Nông dân bỏ trồng mía, nhiều nhà máy đường buộc phải đóng cửa

Sau hiệp định ATIGA, giá mía trong nước quá thấp dẫn tới người nông dân bỏ trồng mía. Điều này khiến cho 11 nhà máy chế biến mía đường buộc phải đóng cửa trong thời gian qua.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Tại tọa đàm “Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới” do Báo Nhân dân tổ chức ngày 16/9, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay do ảnh hưởng từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân từ các nhà máy đường Việt Nam thuộc diện thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt bình quân 45 USD.

Theo ông, một số nhà máy đã cố gắng nâng lên 50 - 55 USD/tấn nhưng khó duy trì được lâu dài bởi giá đường đang thấp hơn giá thành sản xuất.

“Nếu giá quá thấp nông dân sẽ bỏ trồng mía, khi đó các nhà máy đường sẽ không có nguyên liệu để sản xuất. Vừa qua đã có tới 11 nhà máy đã buộc phải tạm đóng cửa,” ông Lộc nói. 

[Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngăn chặn đường lậu vào Việt Nam]

Làm rõ thêm những khó khăn, ông Phạm Hồng Dương - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT TTC Sugar - cho biết trước khi hội nhập ATIGA Việt Nam có 41 nhà máy, diện tích trồng mía khoảng 300.000ha. Hiện tại, sau 7 tháng ATIGA có hiệu lực, hiện chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, trong đó chỉ có 13 nhà máy có hiệu quả, 17 nhà máy trong tình trạng thua lỗ.

Dẫn báo cáo từ Tổng cục Hải quan, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ ở giai đoạn 2017-2019, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu chính ngạch khoảng 200.000-400.000 tấn đường/năm (bao gồm cả đường thô và đường tinh luyện). Tuy nhiên, thống kê 7 tháng đầu năm 2020, kể từ khi ATIGA có hiệu lực, nhập khẩu đường chính ngạch vào Việt Nam đã đạt 820.000 tấn, tăng gấp 7 lần so với năm 2019, chủ yếu là đường Thái Lan.

Nguyên nhân là do sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại và đặc biệt là ATIGA, mặt hàng đường được giảm thuế từ 80% (đường thô) xuống còn 5%, còn đường trắng từ 85% xuống còn 5% (kể từ 1/1/2020).

Vì vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách để hỗ trợ giá thu mua mía nguyên liệu cho 350.000 hộ nông dân, cứu ngành mía đường Việt Nam trước nguy cơ xóa sổ.

Đơn vị này cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương nhanh chóng có chính sách để loại bỏ mặt hàng đường giá rẻ Thái Lan tràn vào cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng với đường trong nước; các ngành chức năng cần tăng cường quản lý, xử phạt để ngăn chặn đường lậu vào Việt Nam.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục