Nông dân Anh lái hơn 100 máy kéo "bao vây" tòa nhà Quốc hội ở London

Người biểu tình muốn chính phủ chấm dứt các thỏa thuận thương mại mà họ tin là cho phép nhập khẩu thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành ở Anh và làm giảm thu nhập của nông dân trong nước.

Nông dân lái máy kéo qua Quảng trường Quốc hội, Westminster, London, ngày 25 tháng 3 năm 2024. (Nguồn: PA/AP)
Nông dân lái máy kéo qua Quảng trường Quốc hội, Westminster, London, ngày 25 tháng 3 năm 2024. (Nguồn: PA/AP)

Ngày 25/3, nhiều nông dân đã lái máy kéo đến tòa nhà Quốc hội Anh để biểu tình phản đối các thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit mà họ cho là đe dọa hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nước này.

Người biểu tình từ nhiều nơi trên cả nước đã đưa theo khoảng 100 máy kéo đến bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh, yêu cầu chính phủ thực thi việc dán nhãn mác thực phẩm chính xác hơn cũng như thực hiện các bước để cải thiện an ninh lương thực của đất nước.

Ngoài ra, người biểu tình cũng muốn chính phủ chấm dứt các thỏa thuận thương mại mà họ tin là cho phép nhập khẩu thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành ở Anh và làm giảm thu nhập của những người nông dân trong nước.

Liz Webster, người sáng lập tổ chức Save British Farming (tạm dịch: Giải cứu nông trại Anh), cho rằng chính phủ đã không thực hiện cam kết trong việc duy trì các tiêu chuẩn cao và khiến nước Anh ngập tràn các sản phẩm kém chất lượng.

Anh đã ký một số thỏa thuận thương mại kể từ khi rời Liên minh châu Âu (EU) vào đầu năm 2020 sau 4 năm nước này bỏ phiếu trưng cầu ý dân về Brexit.

Nông dân Anh cho rằng một số thỏa thuận, cùng với tình trạng lỏng lẻo trong khâu kiểm tra nhập khẩu, khiến thị trường nước này ngày càng nhiều thực phẩm chất lượng kém từ các quốc gia có quy định ít nghiêm ngặt hơn.

Cuộc biểu tình của nông dân Anh diễn ra trong bối cảnh người nông dân tại nhiều nước châu Âu tổ chức các hoạt động tuần hành, biểu tình phản đối môi trường cạnh tranh không công bằng với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ, ồ ạt và bất đồng về các quy định môi trường.

Nông nghiệp Anh cung cấp khoảng 60% lượng thực phẩm tiêu thụ trong nước, nhưng nông dân lo ngại tỷ lệ này sẽ giảm. Bên cạnh đó, người nông dân Anh cũng đang phải gánh thêm nhiều khoản chi phí gia tăng và tình trạng thiếu lao động thời vụ, nhiều người trong số này là người nước ngoài khó tuyển dụng hơn kể từ Brexit.

Tháng trước, phát biểu tại hội nghị Liên minh Nông nghiệp Quốc gia, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết chính phủ hỗ trợ nông dân, khẳng định an ninh lương thực là một phần quan trọng trong an ninh quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục