Nơi lưu dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm tại Cộng hòa Séc

Đại sứ Dương Hoài Nam cùng đoàn công tác có chuyến làm việc với lãnh đạo thành phố Chrastava, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm và gặp gỡ các thiếu sinh quân Việt Nam vào tháng 7/1957.

Đoàn công tác Đại sứ quán và lãnh đạo cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc, tỉnh Liberec chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo thành phố Chrastava và ban quản lý cơ sở nơi các thiếu sinh quân Việt Nam từng sinh sống và học tập giai đoạn 1956-1960. (Ảnh: Ngọc Biên/TTXVN)
Đoàn công tác Đại sứ quán và lãnh đạo cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc, tỉnh Liberec chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo thành phố Chrastava và ban quản lý cơ sở nơi các thiếu sinh quân Việt Nam từng sinh sống và học tập giai đoạn 1956-1960. (Ảnh: Ngọc Biên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 24/9 (giờ địa phương), Đại sứ Dương Hoài Nam cùng lãnh đạo Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc và các chi hội người Việt Nam tại Liberec đã có chuyến thăm làm việc với lãnh đạo thành phố Chrastava, Cộng hòa Séc.

Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và có cuộc gặp gỡ với các thiếu sinh quân Việt Nam được cử sang học tập tại Tiệp Khắc vào tháng 7/1957.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Chrastava, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Dương Hoài Nam bày tỏ vui mừng, xúc động đến thăm thành phố Chrastava, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn một ngày thăm làm việc với lãnh đạo thành phố và gặp gỡ, thăm hỏi hơn 100 thiếu sinh quân Việt Nam được cử sang học tập tại Tiệp Khắc.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950-2025), Đại sứ nhắc lại đề xuất đặt tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử về chuyến thăm Chrastava của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thời gian học tập của các thiếu sinh quân Việt Nam tại thành phố này.

ttxvn noi_luu_dau_chu_tich_ho_chi_minh_tung_den_tham_tai_ch_sec2.jpg
Ảnh tư liệu về chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Chrastava vào tháng 7/1957 được lưu trữ trên trang web của chính quyền thành phố. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại sứ Dương Hoài Nam nhấn mạnh với nỗ lực của chính quyền thành phố Chrastava, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, ý tưởng này sẽ sớm trở thành hiện thực.

Đây sẽ là sự kiện vô cùng đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Cộng hòa Séc, đồng thời là dấu mốc quan trọng để người dân Việt Nam nhớ đến thành phố Chrastava và Cộng hòa Séc.

Hiện nay, tư liệu về các thiếu sinh quân Việt Nam sinh sống và học tập tại Chrastava trong giai đoạn 1956-1960 cũng như chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 7/1957 được lưu giữ tại Ủy ban thành phố Chrastava.

Các bài viết, hình ảnh liên quan còn được đăng trên trang mạng của thành phố như một trong những dấu ấn, kỷ niệm đẹp và sự kính trọng của người dân Chrastava đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tình cảm đối với các thiếu sinh quân Việt Nam.

Về phần mình, Thị trưởng Chrastava, ông Michael Canov bày tỏ nhất trí với đề xuất sớm hiện thực hóa ý tưởng đặt bia tưởng niệm, ghi dấu ấn lịch sử về chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ttxvn noi_luu_dau_chu_tich_ho_chi_minh_tung_den_tham_tai_ch_sec3.jpg
Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Dương Hoài Nam tặng chính quyền thành phố Chrastava cuốn sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã được dịch sang tiếng Séc. (Ảnh: Ngọc Biên/TTXVN)

Nhân dịp này, ông Canov cũng giới thiệu với đoàn công tác và lãnh đạo cộng đồng người Việt Nam những kỷ vật, ôn lại những kỷ niệm về thời gian các thiếu sinh quân Việt Nam học tập tại Chrastava.

Ông Canov đặc biệt cảm ơn cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã hỗ trợ người dân thành phố trong đợt lũ lụt năm 2010, đại dịch COVID-19 và những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Chrastava.

Cùng ngày, đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã có chuyến thăm làm việc với các chi hội người Việt Nam tại tỉnh Liberec.

Đại sứ Dương Hoài Nam mong muốn cộng đồng người Việt tại đây tiếp tục đoàn kết, hỗ trợ nhau để cùng phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại; có nhiều hoạt động nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ trẻ, qua đó gắn kết cộng đồng, phát huy truyền thống và hướng về quê hương đất nước.

Theo thông tin từ chi hội người Việt Nam tại Liberec, ở địa phương miền Bắc Cộng hòa Séc này hiện có khoảng 8.000 người Việt Nam, được chính quyền sở tại đánh giá cao về những đóng góp đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục