Tổng thống Donald Trump đang khuyến khích nông dân Mỹ chuẩn bị cho những cơ hội kinh doanh sắp tới sau khi Trung Quốc cam kết sẽ mua đến 50 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ.
Nhưng sau những thiệt hại và bất ổn do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây ra, giới nhà nông Mỹ cần một kế hoạch cụ thể hơn trước khi có thể ăn mừng.
Ngay sau khi tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận thương mại về mặt nguyên tắc, Tổng thống Donald Trump thậm chí đã nói vui trên trang Twitter cá nhân của mình rằng nông dân Mỹ đang “bắt đầu nghĩ về việc sắm một cái máy kéo lớn hơn!"
[Cam kết của Trung Quốc mua 50 tỷ USD nông sản Mỹ khó khả thi]
Nhưng Liên đoàn Nông nghiệp, hiệp hội nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ, ngày 14/10 cho biết đang chờ đợi thông tin cụ thể hơn về thỏa thuận tạm thời nói trên với Trung Quốc.
Ông Roger Johnson, Chủ tịch Liên minh Nông dân quốc gia Mỹ (NFU), cho biết: "Dù chúng tôi rất vui khi nhận thấy tiến triển trong cuộc chiến thương mại tưởng chừng như không có hồi kết này, nhưng những lợi ích đối với nhà nông Mỹ vẫn chưa rõ ràng.”
Ông đặt câu hỏi: “Khi nào thì các đơn hàng mua nông sản trị giá 50 tỷ USD, gấp đôi mức kim ngạch nông sản xuất khẩu hàng năm sang Trung Quốc cao nhất của chúng tôi, sẽ diễn ra?”
Ở mức đỉnh điểm năm 2012 và 2013, khi một đợt hạn hán ở Mỹ đã khiến giá nông sản tăng lên các mức cao kỷ lục, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cũng không vượt 26 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản từ Mỹ của Trung Quốc đã giảm vào năm 2017 xuống còn 19,5 tỷ USD, trước khi giảm mạnh trong năm ngoái xuống mức chỉ hơn 9 tỷ USD sau khi Bắc Kinh đánh thuế mạnh đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm trả đũa cho động thái tương tự của Washington.
Brian Kuehl, đồng Giám đốc điều hành Hội nông dân vì thương mại tự do, cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại này, người nông dân đã được hứa hẹn rằng sự kiên nhẫn của họ sẽ được đền đáp”, nhưng đến bây giờ, thỏa thuận mà họ được hứa hẹn vẫn chưa ra đời.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã tung ra 28 tỷ USD hỗ trợ tài chính cho nông dân Mỹ để bù đắp những thiệt hại từ thuế quan của Trung Quốc, nhưng thỏa thuận thương mại tạm thời nói trên không hề đề cập đến việc Bắc Kinh dỡ bỏ các mức thuế hiện tại.
Ông Kuehl nói: “Nông dân ở Wisconsin, Minnesota, Texas và nhiều nơi khác vẫn sẽ thức dậy với mức thuế hai con số vào một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước Mỹ.”
Tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, giá đậu tương chỉ tăng 0,5% trong phiên ngày 14/10, dù các nhà sản xuất các sản phẩm hạt có dầu sẽ là một trong những đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ sự gia tăng các đơn hàng từ Trung Quốc.
Kim ngạch nhập khẩu đậu tương từ Mỹ của Trung Quốc đạt 12 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 57% tổng kim ngạch đậu tương xuất khẩu của Mỹ năm đó.
Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống 3 tỷ USD trong năm 2018, do thuế mới của Mỹ và dịch tả lợn châu Phi.
Bill Nelson, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn nông nghiệp Doane Advisory Services, cho rằng phản ứng ảm đạm của thị trường cho thấy sự hoài nghi về thỏa thuận nói trên, rằng kể cả khi có nó, thì thỏa thuận này cũng chỉ làm xáo trộn các dòng thương mại giữa các nước.
Kể từ khi cuộc chiến thuế quan nổ ra, Trung Quốc đã quay sang các nguồn cung đậu tương từ Brazil và Argentina, trong khi Mexico và nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã mua nhiều đậu tương của Mỹ hơn./.