Nắng nóng gay gắt đang khiến việc tiêu thụ điện tại nhiều gia đình tăng đột biến. Nhiều nơi, nhiều chỗ đã phải thực hiện thay thế các máy biến áp có công suất lớn hơn để đảm bảo cung ứng điện ổn định cho người dân, chống quá tải.
Tuy nhiên, với dự báo đợt nắng nóng này còn tiếp tục kéo dài, trong khi nguồn nước về các hồ thủy điện khô hạn, việc cung ứng điện trong thời gian tới sẽ gặp khó.
Lo ngại nguồn cung điện
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 20/6, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng Năm, gấp 2,33 lần so với tháng Năm.
Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu, gấp 4,4 lần so với tháng Năm; đồng thời, có hơn 326.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.
[Đáp ứng đủ điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng cho cả năm 2020]
Với mức tăng này, dự kiến kỳ hóa đơn tháng Sáu còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng Năm.
Thời tiết nắng nóng cũng đang khiến cho lượng nước về các hồ thủy điện ở mức thấp nghiêm trọng, dù dự báo bước vào mùa lũ.
EVN cho hay trong 5 tháng đầu năm, huy động điện từ các nguồn đạt 97,41 tỷ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thủy điện đạt 15,72 tỷ kWh, giảm 33,77% so với cùng kỳ năm 2019; tua bin khí đạt 15,95 tỷ kWh, giảm 15,93% so với cùng kỳ năm 2019.
Tập đoàn đã phải huy động tối đa năng lượng tái tạo với 4,59 tỷ kWh. Riêng điện mặt trời đạt 3,96 tỷ kWh, bằng 102,45% kế hoạch và gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2019. Nhiệt điện than đạt 58,09 tỷ kWh, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, EVN phải huy động nguồn nhiệt điện dầu với giá cao, đạt 1,03 tỷ kWh, tăng 836 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện nay, lượng nước về các hồ chứa vẫn ở mức thấp, chỉ bằng từ 30- 60% trung bình nhiều năm, do mưa xảy ra chủ yếu ở vùng hạ lưu các hồ chứa.
Tổng sản lượng thủy điện theo nước về các hồ thủy điện trên toàn hệ thống trong tháng Năm là 2,23 tỷ kWh, thấp hơn 0,84 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 9,48 tỷ kWh, thấp hơn 3,26 tỷ kWh so với kế hoạch năm.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, dự kiến, năm 2020 vẫn cơ bản có thể đảm bảo nhu cầu điện, song từ năm 2021, nguy cơ thiếu điện hiện hữu.
Thậm chí, tình trạng thiếu điện tại miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tiếp tục tăng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ...
Theo tính toán, mỗi dự án nhiệt điện than từ 1.000-1.200 MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại khu vực này tăng thêm từ 7,2 đến 7,5 tỷ kWh/năm.
Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.
Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là cần thiết và cấp bách.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW cho phát triển đất nước. Trong khi đó, các nguồn điện năng chủ yếu như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đều đã khai thác hết hoặc có những giới hạn phát triển.
Vì vậy, việc đẩy nhanh các dự án điện tái tạo là hết sức cần thiết. Song, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, sự gia tăng với tốc độ nhanh chóng của nguồn năng lượng này đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, cơ chế giá điện… Nếu năng lượng sạch tham gia sâu vào hệ thống, việc vận hành sẽ gặp nhiều thách thức...
Khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện
Việc cung ứng đủ điện cho người dân đang gặp nhiều thách thức. Ở phía nguồn cung, các dự án khó có thể đáp ứng được tiến độ trong thời gian ngắn tới đây. Ngược lại, ở phía cầu sử dụng, tiêu thụ điện ngày một tăng mạnh. Giải pháp trước mắt được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đặt ra là làm sao để tiết kiệm điện tối đa nhất.
Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn này, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; trong đó, khối hành chính sự nghiệp đảm bảo hàng năm tiết kiệm tối thiểu 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm và khối chiếu sáng công cộng là 20%.
Còn với doanh nghiệp sản xuất, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm.
Dư địa để tiết kiệm năng lượng là vẫn còn rất lớn. Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, như kiểm toán năng lượng, hỗ trợ, khuyến khích đổi mới công nghệ.
Tập đoàn cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đơn vị tư vấn xây dựng phương pháp đo lường, đánh giá chỉ tiêu tiết kiệm điện của tỉnh, thành phố và cả nước.
Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương, các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố theo dõi cảnh báo mức tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; cảnh báo về mức độ tiêu thụ điện tăng/giảm so với cùng kỳ để quản lý việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả của các đơn vị.
“Bên cạnh các giải pháp nhằm cung ứng điện an toàn, ổn định, EVN cũng khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, vừa góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, vừa tránh hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến,” ông Lâm cho hay.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), để đảm bảo điện trong tương lai, cần thực hiện một loạt giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện đang chậm trễ hiện nay. Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải như: tiết kiệm điện, triển khai mạnh mẽ các chương trình kiểm toán năng lượng./.