Nông dân ĐBSCL tự tìm cách thích ứng với khí hậu khắc nghiệt

Trước hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, lượng nước sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ít, nhiều nông dân trong vùng đã tự thích ứng với môi trường.
(Ảnh minh họa: Bùi Như Trường Giang/TTXVN)

Trước hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, lượng nước sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ít, lượng phù sa không còn màu mỡ như trước, nhiều nông dân trong vùng đã tự thích ứng với môi trường, thay đổi mô hình sản xuất nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Luân canh sen - lúa cho mùa bội thu

Theo chân đoàn khảo sát của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đến vùng Đồng Tháp Mười, phóng viên TTXVN được gặp mặt những nông dân quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng và cây lúa.

Trong khi nhiều hộ nông dân của khu vực này đang phải lo lắng vì vụ lúa Hè Thu sau khi thu hoạch sẽ xuống giá, lợi nhuận không cao, không đủ kinh phí cho xoay vòng vốn cho vụ lúa Thu Đông, hoặc phải chuẩn bị phân bón nhiều hơn cho vụ lúa tiếp theo, thì ông Nguyễn Văn Bảy, trú tại tại ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp lại hớn hở chuẩn bị đưa cả gia đình đi du lịch sau những đợt thu hoạch sen.

Ông Bảy là nông dân chân chất hơn 30 năm sản xuất lúa. Trước đây, với diện tích 5ha, ông sản xuất 2,5ha lúa 3 vụ/năm. Còn 2,5ha ông chỉ sản xuất vụ Đông Xuân, còn vụ kia ông sản xuất vụ Hè Thu, có năm thì bỏ trống ruộng vì nằm ngoài vùng đê bao chống lũ.

Đến năm 2013, ông bắt đầu luân canh 1 vụ sen, 1 vụ lúa trên 2,5ha này. Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, ông đốt rạ rơm, cày xới đất rồi bơm nước vào ruộng, chờ 1 tháng sau, những củ sen được xuống giống trước đó bắt đầu lớn, hai tháng rưỡi sau có thể bắt đầu thu hoạch.

Ước tính, sau mỗi vụ sen kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, ông thu lợi nhuận 100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.

Nếu so với vụ lúa Hè Thu trước đây, trên diện tích này ông chỉ thu lợi nhuận 40 triệu đồng, không những vậy, có năm còn thiệt hại do mưa nhiều, ngập úng.

|

Như vậy, trên cùng diện tích này, khi luân canh 1 vụ sen 1 vụ lúa, ông Bảy có tổng lợi nhuận hơn 140 triệu đồng.

Đó là chưa kể đến sau khi ông thu hoạch sen, xuống giống vụ lúa Đông Xuân, ông giảm đi 40% lượng phân, thuốc sử dụng cho lúa mà năng suất lại cao hơn so với không luân canh cây sen, vì cây sen có khả năng giữ nước và phù sa tốt.

Với hình thức sản xuất này, năng suất lúa Đông Xuân của ông Bảy đạt 10 tấn/ha, thay vì 8 tấn/ha như những hộ nông dân chỉ đơn thuần trồng lúa.

Kết hợp trồng sen - nuôi cá cải tạo môi trường

Xuôi theo dòng kênh của xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp chúng tôi đến ao sen của ông Trần Văn Kịch, ông đang hướng dẫn chiếc Kobe đào xới mương rãnh dẫn nước vào ao sen. Vừa đưa tay lau mồ hôi ông Kịch vừa kể chuyện đời mình.

Hơn 10 năm trước ông theo cha mẹ khai thác khu rừng tràm Tháp Mười, sau đó được gia đình cho 5.000m2 để trồng lúa, sinh sống.

Tuy nhiên, trải qua bao nhiêu năm mà giá lúa vẫn vậy, mà mọi thứ khác như vật giá, kinh tế, dưỡng chất trong đất đều thay đổi, phèn trỗi lên, sử dụng phân bón ngày càng nhiều.

Đến năm 2009, ông quyết tâm mở rộng diện tích lên 6ha bằng toàn bộ số tiền dành dụm bao năm nhờ lúa.

Trong đó, ông sử dụng 2ha cho sản xuất lúa, 4ha còn lại ông đào ao sâu 1,2 mét, ngang từ 3-4m để vừa trồng sen, vừa thả cá vào nuôi.

Ông Trần Văn Kịch tìm cá giống khá đơn giản, khởi đầu ông tìm các loại cá lóc, cá rô phi, cá trê, thác lác, mè vinh ngoài đồng thả vào ao.

Trên diện tích rộng, cá này sinh ra ngoài số lớn lên thì số còn lại làm thức ăn cho loại cá kia.

Bên cạnh đó ông gây dựng ao sen với chi phí 15 triệu đồng mua giống. Lá và thân sen trở thành thức ăn cho cá.

Chính vì điều này ông Kịch không mất chi phí thức ăn cho cá mà chỉ chờ cá lớn rồi thu hoạch.

Với cây sen cũng tương tự, đây là loại cây có sức sống mãnh liệt, ít bị sâu bệnh, giá bán cao hơn lúa nên ông thu lời cao.

Ước tính, mỗi năm ông có thu nhập 40 triệu đồng từ các loại cá dưới ao và 100 triệu đồng từ 2 vụ thu hoạch sen sau khi trừ tất cả chi phí.

Sự kết hợp này đã tạo ra môi trường sống trong lành cho cây sen, ông Kịch không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây sen, bên cạnh đó, thân sen củ sen tạo nên môi trường trong lành cho các loài cá dù đang sống trong môi trường nước đọng.

Điều làm ông Kịch lo ngại chính là khâu thu hoạch sen, vì các gương sen không chín đồng loạt như cây lúa, người thu hoạch phải biết nhận ra gương nào chín, cần hái trước, gương nào phải để lại hôm sau mới hái.

Theo ông Lê Văn Thuận, trưởng ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, ấp 1 có 30ha nuôi trồng xen canh, luân canh sen với các loại khác như lúa, cá, du lịch và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Đây cũng là những kết hợp điển hình để nông dân dần tìm ra hướng đi mới trước hiện tượng hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới cho sản xuất.

Việc trồng sen luân canh cũng đã gây ra nhiều tranh cãi vì nhiều người lo sợ đầu ra không ổn định, hơn nữa do việc cơ giới hóa cho cây sen hiện nay chưa cao đã làm cho nhiều người băn khoăn.

Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều quốc gia tiêu thụ hạt sen như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước châu Âu…

Mặt khác, với cây sen, chỉ khâu thu hoạch gương sen mới thực sự cần nhân công, còn các khâu khác cũng đã được thay thế bằng máy móc, trường Đại học Cần Thơ cũng đã chế tạo được máy lột vỏ sen, vỏ lụa, gỡ tim sen với công suất 18 kg/ngày, thay cho nhân công chỉ làm 3 kg/ngày như trước đây, tiến sỹ Dương Văn Ni, Giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Cần Thơ cho biết.

Đây là bước tiến mới cho cây sen, chia sẻ gánh nặng cho cây lúa, cũng là hướng đi mới trong chuyển đổi giống cây sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục