Cuộc tranh luận về quyền giám sát dữ liệu cá nhân đang ngày càng "nóng" tại Đức, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những người giám sát quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số.
Theo CNN, vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng liên quan đến các vấn đề nội vụ ở Đức vào tuần tới, trong bối cảnh Cảnh sát quốc gia Đức cũng như nhiều cơ quan thực thi pháp luật khác đang muốn tiếp cận không chỉ với các dữ liệu cá nhân trên điện thoại, mà cả các thông tin thu thập được từ các công cụ hỗ trợ kỹ thuật số như Google Home và Amazon Echo.
Người Đức trong những năm 1950-1990 đã biết đến không ít các thiết bị nghe lén thông tin được bí mật gắn trong tường nhà hay ngoài vườn hoặc trên ghế sofa. Những thiết bị này hiện đang được trưng bày trong viện Bảo tàng Stasi ở thủ đô Berlin.
Tuy nhiên, chúng vẫn chưa là gì so với điện thoại thông minh hay các thiết bị hỗ trợ ảo trong chính ngôi nhà của họ thời nay, có thể thu thập thông tin về mọi hoạt động thường nhật của mọi người.
[Dự báo 5 xu hướng chính về an toàn, an ninh mạng trong thời gian tới]
Tại một cuộc họp báo tuần trước, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức cho biết: "Để chống tội phạm một cách hiệu quả, các cơ quan liên bang và cấp bang rất cần tiếp cận các dữ liệu thu thập được từ các thiết bị trên."
Tuy nhiên, việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những người giám sát quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số. Giáo sư Jeanette Hormann, chuyên về chính trị Internet tại Đại học Freie ở Berlin, cũng là một thành viên Ủy ban điều tra của Quốc hội Đức về xã hội kỹ thuật số và mạng Internet, khẳng định: "Họ (chính quyền) ý thức rõ rằng việc họ định làm (giám sát dữ liệu cá nhân trên mạng kỹ thuật số) là vi hiến." Bà bày tỏ hy vọng các cơ quan bảo vệ dữ liệu sẽ can thiệp.
Giáo sư Hormann phân tích: "Nhà ở vẫn được coi là một nơi riêng tư so với những gì xảy ra ở nơi công cộng. Nguy cơ mọi việc bạn làm ở nhà bị theo dõi và các dữ liệu đó sẽ được trao cho các cơ quan thực thi pháp luật theo lệnh của tòa án thực sự rất đáng lo ngại."
Đức không phải là quốc gia duy nhất đang tranh cãi về việc nên vạch đường ranh giới ở đâu cho quyền riêng tư trên mạng kỹ thuật số. Trong trường hợp các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật số như Google Home hay Amazon Echo, nhiều dữ liệu được thu thập không được lưu trữ tại Đức, mà ở các nước khác, nhất là Mỹ.
Vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành đánh giá các đề xuất cho phép một nước thành viên, trong đó có Đức, tiếp cận các bằng chứng kỹ thuật số được thu thập ở nước ngoài. Ủy viên về an ninh của EU Julian King cho rằng: "Bằng việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế để tiếp cận bằng chứng điện tử, chúng ta sẽ tiến một bước nữa gần hơn tới việc thu hẹp không gian hoạt động của tội phạm khi cho phép các cơ quan thực thi luật pháp điều tra hiệu quả hơn và truy tố chúng, trong khi đảm bảo tôn trọng đầy đủ các quyền cơ bản của con người."
Tuy nhiên, các nhóm ủng hộ quyền kỹ thuật số tại Đức đã chỉ trích các đề xuất của EU. Họ chỉ ra rằng luật pháp Đức về quyền riêng tư có thể bị lung lay, và cho rằng các đề xuất này không tính đến việc liệu một hành động bị coi là tội phạm ở nước này có nhất thiết bị coi là hành động tội phạm ở một nước khác hay không, ví dụ như việc nạo phá thai.
Trong lịch sử, Đức đã rất nhạy cảm về quyền riêng tư và là một trong số ít quốc gia thực thi những đạo luật bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt nhất thế giới. Nhắc tới yếu tố này, chuyên gia an ninh mạng Sven Herpig nhấn mạnh các chính sách của Đức trong 20 năm qua luôn ủng hộ bảo mật thông tin. Theo ông, các cơ quan thực thi pháp luật "nên tìm một cách khác để tiếp cận các dữ liệu"./.