Nỗi lo 'vỡ bong bóng' đằng sau cơn sốt trí tuệ nhân tạo

Trong khi các CEO công nghệ liên tục nói rằng AI sáng tạo đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của mình nhưng vẫn chưa rõ họ sẽ dùng cách nào để giúp AI trở thành các sản phẩm tỷ USD thành công.
Có những dấu hiệu cho thấy cơn sốt AI đã lớn quá mức, khi mà sự quan tâm của người tiêu dùng với công nghệ này đang giảm dần. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Gần như mọi công ty khởi nghiệp mới được thành lập tại Mỹ gần đây đều gắn mác AI. Điều này làm dấy lên những lo lắng rằng sự quan tâm và tâm lý lạc quan dành cho AI đang cao hơn thực tế.

Các chương trình trò chuyện (chatbot) dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI) đã thu hút sự quan tâm của thế giới, khiến các nhà đầu tư đổ hàng tỷ USD vào lĩnh vực này.

Nhưng có những dấu hiệu cho thấy cơn sốt AI đã lớn quá mức, khi mà sự quan tâm của người tiêu dùng với công nghệ này đang giảm dần.

Bản báo cáo gây chấn động

Đầu năm 2023, ngân hàng đầu tư UBS đã đưa ra một báo cáo về đáng chú ý về ChatGPT của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo OpenAI, cho biết chatbot này đang trên đà đạt mốc 100 triệu người dùng hàng tháng, chỉ ba tháng sau khi được phát hành công khai.

Các nhà phân tích cho biết rằng ChatGPT đã đánh bại cả TikTok và Instagram, vốn mất lần lượt 9 tháng và 2 năm để đạt được các cột mốc tương tự.

[Trí tuệ Nhân tạo: Lợi ích lớn hay "lời nguyền" với nền kinh tế?]

“Trong suốt 20 năm kể từ khi không gian mạng Internet xuất hiện, chúng tôi chưa từng chứng kiến một sự tăng trưởng về lượng người dùng nhanh đến thế này,” báo cáo viết.

Mặc dù báo cáo thu hút sự chú ý của truyền thông và đem lại sự phấn khích nhất định - một điểm sáng khi ngành công nghệ đang phải vật lộn với suy thoái - con số 100 triệu kể trên không thực sự chính xác.

USB đưa ra con số đó dựa trên lượt truy cập trang web của ChatGPT, không phải lượng "người dùng hoạt động hàng tháng" do OpenAI chính thức công bố - con số thực sự có giá trị tương đương với số liệu thống kê của TikTok và Instagram.

Dù vậy, báo cáo vẫn tạo ra một cơn sốt AI đã bao trùm Thung lũng Silicon suốt thời gian qua, châm ngòi cho một cuộc đua công nghệ lớn khi nhiều “gã khổng lồ công nghệ” như Google và Microsoft tham gia và triển khai các chatbot của riêng họ.

Các nhà đầu tư mạo hiểm theo đó đã rót hàng tỷ đô la vào một loạt công ty khởi nghiệp AI. Nhiều giám đốc điều hành (CEO) công nghệ coi AI là lĩnh vực tăng trưởng chủ chốt trong các doanh nghiệp của họ.

Nhưng vẫn chưa rõ làm thế nào và khi nào công nghệ AI sẽ thực sự mang lại lợi nhuận.

Hiện đã có một số báo cáo rằng hoạt động sử dụng ChatGPT đang giảm đi. Ngoài ra, việc chế tạo và khiến AI sáng tạo hoạt động đòi hỏi các chi phí khổng lồ, để chi cho nhiều thứ, từ các con chip chuyên dụng, cho đến các máy chủ cực mạnh và việc thuê các kỹ sư giỏi với mức lương cao.

Alice Deng, đồng sáng lập ứng dụng thanh toán Slope cho biết: “Tất cả đều đang cố thêm một số công nghệ AI vào công ty khởi nghiệp của họ, để thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư.
Tôi chỉ sợ rằng việc này sẽ dần đi tới mức độ vỡ bong bóng, và rồi đột nhiên không còn ai quan tâm tới AI nữa.”

Nhiều cơn sốt công nghệ đã đến rồi đi

Thung lũng Silicon đã chứng kiến nhiều cơn sốt công nghệ xuất hiện trong các thập kỷ qua.

Sự kiện bong bóng “.com” tai tiếng đã chứng kiến vô số công ty công nghệ lên sàn chứng khoán và thu lấy hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư cá nhân, chỉ để giúp những người này có thêm cái đuôi .com trong thương hiệu của họ. Vô số các công ty truyền thông xã hội từng đấu tranh giành lấy sự ảnh hưởng lớn nhất.

Nhưng tới nay, chả còn mấy người biết rằng lĩnh vực này có những công ty mang tên FriendFeed hay Yik Yak từng tồn tại.

Ở diễn biến khác, hàng tỷ USD đã được đổ vào việc chế tạo xe hơi tự lái. Nhưng sau nhiều năm phát triển, công nghệ này vẫn chưa sẵn sàng để được đưa vào áp dụng đại trà, bất chấp những dự đoán từ nhiều người nổi tiếng trong giới công nghệ, cho rằng chúng sẽ phổ biến vào giữa những năm 2020.

Tương tự, tiền ảo hay tiền kỹ thuật số từng trải qua thời kỳ thu hút rất mạnh người dùng. Nhưng sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2021, cơn sốt tiền ảo đã vỡ bóng, làm hàng triệu người mất tiền.

Cần biết rằng đã từng có một làn sóng đầu tư mạo hiểm vào AI hồi giữa những năm 2010, khi hàng loạt phát minh đột phá về nhận dạng hình ảnh, dịch thuật và các tiến bộ khác về AI đã dẫn đến việc hàng loạt công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này xuất hiện. Nhiều công ty sau đó bị các ông lớn công nghệ thâu tóm lại.

Trong cơn sốt AI mới nhất, công nghệ đằng sau các chatbot lừng danh như ChatGPT của OpenAI hay Bard của Google được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ được thu gom từ mạng Internet.

Các mô hình AI này đòi hỏi năng lực điện toán lớn, đồng thời gây hao tốn nhiều năng lượng.

Kết quả là Nvidia, công ty sản xuất chip máy tính và phần mềm phù hợp với AI, đã chứng kiến giá trị vốn hóa của mình tăng vọt trong năm qua. Nvidia đã trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn thứ sáu thế giới, ở mức 1.100 tỷ USD.

Nvidia đã trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn thứ sáu thế giới, ở mức 1.100 tỷ USD. (Nguồn: Reuters)

Nhưng AI thế hệ mới vẫn có những nhược điểm của nó. Chatbot trang bị AI thế hệ mới có khả năng tạo ra thông tin sai lệch và khiến người dùng tưởng đó là tin thật. Đây là vấn đề nghiêm trọng mà các công ty đang cố gắng giải quyết. Nhưng một số nhà nghiên cứu AI đánh giá rất khó để khắc phục lỗi này.

Các công ty AI cũng bị nhiều nghệ sỹ, nhà làm phim và nhạc sỹ chỉ trích vì sử dụng trái phép tác phẩm có bản quyền của họ để đào tạo mô hình AI. Ngày càng có nhiều vụ kiện tìm cách ngăn chặn các công ty AI sử dụng dữ liệu từ nguồn mở Internet, vốn vẫn là cơ sở quan trọng để chatbot hoạt động hiệu quả.

Cũng cần lưu ý rằng các cơn sốt công nghệ hướng vào người tiêu dùng trước đây như mạng xã hội hoặc thương mại điện tử đã thành công nhờ phí quảng cáo trực tuyến và lưu trữ đám mây tương đối rẻ. Trong khi đó, AI thế hệ mới tốn kém hơn và sẽ khiến các công ty khó thành công hơn, nhất là khi họ chưa tìm ra mô hình kinh doanh phù hợp.

Andrew Harrison, Giám đốc điều hành của Công ty đầu tư Section 32, cho biết: “Suy cho cùng, AI chỉ là phần mềm. Một phần mềm đắt tiền. Lợi nhuận của mặt hàng này rất thấp, trừ khi nó làm được điều gì đó tốt hơn gấp 10 lần.”

Liệu có sự ảo tưởng về tiềm năng của AI sáng tạo?

Báo cáo của UBS đã nêu ở trên, viện dẫn các dữ liệu trông khá hợp lý của công ty, đã thu hút sự quan tâm bởi người ta không nhận ra sự khác biệt về cách tính. Các biểu đồ so sánh ChatGPT với những ứng dụng trị giá hàng tỷ đô la như Instagram, Spotify, Uber và TikTok nhanh chóng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Cánh phóng viên bắt đầu đưa con số 100 triệu vào câu chuyện như một sự thật mà không giải thích nguồn gốc của nó.

Các diễn giả đã sử dụng thông tin này như một bằng chứng cho thấy AI sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn cho xã hội, giống như khi Internet và điện xuất hiện.

Cho tới giờ, OpenAI vẫn không tiết lộ có bao nhiêu người thực sự sử dụng ChatGPT. Và họ không phải là bên duy nhất làm như vậy. Gã khổng lồ công nghệ Google cũng chưa tiết lộ số lượng người dùng Bard.

Khoảng 750.000 người dùng các công cụ sản xuất của Google đã được cấp quyền truy cập vào các công cụ AI sáng tạo. Nhưng công ty cũng không nói rõ có bao nhiêu người đang tích cực sử dụng chúng.

Hồi tháng Bảy vừa qua, Microsoft đã công bố mức giá dành cho một số sản phẩm AI thế hệ mới của mình, bao gồm một công cụ giúp các chuyên gia an ninh mạng hiểu được những dạng tấn công mạng mà công ty của họ có thể đối mặt. Nhưng Microsoft cũng không tiết lộ có bao nhiêu người đang sử dụng các công cụ này.

Không khí lạc quan vẫn thống trị

Nhìn chung, chỉ trong 6 tháng qua, AI đã giúp tăng giá trị của các ông lớn trong ngành công nghệ, sau một năm đầy tin xấu. Nhưng trong khi các CEO công nghệ liên tục nói rằng AI sáng tạo đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của mình, vẫn chưa rõ họ sẽ dùng cách nào để giúp AI trở thành các sản phẩm tỷ USD thành công.

Hiện nay, không khí lạc quan, tin tưởng vào AI vẫn tràn ngập trong giới công nghệ Mỹ.

Trong một cuộc họp với các nhà phân tích vào tuần trước, CEO Sundar Pichai của Google chỉ cho biết số lượng khách hàng đăng ký sử dụng các mô hình AI sáng tạo có sẵn trên nền tảng của công ty đã tăng 15 lần từ tháng Tư đến tháng Sáu, nhưng không cung cấp số liệu cụ thể.

Năm 2018, Pichai từng nói rằng AI sẽ có tác động “sâu sắc” đối với xã hội loài người, còn lớn hơn khi chúng ta tìm ra lửa.

Trong các cuộc phỏng vấn, hội nghị và các cuộc họp trong năm nay, ông cũng nhiều lần nói rằng AI sáng tạo là một cơ hội kinh doanh lớn cho Google và ông đang nghiên cứu để đưa AI vào tất cả các dòng sản phẩm của công ty.

Microsoft thì cho biết AI sáng tạo đã giúp những thương vụ kinh doanh mới thành công hơn. Theo Microsoft, hơn 11.000 công ty đã sử dụng các công cụ do OpenAI tạo ra, được cung cấp trên dịch vụ đám mây của công ty.

“Con số đó tương đương với việc có gần 100 khách hàng mới được bổ sung mỗi ngày trong quý vừa qua,” CEO Satya Nadella của Microsoft nói trong một cuộc họp với các nhà phân tích. Ông cho biết thêm rằng số lượng doanh nghiệp đăng ký sử dụng công cụ lập trình GitHub Copilot AI của công ty đã tăng gấp đôi so với quý trước.

Trong một hội nghị diễn ra hồi tháng Năm, CEO Apple Tim Cook nói rằng vẫn còn “một số vấn đề cần được giải quyết” khi bàn đến công nghệ AI.

Nhưng tại cuộc họp khác diễn ra gần đây, ông lại nói rằng Apple đã thực sự nghiên cứu về AI sáng tạo “trong nhiều năm” và AI là một phần “không thể thiếu đối với hầu hết mọi sản phẩm mà công ty xây dựng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục