Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, chỉ tính thời điểm tháng 10/2011, lực lượng chức năng đã bắt được gần 700 vụ vi phạm với tổng số hàng hóa ước trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Ngồi trong căn phòng vẫn bảng lảng sương sớm từ dãy Trường Sơn len qua khe tôn vào, Đội phó đội kiểm soát Hải quan tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Văn Trì ngó đăm đăm ra khoảnh không phía bên ngoài đường 9 khi nghe chúng tôi nhắc đến con số ấy.
Nhìn lại cả một năm dài đã đi qua, anh bảo chẳng thể nhớ hết những “chuyên án” cùng mấy chục anh em trong đội đã thực hiện trong năm qua. Càng giáp Tết, công việc lại càng cuốn đi, rượt đuổi theo những chuyến hàng lậu xối xả về xuôi, anh bảo, chẳng còn thời gian đâu mà nhẩm tính số vụ và tổng số hàng đã bắt được.
Muôn nẻo hàng lậu về xuôi
Theo đánh giá của Cục Hải quan Quảng Trị, vào những ngày cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Dân buôn chủ yếu “đánh” thuốc lá, rượu ngoại, nước giải khát theo dọc tuyến đường 9 và qua sông Sê Pôn để tuồn về Đông Hà.
“Đặc biệt trên tuyến đường sông, các đối tượng thường dùng thuyền máy của nước bạn Lào chạy dọc sông Sê Pôn rồi chờ cơ hội thuận tiện sẽ đưa hàng lên bờ nhập lậu vào Lao Bảo. Từ đây, hàng lại được thẩm lậu ngược về thành phố,” anh Nguyễn Văn Trì cho hay.
Trong tuyến giáp giữa khu cửa khẩu Lao Bảo và nội địa, dân buôn đã dùng rất nhiều thủ đoạn khác nhau để qua mặt lực lượng hải quan. Điển hình, giới buôn lậu không ngần ngại gia cố hầm ở các xe khách chạy liên tuyến, hay thuê người gùi hàng qua các đường tiểu ngạch với giá cao để đưa hàng về Đông Hà.
Nhắc đến những thủ đoạn này, anh Lê Hồng Mẫn, cán bộ tổ kiểm soát cổng C thuộc Tổ kiểm soát hải quan Quảng Trị cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Sau nhiều lần truy đuổi hàng lậu dọc đường 9 huyền thoại, Mẫn cho hay, thông thường, với cánh quân cửu vạn "cua rạm," các đầu nậu rất khôn ngoan. Họ sẽ gán thẳng hàng cho đồng bào dân tộc Vân Kiều. Số hàng này thường không có số lượng lớn nhưng lại là tài sản “cả đời” của một gia đình Vân Kiều.
“Vì vậy, khi bị truy đuổi, đội quân 'cua rạm' sẽ không ngại ngần chạy trốn bằng mọi cách. Việc truy đuổi quá gắt cũng sẽ khiến đồng bào mình bị nguy hiểm,” anh Mẫn thành thật.
Ngược lại, với đội quân xe thồ, thông thường, các chủ hàng thường trả cho mỗi người khoảng 400.000 đồng với mỗi chuyến “thẩm lậu” thành công.
“Quãng đường từ Lao Bảo về Đông Hà không dài, lợi nhuận như thế, nên dù làm gắt, hàng đêm, hàng lậu vẫn cứ ‘cố’ tìm cách chảy về xuôi,” anh Mẫn nhận định.
Đau đầu nhất, phải kể đến các cán bộ thực hiện nhiệm vụ chốt tại cổng B.
Phó Chi cục trưởng Trạm kiểm soát Tân Hợp, ông Trần Linh Cảnh cho hay: “Trong năm 2011, riêng trạm Tân Hợp đã bắt và xử lý 274 vụ với số hàng trị giá 4,36 tỷ.”
Trạm Tân Hợp chủ yếu có nhiệm vụ kiểm tra các phương tiện vận tải lớn từ Lao Bảo chạy về. Việc kiểm tra được lực lượng liên ngành bao gồm cán bộ hải quan, bộ đội biên phòng và công an cùng thực hiện.
Mặc dù vậy, nhắc đến thủ đoạn của cánh dân buôn “tầm gửi” hàng vào các loại phương tiện này, ông Cảnh cũng phải ngán ngẩm lắc đầu.
“Trước đây, do lợi nhuận lớn, các xe khách cũng thường xuyên tham gia vận chuyển thuốc lá, rượu ngoại về Đông Hà. Nhưng hiện nay, do việc xử phạt đã kèm theo tạm giữ phương tiện nên cánh lái xe cũng ngại,” ông Cảnh nhận định.
Bù lại, những chủ nậu lại nghĩ ra cách khác nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Điển hình, giới buôn lậu tìm cách gia cố, xây dựng thêm các khoang chứa hàng “ngầm” dưới đáy các xe. Sau khi “ăn” hàng, lái xe xếp một số hành lý, vật dụng của hành khách chèn lên để che mối hàn. Lỗ vào lấy hàng chỉ vừa đúng một đứa trẻ con chui vừa.
“Đối với thủ đoạn này, phần lớn chúng tôi phải nhờ trinh sát báo trước thì mới có thể bắt được hàng. Thậm chí, có trường hợp khi đã bắt được xe, chủ phương tiện vẫn kiên quyết không nhận mình chở hàng lậu. Chúng tôi buộc phải ‘cân xe’ để kiểm tra trọng lượng để chứng minh trước khi ‘mổ xe’,” Phó chi cục trưởng trạm Tân Hợp cho hay.
Những con số giật mình
Sau mấy đêm cùng săn hàng lậu với cán bộ trạm kiểm soát hải quan Quảng Trị, chúng tôi tưởng đã mường tượng được những mánh khóe của giới buôn lậu. Tuy nhiên, chỉ đến khi được Cục Hải quan Quảng Trị cung cấp những số liệu rất đáng giật mình, chúng tôi mới hình dung hết được quy mô và tầm vóc của những chiếc "vòi bạch tuộc" đang vươn dài dọc tuyến đường 9 huyền thoại này.
Ông Hoàng Văn Cừ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị cho hay, chỉ tính đến thời điểm tháng 10/2011, số vụ buôn lậu mà cơ quan này bắt được đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2010. Tính về giá trị, lượng hàng hóa tạm giữ lên tới hơn 10 tỷ đồng, tăng hơn 11%.
Những con số biết nói này khẳng định, vùng biên Lao Bảo đang nóng lên từng giờ khi Tết Nguyên Đán chỉ còn tính bằng ngày.
Đại diện trạm kiểm soát Tân Hợp cũng nêu lên những con số đáng giật mình. Trong năm 2011, riêng đơn vị này đã bắt giữ được gần 300 vụ buôn lậu và gian lận thương mại với số tiền quy đổi gần 5 tỷ đồng. Các mặt hàng chủ yếu vẫn là thuốc lá ngoại, rượu, bia, nước giải khát ngoại...
Đáng giật mình hơn, phần lớn trong số này lại là các vụ hàng vô chủ. Thống kê cho thấy, có tới 199 vụ nằm trong tình trạng này với tổng số tài sản có giá trị lên tới hơn 3 tỷ đồng.
“Thực tế, nhiều vụ, dân buôn sẵn sàng vứt hàng hóa để chạy thoát thân. Vì vậy việc xử phạt đôi khi rất khó khăn,” Phó chi cục trưởng Chi cục Tân Hợp khẳng định.
Thậm chí, tình hình đối với đội phòng chống ma túy Làng Vây cũng không khác là mấy. Trong số 14 vụ mà đội này bắt được, có đến 10 vụ là hàng vô chủ.
Tình trạng này khiến cho việc chặt tận gốc đầu não dân buôn vô cùng khó khăn. Cứ triệt được một chiếc vòi, một vòi khác dài hơn lại vươn lên.
Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc cài cắm các mũi trinh sát, các cán bộ của Cục Hải quan Quảng Trị hiện vẫn chỉ có cách vận động đồng bào dọc tuyến đường 9 tránh tham gia vào các chuyến cõng hàng qua núi.
Quan trọng hơn, theo Phó cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị, những chuyên án lớn cũng sẽ góp phần làm những "vòi bạch tuộc" chùn tay.
Điển hình nhất, cuối tháng 3 năm 2011, sau nhiều tháng mật phục, Chi cục hải quan Lao Bảo đã bắt giữ được một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu với tổng trị giá lên tới hơn 67.000 USD, tương đương gần 1,4 tỷ đồng.
Hay như gần đây nhất, ngay tại thời điểm chúng tôi đặt chân tới Quảng Trị, một chuyên án lớn đã được thực hiện.
Tại Trạm Kiểm soát cổng B- Khu Thương mại Lao Bảo, Đội kiểm soát thuộc Chi cục Hải quan Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã phát hiện lô hàng lậu trên xe khách đang trên đường về xuôi.
Cùng thời gian trên, Đội Kiểm soát Phòng chống ma tuý – Cục Hải quan Quảng Trị cũng đã phát hiện và bắt giữ xe khách 74K-0068 do lái xe Hoàng Quang Thái (30 tuổi, trú tại phường 5, Đông Hà) điều khiển, trên xe chở 384 két bò húc và một số hàng hóa khác trị giá hơn 70 triệu đồng. Số hàng này được xác định là hàng lậu và vô chủ.
“Những chuyên án ấy sẽ góp phần quan trọng để trấn áp các đối tượng buôn lậu tại vùng biên nóng bỏng này,” ông Cừ khẳng định./.
Ngồi trong căn phòng vẫn bảng lảng sương sớm từ dãy Trường Sơn len qua khe tôn vào, Đội phó đội kiểm soát Hải quan tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Văn Trì ngó đăm đăm ra khoảnh không phía bên ngoài đường 9 khi nghe chúng tôi nhắc đến con số ấy.
Nhìn lại cả một năm dài đã đi qua, anh bảo chẳng thể nhớ hết những “chuyên án” cùng mấy chục anh em trong đội đã thực hiện trong năm qua. Càng giáp Tết, công việc lại càng cuốn đi, rượt đuổi theo những chuyến hàng lậu xối xả về xuôi, anh bảo, chẳng còn thời gian đâu mà nhẩm tính số vụ và tổng số hàng đã bắt được.
Muôn nẻo hàng lậu về xuôi
Theo đánh giá của Cục Hải quan Quảng Trị, vào những ngày cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Dân buôn chủ yếu “đánh” thuốc lá, rượu ngoại, nước giải khát theo dọc tuyến đường 9 và qua sông Sê Pôn để tuồn về Đông Hà.
“Đặc biệt trên tuyến đường sông, các đối tượng thường dùng thuyền máy của nước bạn Lào chạy dọc sông Sê Pôn rồi chờ cơ hội thuận tiện sẽ đưa hàng lên bờ nhập lậu vào Lao Bảo. Từ đây, hàng lại được thẩm lậu ngược về thành phố,” anh Nguyễn Văn Trì cho hay.
Trong tuyến giáp giữa khu cửa khẩu Lao Bảo và nội địa, dân buôn đã dùng rất nhiều thủ đoạn khác nhau để qua mặt lực lượng hải quan. Điển hình, giới buôn lậu không ngần ngại gia cố hầm ở các xe khách chạy liên tuyến, hay thuê người gùi hàng qua các đường tiểu ngạch với giá cao để đưa hàng về Đông Hà.
Nhắc đến những thủ đoạn này, anh Lê Hồng Mẫn, cán bộ tổ kiểm soát cổng C thuộc Tổ kiểm soát hải quan Quảng Trị cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Sau nhiều lần truy đuổi hàng lậu dọc đường 9 huyền thoại, Mẫn cho hay, thông thường, với cánh quân cửu vạn "cua rạm," các đầu nậu rất khôn ngoan. Họ sẽ gán thẳng hàng cho đồng bào dân tộc Vân Kiều. Số hàng này thường không có số lượng lớn nhưng lại là tài sản “cả đời” của một gia đình Vân Kiều.
“Vì vậy, khi bị truy đuổi, đội quân 'cua rạm' sẽ không ngại ngần chạy trốn bằng mọi cách. Việc truy đuổi quá gắt cũng sẽ khiến đồng bào mình bị nguy hiểm,” anh Mẫn thành thật.
Ngược lại, với đội quân xe thồ, thông thường, các chủ hàng thường trả cho mỗi người khoảng 400.000 đồng với mỗi chuyến “thẩm lậu” thành công.
“Quãng đường từ Lao Bảo về Đông Hà không dài, lợi nhuận như thế, nên dù làm gắt, hàng đêm, hàng lậu vẫn cứ ‘cố’ tìm cách chảy về xuôi,” anh Mẫn nhận định.
Đau đầu nhất, phải kể đến các cán bộ thực hiện nhiệm vụ chốt tại cổng B.
Phó Chi cục trưởng Trạm kiểm soát Tân Hợp, ông Trần Linh Cảnh cho hay: “Trong năm 2011, riêng trạm Tân Hợp đã bắt và xử lý 274 vụ với số hàng trị giá 4,36 tỷ.”
Trạm Tân Hợp chủ yếu có nhiệm vụ kiểm tra các phương tiện vận tải lớn từ Lao Bảo chạy về. Việc kiểm tra được lực lượng liên ngành bao gồm cán bộ hải quan, bộ đội biên phòng và công an cùng thực hiện.
Mặc dù vậy, nhắc đến thủ đoạn của cánh dân buôn “tầm gửi” hàng vào các loại phương tiện này, ông Cảnh cũng phải ngán ngẩm lắc đầu.
“Trước đây, do lợi nhuận lớn, các xe khách cũng thường xuyên tham gia vận chuyển thuốc lá, rượu ngoại về Đông Hà. Nhưng hiện nay, do việc xử phạt đã kèm theo tạm giữ phương tiện nên cánh lái xe cũng ngại,” ông Cảnh nhận định.
Bù lại, những chủ nậu lại nghĩ ra cách khác nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Điển hình, giới buôn lậu tìm cách gia cố, xây dựng thêm các khoang chứa hàng “ngầm” dưới đáy các xe. Sau khi “ăn” hàng, lái xe xếp một số hành lý, vật dụng của hành khách chèn lên để che mối hàn. Lỗ vào lấy hàng chỉ vừa đúng một đứa trẻ con chui vừa.
“Đối với thủ đoạn này, phần lớn chúng tôi phải nhờ trinh sát báo trước thì mới có thể bắt được hàng. Thậm chí, có trường hợp khi đã bắt được xe, chủ phương tiện vẫn kiên quyết không nhận mình chở hàng lậu. Chúng tôi buộc phải ‘cân xe’ để kiểm tra trọng lượng để chứng minh trước khi ‘mổ xe’,” Phó chi cục trưởng trạm Tân Hợp cho hay.
Những con số giật mình
Sau mấy đêm cùng săn hàng lậu với cán bộ trạm kiểm soát hải quan Quảng Trị, chúng tôi tưởng đã mường tượng được những mánh khóe của giới buôn lậu. Tuy nhiên, chỉ đến khi được Cục Hải quan Quảng Trị cung cấp những số liệu rất đáng giật mình, chúng tôi mới hình dung hết được quy mô và tầm vóc của những chiếc "vòi bạch tuộc" đang vươn dài dọc tuyến đường 9 huyền thoại này.
Ông Hoàng Văn Cừ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị cho hay, chỉ tính đến thời điểm tháng 10/2011, số vụ buôn lậu mà cơ quan này bắt được đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2010. Tính về giá trị, lượng hàng hóa tạm giữ lên tới hơn 10 tỷ đồng, tăng hơn 11%.
Những con số biết nói này khẳng định, vùng biên Lao Bảo đang nóng lên từng giờ khi Tết Nguyên Đán chỉ còn tính bằng ngày.
Đại diện trạm kiểm soát Tân Hợp cũng nêu lên những con số đáng giật mình. Trong năm 2011, riêng đơn vị này đã bắt giữ được gần 300 vụ buôn lậu và gian lận thương mại với số tiền quy đổi gần 5 tỷ đồng. Các mặt hàng chủ yếu vẫn là thuốc lá ngoại, rượu, bia, nước giải khát ngoại...
Đáng giật mình hơn, phần lớn trong số này lại là các vụ hàng vô chủ. Thống kê cho thấy, có tới 199 vụ nằm trong tình trạng này với tổng số tài sản có giá trị lên tới hơn 3 tỷ đồng.
“Thực tế, nhiều vụ, dân buôn sẵn sàng vứt hàng hóa để chạy thoát thân. Vì vậy việc xử phạt đôi khi rất khó khăn,” Phó chi cục trưởng Chi cục Tân Hợp khẳng định.
Thậm chí, tình hình đối với đội phòng chống ma túy Làng Vây cũng không khác là mấy. Trong số 14 vụ mà đội này bắt được, có đến 10 vụ là hàng vô chủ.
Tình trạng này khiến cho việc chặt tận gốc đầu não dân buôn vô cùng khó khăn. Cứ triệt được một chiếc vòi, một vòi khác dài hơn lại vươn lên.
Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc cài cắm các mũi trinh sát, các cán bộ của Cục Hải quan Quảng Trị hiện vẫn chỉ có cách vận động đồng bào dọc tuyến đường 9 tránh tham gia vào các chuyến cõng hàng qua núi.
Quan trọng hơn, theo Phó cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị, những chuyên án lớn cũng sẽ góp phần làm những "vòi bạch tuộc" chùn tay.
Điển hình nhất, cuối tháng 3 năm 2011, sau nhiều tháng mật phục, Chi cục hải quan Lao Bảo đã bắt giữ được một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu với tổng trị giá lên tới hơn 67.000 USD, tương đương gần 1,4 tỷ đồng.
Hay như gần đây nhất, ngay tại thời điểm chúng tôi đặt chân tới Quảng Trị, một chuyên án lớn đã được thực hiện.
Tại Trạm Kiểm soát cổng B- Khu Thương mại Lao Bảo, Đội kiểm soát thuộc Chi cục Hải quan Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã phát hiện lô hàng lậu trên xe khách đang trên đường về xuôi.
Cùng thời gian trên, Đội Kiểm soát Phòng chống ma tuý – Cục Hải quan Quảng Trị cũng đã phát hiện và bắt giữ xe khách 74K-0068 do lái xe Hoàng Quang Thái (30 tuổi, trú tại phường 5, Đông Hà) điều khiển, trên xe chở 384 két bò húc và một số hàng hóa khác trị giá hơn 70 triệu đồng. Số hàng này được xác định là hàng lậu và vô chủ.
“Những chuyên án ấy sẽ góp phần quan trọng để trấn áp các đối tượng buôn lậu tại vùng biên nóng bỏng này,” ông Cừ khẳng định./.
Xuân Sơn (Vietnam+)