Nới thêm 2% room tín dụng: Bước đi phù hợp của Ngân hàng Nhà nước

Các chuyên gia cho rằng quyết định cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5%-2% lúc này là phù hợp vì áp lực bên ngoài như lạm phát, lãi suất và tỷ giá đã dịu bớt khá nhiều.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Với việc Ngân hàng Nhà nước vừa nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5%-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.

Đây là tin vui với nhiều ngân hàng bởi trước đó dù có nhiều đề nghị điều chỉnh nhưng Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không nới room quá 14% để kiểm soát lạm phát. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ nới room cho một số ngân hàng thuộc nhóm Big 4 và các ngân hàng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

Mức điều chỉnh phù hợp

Theo các chuyên gia, động thái này cho thấy chính sách của Ngân hàng Nhà nước rất linh hoạt, mềm dẻo. Hiện đang là mùa cao điểm sản xuất, kinh doanh phục vụ Tết nên cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng rộng mở hơn, dù vẫn phải đáp ứng nhiều điều kiện tín dụng khắt khe. Bên cạnh đó, bối cảnh vĩ mô cũng đang có nhiều thuận lợi.

Ông Trần Đức Anh – Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng giá cả hàng hóa như xăng dầu, sắt thép, giá gia súc, gia cầm đều hạ nhiệt so với cách đây vài tháng, như vậy áp lực lạm phát cũng đỡ hơn so với trước.

[Tăng chỉ tiêu tín dụng lên đến 2% cho toàn hệ thống ngân hàng]

Điển hình, theo công bố của Tổng cục Thống kê, bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%. Kết quả này cho thấy, mục tiêu kiểm soát CPI dưới 4% gần như chắc chắn trong tầm tay. Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới có quá nhiều biến động, việc kiềm chế, kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng dưới 4% trong năm 2022 được đánh giá là một sự nỗ lực lớn và quyết tâm cao của các cơ quan điều hành.

Cũng tương tự, tỷ giá cũng đã hạ nhiệt trong vòng 3 tuần trở lại đây, chỉ số Dollar-Index - đo lường sức mạnh đồng USD trong giỏ 6 đồng tiền chủ chốt đã không ngừng rơi về quanh mức 104,17-105 điểm. Song với đó, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái hạ giá bán USD 3 phiên trong 1 tháng trở lại đây, vì vậy, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đã giảm mạnh.

Ngày 6/12, Ngân hàng Vietcombank thông báo giá mua vào là 23.860 đồng/USD và bán ra là 24.140 đồng/USD, giảm từ 710-730 đồng/USD ở cả 2 chiều so với phiên đầu tuần trước (28/11).

Ông Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng động thái nới room tín dụng thời điểm này thể hiện một mặt kiên định với vĩ mô, mặt khác thể hiện đúng tinh thần là linh hoạt và hiện nay các áp lực về lãi suất, tỷ giá ít nhiều cũng đã dịu đi, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank thông tin đến thời điểm này, room tín dụng của Vietcombank còn khoảng 20.000 tỷ đồng, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho khách hàng từ nay đến hết năm, tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu… Vietcombank cũng cam kết cung ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Trong thời gian qua, tình trạng room tín dụng cạn kiệt đang gây ra nhiều bất cập, với bất cập lớn nhất là doanh nghiệp tốt hay xấu đều chung cảnh cạn room.

Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (Châu Thành, Bến Tre) cho biết lãi suất vay vốn tại công ty ông đã tăng 2%/năm với cả khoản vay bằng tiền đồng lẫn ngoại tệ. Tuy nhiên, trớ trêu là, ngay cả khi có tiền, ông vẫn không dám trả nợ ngân hàng, do sợ không được ngân hàng giải ngân khi có đơn hàng.

Vẫn cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia lưu ý các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng. Ngoài ra Bộ Tài chính cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp (nguồn vốn trung-dài hạn quan trọng và cũng là để giúp doanh nghiệp thanh toán nợ đáo hạn).

Bên cạnh đó, theo ông Lực, các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh, hiệu quả giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi 2022-2023 nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản giữa các doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa và tạo động lực tăng trưởng trước mắt và lâu dài.

Tăng trưởng tín dụng từ năm 2010 đến tháng 11/2022. Đơn vị: %

Chuyên gia này cho rằng việc Chính phủ chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và doanh nghiệp.

Nhận định về năm 2023, ông Lực cho rằng lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát 4%-4,5%. Áp lực về thanh khoản với hệ thống tổ chức tín dụng sẽ được cải thiện, người dân sẽ quay trở lại gửi tiền vào ngân hàng. Ngoài ra, áp lực với lãi suất, tỷ giá sẽ giảm trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có Fed giảm dần tốc độ tăng lãi suất.

"Fed cũng có thể dừng đà tăng lãi suất đầu quý 2 của năm tới, thậm chí cuối năm 2023 có thể cân nhắc để giảm nhẹ lãi suất," ông Lực nhận định.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới cơ quan này sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục