vừa tránh xung đột về đất đai, vừa đảm bảo sinh kế, cơ hội hợp tác mới của người dân và các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng trong chuyển dịch năng lượng.
Ngoài ra, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào việc nghiên cứu, đổi mới và sản xuất thiết bị chuyển đổi, lưu trữ và kết nối quản lý hệ thống điện năng lượng tái tạo./.