Nỗi niềm những người ghi nhật ký Đại lễ 1.000 năm

Hàng nghìn phóng viên thấm đẫm mồ hôi, thậm chí chen lấn kịch liệt, để có thể ghi lại những dấu ấn, hình ảnh của 10 ngày Đại lễ.
Đại lễ mừng nghìn năm Thăng Long đi đến ngày thứ năm, hàng loạt các chương trình nghệ thuật hoành tráng đã đồng thời được diễn ra tại nhiều khu vực trong thành phố.

Mọi thông tin, hình ảnh, tinh thần Đại lễ với bầu không khí nô nức, náo nhiệt, tự tôn cũng như những dấu ấn kỳ diệu, linh thiêng xuất hiện trong từng khoảnh khắc bất ngờ cũng được kịp chuyển tới đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế qua các phương tiện truyền thông.

Để có những bài viết dạt dào cảm xúc hay những hình ảnh sống động đó, hàng nghìn phóng viên không chỉ thấm đẫm mồ hôi mà họ đã phải vận dụng hết những thủ thuật làm nghề, thậm chí là bất chấp cả những bầm dập về thể xác để hướng tới mục tiêu duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ.

Lấy thân đồng nghiệp làm giá đỡ


Sớm tinh mơ ngày khai mạc, có tới cả trăm phóng viên chạm nhau “chan chát” quanh khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Ai cũng nỗ lực bằng mọi cách xí cho mình vị trí tiếp cận chương trình tốt nhất.

Hai phóng viên Quỳnh Anh và Hoàng Hải của trang điện tử Bee, thuộc báo Khoa học và Đời sống cho biết, họ đã phải rời nhà từ 5 giờ sáng để có thể tìm được góc quay ưng ý, nhưng chỉ cần sơ sảy một chút là có thể mất ngay vị trí đẹp của mình.

Hoàng Hải tiết lộ một chi tiết thú vị, trong lúc ai nấy đều vội vã ghi lại những hình ảnh quan trọng tại lễ khai mạc thì một phóng viên nữ bên báo Tiền Phong len tới, nhờ Hải chụp hộ ảnh. Vừa phải ôm máy quay, vừa phải chụp hình, Hải không còn tay nào để giúp bạn gái đó nên giải pháp duy nhất là phải từ chối.

“Nhưng quá bất ngờ, bạn phóng viên ấy ngay lập tức chồm cả người lên phía trên, biến lưng em trở thành giá đỡ. Thật sự là lúc đó giữa hai người đã không còn khoảng cách. Khi em kịp trấn tĩnh lại thì người đẹp đã lia lịa, chụp thành công hàng chục bức hình. Kết thúc ‘pha hành động’, cô bạn tặng lại cho em một nụ cười xuề xòa, như thể thế là xong,” Hải mặt đỏ tưng bừng kể lại.

Lỳ nhất có lẽ cũng là những phóng viên của Bee, ca trực bám dính hiện trường của họ kéo dài tới  quá 1 giờ chiều, mặc dù lễ khai mạc kết thúc từ lúc 9 giờ 30. Tại đây nếu có bất kỳ sự kiện gì xảy ra là họ sẽ  kịp thời gửi ngay về tòa soạn.

“Từ sáng tới giờ hai đứa em chưa kịp ăn cái gì vào bụng, có chăng mỗi người được một cốc cà phê do Trung tâm báo chí cung cấp miễn phí. Nhưng bù lại, Bee là tờ báo đầu tiên ghi được hình ảnh và clip ‘độc’ Cụ rùa bất ngờ nổi lên mặt hồ, ngay sau khi lễ khai mạc kết thúc,” mặc sự phờ phạc đã thể hiện rất rõ qua khuôn mặt và áo quần nhàu nát, Quỳnh Anh đã rất hãnh diện kể về thành tích mà họ vừa có được.

Không gọn nhẹ được như các đồng nghiệp báo viết, các biên tập viên, quay phim báo hình luôn phải lỉnh kỉnh ôm máy, ôm chân len lỏi qua các đám đông tìm cách tác nghiệp.

Nếu như Truyền hình Việt Nam luôn được tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện các chương trình trực tiếp thì phóng viên các đài truyền hình khác lại phải tự túc tìm kiếm những góc quay.

Phóng viên quay phim Doãn Khanh Hiếu của Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam hồ hởi kể, trong "Đêm Hồ Gươm lung linh," từ chiều quanh khu vực Bờ Hồ đã chật cứng người. Tốp quay của Hiếu xuất phát từ lúc 18 giờ, nhưng tới địa điểm quay nào cũng bị đuổi.

Nguyên nhân là có tới vài chục kênh truyền hình trong cả nước cùng tác nghiệp nên tấc đất trở thành "tấc vàng". Những nhóm quay đông người thì có điều kiện cử nhau ra các vị trí tốt giữ chỗ trước.

“Một góc quay đẹp khoảng 5m2 đã có tới cả 7,8 người giữ chỗ, mình đến đâu cũng bị đuổi. Chúng tôi lại phải vác chân, máy chạy tới, chạy lui tìm vị trí đặt máy, cực không tưởng được,” Khanh Hiếu nhớ lại.

Tìm được vị trí ghi hình khó một, quay được những thước hình sự kiện thì khó mười. Quay phim này chèn hình quay phim kia, không còn cách nào khác, không ít người đã phải dùng tới các chiêu “chơi xấu” đồng nghiệp.

Khanh Hiếu  cho biết: “Cánh quay phim đứng phía sau không quay được, họ đá chân máy, ép góc độ quay. Bí quá mình lùi lại là họ xông lên trước ngay. Chỉ còn mỗi cách xoạc chân mình che chân máy, còn người thì ôm  chặt lấy thân máy cứ tư thế đó mà quay. Người thì có thế chịu đau chứ máy rơi, gẫy, hỏng là chết.”

"Phóng viên nữ thương ơi là thương"


Tác nghiệp tại hiện trường đối với phóng viên nam đã rất vất vả còn đối với phóng viên nữ thì sự khó khăn được cộng thêm bội phần. Họ phải quên đi mình là phái đẹp. Nhu cầu làm đẹp, giữ gìn hình ảnh đối với người khác giới cũng như với người dân xung quanh đều được gác lại, để nhường chỗ cho mục tiêu duy nhất là hoàn thành tốt công việc.

“Chớp cảnh quay, mạnh ai nấy chen. Em cũng không còn nghĩ mình là nữ nữa, mục tiêu phải theo sát quay phim, đảm bảo không bỏ lỡ những giây phút quan trọng,” biên tập viên An Chinh Truyền hình Thông tấn xã tươi cười cho biết.

Cũng bám sát nhiều chương trình nghệ thuật lớn trong suốt mấy ngày nay, Thành Đạt, phóng viên báo Lao Động chia sẻ thành thật: “Mình tơi tả cũng không sao, chứ nhìn các bạn phóng viên nữ thì thương ơi là thương! Nhớ lúc 'Đêm Hồ Gươm lung linh' kết thúc, mấy đứa phóng viên tụi em mệt nhoài nhưng nhìn hình ảnh một đồng nghiệp nữ của VTC phờ phạc, thẫn thờ đứng ôm chân máy quay, mà bấm nhau vừa cười, vừa thương. Khi đó các bạn ấy tuy không còn đẹp ở vẻ bề ngoài nhưng lại chính là lúc họ đang tỏa sáng, tất cả những người trong nghề đều nhìn ra điều đó”./.

N.Hạnh - X.Quảng

Tin cùng chuyên mục