Nóng BOT: 'Giảm giá, giảm cước... tư duy không chấp nhận được'

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, các vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình mới chỉ toát lên là "dân chịu thì thu, dân không chịu lại dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục, rồi lại thu."
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đưa ra nhiều giải pháp cho những tuyến đường có trạm thu phí (giá) BOT nhưng nhiều đại biểu cho rằng, Bộ cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

[Lựa chọn các vấn đề chất vấn - không né tránh với các vấn đề nóng]

Không đi vẫn phải trả tiền?

Nêu ý kiến tại phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 4/6, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đưa ra có 17 trạm thu phí BOT đặt sai vị trí, trong đó 3 dự án cao tốc dân không đi cũng phải trả tiền và 6 dự án người dân không đi đường tránh phải trả tiền.

Tuy nhiên, qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, theo đại biểu đoàn Phú Thọ, các vấn đề giải trình mới chỉ toát lên đó là "dân chịu thì thu, dân không chịu lại dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục, rồi lại thu."

Từ nội dung này, ông Hàm đặt câu hỏi "như thế đã vì lợi ích của dân chưa, vì sao dân không đi vẫn phải trả tiền và 17 dự án nêu trên chủ yếu chỉ định thầu?"

Đồng tình ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, phải tuân thủ nguyên tắc cung cầu, quyền người dân và nhà đầu tư phải bình đẳng, không thể do áp lực lại giảm giá, chuyển trạm.

"Bộ trưởng nói rằng, tiếp tục giảm giá, giảm cước và kéo dài thời dài thời gian thu phí, đây là tư duy không chấp nhận được," đại biểu đoàn Bình Dương băn khoăn?

Cũng nêu ra các vấn đề liên quan đến dự án BOT, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) lại tỏ ra không đồng tình khi Bộ trưởng Giao thông nói "giải quyết tranh chấp BOT vì lợi ích hài hòa của người dân bằng giảm giá, bởi như vậy không khác gì xin cho."

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: TTXVN)

Chính sách phí còn bất cập?

Báo cáo của Bộ Giao thông cũng nhìn nhận, chính sách phí (nay là giá dịch vụ sử dụng đường bộ) còn bất cập. Giá dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đảm bảo công bằng cho các phương tiện khu vực xung quanh trạm và một số phương tiện sử dụng các tuyến đường ngang đi qua trạm, sử dụng quãng đường ngắn.

Một số trạm trước đây thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn ngân sách nhà nước được tận dụng lại để chuyển sang thu hoàn vốn cho các dự án BOT, vị trí nằm ngoài phạm vi dự án gây bức xúc cho người sử dụng...

Trà lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, 3 trạm BOT nằm ngoài phạm vi dự án chủ yếu do lịch sử để lại và khi Bộ Giao thông tiếp nhận thì đã báo cáo Chính phủ, ví dụ như trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Năm 2014, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc thu phí, do vậy Bộ thực hiện đúng theo chỉ đạo này.

Tương tự, một số dự án xây tuyến tránh và nâng cấp tuyến hiệu hữu là nhằm tạo đột phá kinh tế - xã hội cho địa phương, toàn bộ việc này theo Bộ trưởng "thực hiện theo đúng quy trình, các bộ ngành, địa phương có tham gia ý kiến."

Tư lệnh ngành giao thông cho hay, trong bối cảnh hiện nay ngân sách eo hẹp, Chính phủ khó bố trí được nguồn vốn lớn để mua lại toàn bộ dự án này. Khi Quốc hội biểu quyết có khả năng cân đối nguồn vốn thì chúng tôi sẵn sàng mua lại số dự án này.

Về trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ Giao thông đã giảm phí cho toàn bộ xe của người dân sinh sống trong vòng 10 km từ trạm BOT, đồng thời khẳng định, hoàn toàn không có thất thoát trong các dự án BOT.

Trả lời chất vấn đại biểu về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước giảm thu phí BOT hàng chục năm sau kiểm toán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc giảm thời gian này chủ yếu do giảm nguồn dự phòng phí chưa sử dụng.

Theo đó, giai đoạn 2010 - 2011 lãi suất ngân hàng cao nên khi lập dự án phải căn cứ theo lãi suất ngân hàng. Khi tình hình vĩ mô ổn định, lãi suất giảm, nên phần dự phòng này không sử dụng, dẫn tới giảm thời gian thu phí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục