‘Nóng bỏng’ nhân sự cấp cao ngành ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông

Trong kỳ đại hội cổ đông vừa qua, nhiều ngân hàng có sự thay đổi về nhân sự cấp cao và nhận được sự quan tâm của giới đầu tư bởi mỗi lần ngân hàng thay chủ “ghế nóng” sẽ tác động lên giá cổ phiếu.
‘Nóng bỏng’ nhân sự cấp cao ngành ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông ảnh 1Chỉ trong hơn 1 năm, “ghế nóng" của Eximbank đã 5 lần đổi chủ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mùa đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng vừa kết thúc, các thương vụ mua bán, sáp nhập, thay đổi nhân sự cao cấp đã làm nóng hội trường của các nhà băng trong năm 2021.

Không ngừng thay “ghế nóng”

Đến thời điểm này đơn vị được nhiều nhà đầu tư chú ý nhất có lẽ là Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) khi mà vị trí Chủ tịch HĐQT không ngừng thay đổi.

Ngay trước ngày diễn ra Đại hội (26-27/4/2021), hai nhóm cổ đông lớn đã gửi đề xuất bổ sung vào chương trình họp việc miễn nhiệm gần hết Hội đồng quản trị hiện tại của Eximbank.

Nhóm cổ đông sở hữu 10,3% vốn Eximbank đề nghị cổ đông miễn nhiệm 5 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020, gồm ông Yasuhiro Saitoh (Chủ tịch Hội đồng quản trị), ông Lê Minh Quốc (thành viên độc lập), ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng đều là thành viên.

Nhóm cổ đông khác sở hữu 11,2% vốn đề nghị miễn nhiệm ba thành viên là ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Theo báo cáo quản trị của Eximbank, Hội đồng quản trị nhà băng này hiện có 9 người. Ngoài 8 thành viên bị đề nghị miễn nhiệm, thành viên còn lại là ông Nguyễn Quang Thông (hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch) là không bị 2 nhóm cổ đông trên nhắc tới. Đây cũng chính là người đã cùng Eximbank tạo nên sự kiện hy hữu chưa từng có trong ngành ngân hàng khi vào ngày 13/4, ông Thông đã được bổ nhiệm rồi miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT chỉ trong chưa đầy một giờ đồng hồ. 

Kết cục là từ năm 2019 đến nay, Eximbank trở thành ngân hàng duy nhất chưa thể tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên, cũng như không có Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật...

Bên cạnh đó, chỉ trong hơn 1 năm, “ghế nóng" của Eximbank cũng đã đổi chủ đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi đến ông Cao Xuân Ninh và mới nhất thay đổi qua lại giữa ông Nguyễn Quang Thông và ông Yasuhiro Saitoh. 

Như vậy, câu chuyện "ghế nóng" tại Eximbank hứa hẹn sẽ có nhiều "kịch tính" khi cuộc tranh chấp vị trí Chủ tịch vẫn chưa ngã ngũ.

[Ngân hàng Kiên Long chính thức có Chủ tịch HĐQT mới từ ngày 26/5]

Một ngân hàng khác cũng có nhiều thay đổi về nhân sự là Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank).

Tại cuộc họp thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2022 ngày 3/5, các thành viên Hội đồng quản trị đã thông qua đơn từ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022 của ông Lê Hồng Phương theo nguyện vọng cá nhân đồng thời nhất trí bầu bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2022 kể từ ngày 26/5.

Theo giới thiệu trên website của Ngân hàng Kiên Long, bà Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985, tốt nghiệp thạc sỹ tài chính ngân hàng-Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà Hằng từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine International Property Technology, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sunshine Homes, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Sunshine Tech, Phó Tổng giám đốc Đầu tư quốc tế và IPO Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine, Giám đốc Công ty cổ phần Sunshine AM, Giám đốc Công ty cổ phần Sunshine Sky Villa.

Trước đó, bà Hằng có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, trải qua một số vị trí quản lý ở LienVietPostBank và MSB.

Từ ngày 28/1/2021 đến ngày 31/1, bà Hằng giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị và đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Kiên Long từ ngày 1/2/2021 đến nay. Bà Hằng hiện đang nắm giữ hơn 15,3 triệu cổ phiếu KLB, chiếm 4,75% vốn điều lệ ngân hàng.

Như vậy, từ đầu năm đến nay ngân hàng này đã 2 lần thay đổi Chủ tịch HĐQT, trước đó vào đầu tháng Hai, ông Lê Hồng Phương được bầu vào vị trí cao nhất của nhà băng này thay cho ông Lê Khắc Gia Bảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị tiền nhiệm.

Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), các cổ đông cũng đã nhất trí cao bầu bổ sung ông Nguyễn Đức Thụy tham gia Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2023.

Ông Nguyễn Đức Thụy còn được biết đến là ‘bầu Thụy,’ là người đã nắm giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thai Group, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Enclave Phú Quốc và một số lĩnh vực khác như: Tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, xây dựng, năng lượng, xi măng…

Hiện tại, Hội đồng quản trị LienVietPostBank có 7 người, gồm Chủ tịch Huỳnh Ngọc Huy, hai Phó Chủ tịch là ông Phạm Doãn Sơn và ông Dương Công Toàn, 4 thành viên là các ông bà Chu Thị Lan Hương, Lê Hồng Phong, Dương Hoài Liên và ông Nguyễn Đức Thụy.

‘Nóng bỏng’ nhân sự cấp cao ngành ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông ảnh 2Đến thời điểm này, bà Trần Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank là lãnh đạo trẻ tuổi nhất ngành ngân hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank-VBB cũng vừa thống nhất bầu ông Dương Nhất Nguyên - thành viên Hội đồng quản trị giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021-2025 thay ông Bùi Xuân Khu (Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương) mới được bầu ngày 23/2/2021.

Được biết, ông Dương Nhất Nguyên sinh năm 1983, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, Trường Đại học DeVry, Hoa Kỳ. Ông đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, ngân hàng. 

Khó tránh khỏi biến động

Thay đổi nhân sự, đặc biệt là nhân sự cao cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã diễn ra khá sôi động trong vài năm trở lại đây, khi nhiều ngân hàng tiến hành M&A, đổi chủ. Biến động này thường nhộn nhịp hẳn lên trước thềm Đại hội đồng cổ đông.

Thực tế, thị trường đã chứng kiến không ít ngân hàng thay lãnh đạo điều hành. Trong khi đó, lãnh đạo cao cấp tại các ngân hàng thường có sự dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng đánh giá: “Tại Việt Nam, ngân hàng chưa phải là một lĩnh vực kinh doanh ổn định khi số lượng ngân hàng quá nhiều, khoảng 30-40 ngân hàng, dẫn đến vị trí lãnh đạo liên tục được thay thế. Nói cách khác, hệ thống ngân hàng Việt mới chỉ ổn định ở một vài khía cạnh, bởi theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ thay đổi nhân sự lên đến trên 10% như tại Việt Nam hiện nay là điều bất ổn.”

Dù vậy, giới đầu tư và cổ đông cũng rất quan tâm đến biến động nhân sự cao cấp, bởi mỗi lần ngân hàng thay chủ “ghế nóng” sẽ tác động lên giá cổ phiếu của các nhà băng. Ví dụ như tại Kienlongbank, giá cổ phiếu đang từ dưới 10.000 đồng, đã vọt lên giao dịch quanh mức 24.300 đồng/cổ phiếu.

Dự báo sắp tới làn sóng nhân sự giữ các chức vụ chủ chốt tại các ngân hàng sẽ tiếp tục biến động do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các ngân hàng định hướng lại chiến lược kinh doanh, do vậy cần các nhân sự phù hợp với quá trình phát triển mới. 

Những biến động về nhân sự cũng không chỉ dừng lại ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, thị trường cũng đang ngóng sự thay đổi của 2 ông lớn trong ngành ngân hàng là Vietcombank và VietinBank khi 2 vị Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa trúng vào Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cho thấy vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của 2 ngân hàng này sẽ sớm được thay đổi trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục