Theo hãng Reuters, ở vùng Thung lũng Mezquital miền Trung Mexico, những chiếc xe bán tải mới phóng trên những con đường rải sỏi và những ngôi nhà theo kiểu Mỹ đang mọc lên dọc các ruộng ngô.
Tuy nhiên, người ta đang lo ngại rằng các khoản tiền mà người thân của họ ở nước ngoài gửi về - nguồn viện trợ cơ bản cho những khoản mua sắm lớn như vậy - có thể sớm bị ngăn chặn.
Trong mùa lễ hội này, dù rằng tiền và quà vẫn được người thân đang làm việc ở Mỹ gửi về, song người dân lo ngại về những gì mà Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump dự định làm trong nhiệm kỳ của mình đối với những lao động nhập cư ở Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói rằng ông sẽ ngừng cấp phép cho các công dân Mexico chuyển tiền khỏi nước Mỹ trừ phi Mexico chấp nhận cung cấp tài chính để xây bức tường ở biên giới ngăn người nhập cư.
Theo công ty tài chính BBVA Bancomer của Mexico, những người nhập cư ở Mỹ ước tính đã gửi khoản tiền kỷ lục là 27 tỷ USD về Mexico trong năm 2016, tăng hơn 2 tỷ USD so với năm 2015. Số liệu của ngân hàng trung ương Mexico công bố ngày 2/1 cho thấy riêng trong tháng 11/2016, lượng tiền gửi đã đạt 2,4 tỷ, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng hàng năm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2006.
Monica Arroyo, người sống ở một ngôi làng bên ngoài Ixmiquilpan, thị trấn lớn nhất Thung lũng Mezquital, cho biết bà sống nhờ vào khoản tiền 200 USD mà mỗi tháng cô con gái bà - một nhân viên phục vụ nhà hàng không có giấy tờ ở thành phố Clearwater, bang Florida - gửi về cho mẹ.
Bà nói: “Nếu người lao động nhập cư bị trả về thì sẽ lại đói thôi bởi ở đó họ làm và gửi tiền về hỗ trợ. Ở đây thì chẳng có việc làm.”
Trong những tháng qua, ông Trump chưa nói thêm gì về lời đe dọa sẽ ngăn chặn việc chuyển tiền, và kế hoạch gồm 10 điểm về vấn đề người nhập cư đăng trên trang mạng liên quan đến tiến trình chuyển giao quyền lực của ông không đề cập gì tới vấn đề này.
Tuy nhiên, những thông tin về khả năng này vẫn đang ảnh hưởng tới các quyết định gửi tiền của người nhập cư. Các thành viên trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump không trả lời trước những đề nghị bình luận về vấn đề này.
Theo cơ quan thống kê quốc gia, các khoản tiền gửi đã trở thành một trụ cột lớn đối với kinh tế Mexico nếu so với doanh thu 18,5 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ năm 2015 hay gần 340 tỷ USD trong sản xuất hàng hóa.
Các phản ứng lẫn lộn
Ở Florida, con gái bà Arroyo - chỉ được biết mỗi họ của cô là Hernandez - cho biết cô và chồng quyết định không gửi quà về Mexico nhân dịp Noel này vì lo ngại họ sẽ phải cần đến tiền nếu họ bị mất việc làm hoặc bị trục xuất sau khi ông Trump nhậm chức. Sống cùng chồng và 3 con nhỏ được sinh ra ở Mỹ, Hernandez cho biết: “Tôi và chồng đang sống trong sợ hãi rằng sẽ tới lúc đột nhiên chúng tôi phải ra đi.”
Còn những người nhập cư khác ở Florida cho biết đợt nghỉ lễ này họ gửi nhiều tiền hơn thông thường phòng trường hợp họ không thể gửi được nữa một khi ông Trump nhậm chức.
Một người nhập cư có tên là Salomon, một thợ cơ khí không có giấy tờ, cho biết vợ ông giờ đang lo sợ và gửi toàn bộ tiền tiết kiệm về Mexico vì cho rằng như thế sẽ an toàn hơn. Ông nói: “Bà ấy bảo tôi ‘nếu có chuyện gì xảy ra, có thể chúng ta vẫn còn giữ được chút ít.”
Theo số liệu của ngân hàng trung ương Mexico, năm 2015, khu vực quanh Ixmiquilpan - với dân số khoảng 94.000 người - đã nhận được khoảng 100 triệu USD tiền gửi từ nước ngoài, nhiều gấp 10 lần ngân sách hàng năm của chính quyền địa phương.
Maria de la Luz Pioquinto, một người nhập cư tới từ Ixmiquilpan đang điều hành việc kinh doanh chuyển tiền ở Clearwater, cho biết các khách hàng người Mexico đã tăng gấp đôi lượng tiền gửi trung bình ngay sau ngày bầu cử 8/11, song giờ họ vẫn đang chờ đợi những gì sẽ xảy đến tiếp theo. Bà nói: “Họ lo lắng không biết có còn việc làm hoặc có phải đưa gia đình trở về quê hương hay không?”
"Cơn sốt" đồng USD
Leonardo Rodriguez là một trong những người đầu tiên từ Thung lũng Mezquital tới nhập cư ở vùng Bờ vịnh Florida và đã dừng chân ở Clearwater vào năm 1987.
Ông nói ông hiểu vì sao giới trẻ lại tiếp tục đi sang phía bắc: “Tại sao bạn phải học nếu khi bạn tốt nghiệp lại không có việc làm? Vì thế họ quyết định đi sang nước khác?”
Rodriguez hiện sống hợp pháp ở Mỹ và sở hữu 3 nhà hàng. Ông phối hợp với các quan chức địa phương ở Mexico để giúp đưa các khoản tiền gửi đầu tư vào các dự án ở Ixmiquilpan.
Michael Clemens, người nghiên cứu về nhập cư và tiền gửi ở Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nói rằng “với nhiều thị trấn như Ixmiquilpan, tiền gửi là nguồn lực kinh tế.” Ông cho biết tiền được gửi về thường được tái đầu tư để xây trường cho trẻ nhỏ, chăm sóc sức khỏe cho người già và xây dựng nhà cửa.
Theo ông, ngăn chặn nguồn tài chính này đồng nghĩa với việc “có thêm nhiều người vốn đang ở sát bờ vực sẽ bị rơi xuống vực"./.