Nông dân Nhật Bản yêu cầu chính phủ bảo hộ trước khi ký TPP

Hàng nghìn nông dân Nhật Bản đã xuống đường tuần hành và cho rằng Chính phủ Nhật Bản cần bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trước khi ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nông dân Nhật Bản yêu cầu chính phủ bảo hộ trước khi ký TPP ảnh 1Hàng nghìn nông dân Nhật Bản đã xuống đường tuần hành yêu cầu chính phủ bảo vệ các mặt hàng chủ chốt trước khi ký kết TPP. (Ảnh: Kyodo)

Hàng nghìn nông dân Nhật Bản ngày 27/7 đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Tokyo để yêu cầu chính phủ bảo vệ các mặt hàng nông sản chủ chốt.

Những người tham gia tuần hành cho rằng Chính phủ Nhật Bản chưa công bố đầy đủ thông tin về các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đáp lại những quan ngại của người dân, đặc phái viên của chính phủ phụ trách về các vấn đề TPP Kazuhisa Shibuya khẳng định chính phủ “không bao giờ quên các nghị quyết” đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 4/2013 nhằm bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nhật Bản.

Cuộc biểu tình nổ ra trong bối cảnh tại Hawaii (Mỹ) đang diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng của 12 nước tham gia đàm phán TPP. Ngay trước hội nghị, Chính phủ Nhật Bản đã nâng hạn ngạch nhập khẩu gạo với thuế suất bằng 0% cho Mỹ.

Từ khi Nhật Bản bắt đầu tham gia đàm phán TPP, Trung ương Hội Liên hiệp các hợp tác xã nông nghiệp thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình và các hoạt động phản đối do lo ngại thị trường nông sản sẽ bị “lép vế” trước hàng ngoại rẻ hơn tràn vào.

Để bảo vệ nông dân, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các quy chế thuế quan đối với các sản phẩm “nhạy cảm” như gạo, lúa mỳ, thịt bò, thịt lợn, các sản phẩm từ sữa và đường…

Nhật Bản và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Với sự góp mặt của 12 nước trên, một khi TPP được ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục