Nới "room" tín dụng và hiệu ứng của thị trường bất động sản 

Việc tăng cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh; trong đó, có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà chính là một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Nới "room" tín dụng và hiệu ứng của thị trường bất động sản  ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, quyết định nới "room" tín dụng lên mức 15,5-16% cho toàn hệ thống của Ngân hàng Nhà nước sẽ có tác động tích cực về mặt tâm lý đối với thị trường bất động sản.

Cụ thể, từ cuối ngày 5/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng cho các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy nguồn cung bất động sản thời gian qua có xu hướng giảm rõ rệt, giao dịch cũng trở nên trầm lắng. Với chính sách kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, dòng vốn trên thị trường đang gặp khó.

Đồng thời, lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự hơn trong các quyết định xuống tiền. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động để duy trì hoạt động.

Ông Đỗ Quý Duy, Nhà sáng lập Câu lạc bộ bất động sản NAC, chia sẻ khoảng 70% vốn đầu tư của 90% doanh nghiệp bất động sản đang dựa vào vốn vay ngân hàng; 65% tài sản đảm bảo vốn vay là bất động sản.

Chính sách “khóa van” tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp đột ngột tác động tiêu cực đến nguồn cung bất động sản, gây khó khăn “kép” cho nhiều doanh nghiệp bất động sản về nguồn vốn.

Ông Duy cho rằng việc chặn dòng vốn vào bất động sản một cách cực đoan và đột ngột khiến nhiều dự án không thể triển khai, hàng loạt dự án dở dang cũng phải ngừng hoạt động… Điều này càng làm hạn chế nguồn cung nhà ở vốn đang khan hiếm, dẫn đến giá nhà đất tăng giá.

[Nới room tín dụng: Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản?]

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Do đó, việc tăng cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh; trong đó, có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà chính là một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất.

"Nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế," ông Châu bày tỏ.

Tuy nhiên, theo ông Châu, chỉ nên sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn theo lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận xét việc Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5-2% sẽ mang lại tâm lý tích cực lên thị trường bất động sản.

Với khoảng 1,5-2% tín dụng tăng thêm, số tiền được “bơm” vào nền kinh tế là khá lớn, lại tập trung trong thời điểm tháng cuối năm. Do vậy, việc nới room tín dụng sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Dù chỉ tiêu tín dụng tăng thêm là cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng vẫn có tác dụng mang lại tâm lý tích cực đến thị trường bất động sản. Tác động của việc nới "room" lên thị trường bất động sản có thể sẽ đến chậm hơn một nhịp khi cho vay sản xuất kinh doanh ổn định, thu nhập ổn định hơn, khi đó thanh khoản trên thị trường có thể tăng lên, ông Quang phân tích.

Nới "room" tín dụng và hiệu ứng của thị trường bất động sản  ảnh 2Hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá bất động sản sẽ tiếp tục giảm khoảng 3-5% ở Thành phố Hồ Chí Minh và vùng ven, còn các tỉnh xa hơn giá có nơi đã giảm khá mạnh.

Theo ông Đỗ Quý Duy, chính sách tín dụng hiện tại đã hạn chế được tình trạng đầu cơ, song cũng tác động không nhỏ đến những người có nhu cầu thực về nhà ở nhưng còn khó khăn về tình hình tài chính. Sau câu chuyện thắt chặt tín dụng, rất nhiều nhà đầu tư có tâm lý e dè, cất giữ tiền, hệ quả là thị trường không có giao dịch. Đến nay, thị trường đang chững lại, tình trạng sốt đất đã không còn tiếp diễn.

Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, ông Duy cho rằng việc điều tiết thị trường là cần thiết, song cần cẩn trọng và phù hợp. Thị trường bất động sản là một trong những yếu tố liên quan mật thiết đến nền kinh tế, tác động đến hơn 40 ngành nghề khác. Do đó, quản lý cần điều tiết làm sao cho phù hợp để thị trường bất động sản không "nóng-lạnh" thất thường. Khi điều tiết được thị trường bất động sản phát triển ổn định sẽ hỗ trợ cả nền kinh tế “vận động."

Khi thị trường bất động sản "bong bóng," thừa cung thì có thể siết, nhưng lúc thiếu nguồn cung như hiện nay thì cần phải kích thích tăng trưởng. Khi cầu tăng, nguồn cung bất động sản thiếu hụt mà siết tín dụng lĩnh vực này thì không hợp lý, dễ dẫn đến khủng hoảng thị trường, chuyên gia này phân tích.

Với động thái nới "room" tín dụng lần này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để bảo đảm thanh khoản, an toàn hoạt động; bảo đảm khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. 

Quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm đến 200.000 tỷ đồng. Trước đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước định hướng đề ra hồi đầu năm là 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục