Nới lỏng giãn cách xã hội: Vận tải công cộng vẫn bến vắng, người thưa

Tại bến xe Giáp Bát vào ngày cuối tuần, phương tiện xếp đầy bến nhưng hầu như không mấy xe có khách, ngoài cổng bến cũng chỉ lác đác vài xe xuất bến với lượng khách ít ỏi trên xe.
Nới lỏng giãn cách xã hội: Vận tải công cộng vẫn bến vắng, người thưa ảnh 1Ghế ngồi xe buýt được dán giấy ghi rõ: 'Vui lòng không ngồi ghế này' nhằm bảo đảm giãn cách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau gần một tuần vận tải hành khách công cộng Thủ đô hoạt động trở lại sau thời gian thực hiện cách ly xã hội, mặc dù bến vắng, người thưa nhưng các đơn vị vận tải vẫn duy trì tần suất hoạt động, đồng thời đảm bảo các quy định phòng chống dịch COVID-19.

Bến vắng, người thưa

Các bến xe trên địa bàn Thủ đô đã mở bến từ ngày 23/4 để đón khách.

Theo khảo sát của phóng viên tại các bến xe, lượng hành khách đến bến còn rất thưa thớt.

Ngày cuối tuần, tại Bến xe Giáp Bát, phương tiện xếp đầy bến nhưng hầu như không mấy xe có khách, ngoài cổng bến cũng chỉ lác đác vài xe xuất bến với lượng khách ít ỏi trên xe.

“Nghỉ dài, hành khách gọi điện hỏi nhiều nên nhà xe cũng nóng ruột. Nay thành phố nới lỏng cách ly xã hội, vận tải được hoạt động trở lại, mỗi ngày nhà xe chạy 4 chuyến nhưng lượng hành khách cũng chỉ được 1/3, 1/4 so với trước, chủ yếu là những người đi khám chữa bệnh hoặc có việc cần thiết,” anh Ngô Hữu Dũng, lái xe của nhà xe Thắng Thanh chạy tuyến Sầm Sơn- Bến xe Giáp Bát, cho hay.

[Bộ GTVT: Tăng tần suất chuyến bay nội địa, tàu xe từ 0 giờ ngày 29/4]

Theo anh Dũng, sau khi trừ các chi phí xăng dầu, cầu đường, lương của lái phụ xe, nhiều chuyến nhà xe cũng chỉ hòa vốn chưa thể có lãi. Mặc dù vậy, nhà xe vẫn nghiêm túc tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh, từ chối phục vụ đối với hành khách không chấp hành.

Không may mắn như nhà xe Hữu Dũng, một loạt xe nằm chờ trong bến nhưng không có khách. “Sắp đến giờ xuất bến nhưng vẫn chưa có khách, chắc xe lại phải nằm tại bến để chờ nốt sau,” một phụ xe nhà xe Bảo Hân chạy tuyến Bến xe Nam Trực (Nam Định)-Bến xe Giáp Bát phân trần.

Hoạt động xe buýt trên địa bàn thành phố cũng trong tình trạng tương tự, mặc dù tần suất hoạt động của xe buýt đã giảm theo quy định phòng chống dịch COVID-19 nhưng tại các nhà chờ vắng bóng người, thi thoảng có một xe buýt chạy qua nhưng cũng chỉ có một vài hành khách.

Chờ khách ở Bến xe Giáp Bát, anh Nguyễn Đức Thảo, phụ xe số 29B-192.32 - Xí nghiệp Bus Cầu Bươu chạy tuyến Giáp Bát-Đức Giang, cho biết trước đây tần suất 15 phút một chuyến, giờ 1 tiếng mới có một chuyến nhưng mỗi lượt chỉ 4-5 khách.

Phần lớn hành khách đều đeo khẩu trang, nếu ai không đeo thì nhà xe sẽ nhắc nhở, trong trường hợp hành khách không chấp hành sẽ từ chối phục vụ.

“Tăng chuyến lên, khách đợi lâu quá," bác Lê Văn Toàn, nhà ở xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) đề xuất.

Bác Toàn cho biết đi xe buýt 10B từ Phù Đổng lên Bệnh viện Thanh Nhà để lĩnh thuốc và chờ tại trạm trung chuyển xe buýt Long Biên gần 1 tiếng nhưng chưa bắt được xe để về nhà. Theo bác Toàn cần điều chỉnh 30 phút có một chuyến như trước đây là phù hợp với lộ trình này.

Điểm trung chuyển xe buýt Long Biên trước đây tấp nập xe ra vào nhưng nay vắng vẻ như một trạm xe buýt ở vùng xa.

Theo lý giải của một bác xe ôm, nguyên nhân có thể do người dân còn e ngại ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa đi vận tải hành khách công cộng, chỉ những người có việc thật cần thiết mới đi.

Thêm vào đó, học sinh chưa đi học trở lại cùng với việc các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu vẫn đóng cửa, tâm lý người dân muốn nghỉ ở nhà hết lễ 30/4, 1/5 cũng là nguyên nhân khiến xe buýt vắng khách.

Giãn cách để phòng ngừa dịch bệnh

Đứng chờ xe tại khu đô thị Linh Đàm, bà Nguyễn Thị Mùi, 78 tuổi ở tòa nhà VP6 khu đô thị Linh Đàm, cho biết thành phố nới lỏng cách ly xã hội cho thấy các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của thành phố đã đem lại kết quả. Xe buýt hoạt động trở lại rất thuận tiện cho những người thường xuyên đi xe buýt như bà.

Dù đợi gần 30 phút để bắt tuyến buýt 84 lên phố Định Công nhưng bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Khi được hỏi nếu trên xe đủ số người theo quy định để phòng ngừa dịch bệnh thì bà có chờ đi chuyến khác không, bà vui vẻ cho biết: "Chấp hành để vừa có lợi cho cộng đồng vừa có lợi cho bản thân mình thì tôi sẵn sàng, trước tiên mình không bị lây bệnh, mà nếu mình có bệnh cũng không lây sang cho người khác, đó là điều nên làm."

Theo lãnh đạo Tổng công ty vận tải Hà Nội, việc giãn cách xã hội sẽ gây trở ngại cho mọi người là điều không tránh khỏi, nhưng phải tuân thủ để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Do đó, hành khách khi lên xe nếu trên xe đã đủ 20 người cần chờ xe khác.

Bộ Giao thông Vận tải quy định về điều kiện đảm bảo giãn cách mỗi xe không vận chuyển quá 50% sức chứa; số lượng 20 người/xe là số tối đa để đảm bảo khoảng cách đã được tính toán trong không gian của xe.

Với xe khách 29 ghế được chở không quá 14 người, 45 ghế không quá 20 người. Riêng xe buýt có cả chỗ ngồi và đứng, thì xe 60 hay 80 chỗ cũng chỉ được chở không quá 20 người.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Hà cho biết sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng cách ly xã hội, các doanh nghiệp vận tải đã hoạt động trở lại đảm đúng theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Thành phố cũng đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc của các doanh nghiệp vận tải liên tỉnh trong mấy ngày đầu nới lỏng cách ly xã hội khi cho phép xe đi qua đoạn tuyến quốc lộ thuộc địa bàn huyện Thường Tín và huyện Mê Linh đang bị phong tỏa do có ổ dịch COVID-19.

Nới lỏng giãn cách xã hội: Vận tải công cộng vẫn bến vắng, người thưa ảnh 2Bến xe Giáp Bát, Hà Nội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị các đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn thành phố chủ trì, phối hợp với các bến xe đối lưu, đơn vị vận tải bố trí phương tiện, nốt giờ hoạt động bảo đảm tối đa 30% phương tiện liên tỉnh hoạt động trong ngày.

Đối với xe buýt, Sở Giao thông Vận tải cho phép hoạt động toàn mạng để đảm bảo kết nối nhưng tần suất hoạt động chỉ từ 20-30%.

Đối với vận tải bằng taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ huy động tối đa 20-30% phương tiện hoạt động luân phiên theo đúng quy định hiện hành.

Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu lái xe và phương tiện khi vận chuyển hành khách phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải.

Văn bản này được ban hành căn cứ theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng như hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tổ chức hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe ôtô.

Lý giải nguyên nhân "bến vắng, người thưa" trong những ngày đầu tiên thực hiện nới lỏng quy định giãn cách xã hội tại các bến xe trên địa bàn, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nhận định có thể là do nhiều nhà xe chưa thống nhất được mức 30% phương tiện liên tỉnh hoạt động trong ngày theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.

Một số địa phương cũng chưa thông báo cho xe khách hoạt động nên nhà xe lo ngại trong quá trình vận chuyển hành khách trên đường sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Hiện nay, các nhà xe đang tiếp tục đăng ký hoạt động trở lại và các bến xe của Hà Nội đang tổng hợp danh sách để điều tiết lưu lượng, tần suất hoạt động, bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục