Thời gian qua, Hà Nội đã làm rất nhiều việc để hạn chế thấp nhất mưa ngập trên các tuyến phố của nội đô.
Và thực tế tình trạng úng ngập cũng đã giảm hơn so với trước đây. Song, có một vấn đề được xem như là nhỏ như bục bệ xây, lắp trên lòng đường đang cản trở việc tiêu thoát nước ở Thủ đô mỗi khi mưa ngập.
Mối lo ngập úng từ bục bệ
Dọc theo nhiều đường phố ở Thủ đô luôn có các hộ dân sinh sống, buôn bán sát mép đường. Thế nên, nhiều hộ dân đã vô tư đắp, lắp những bục bệ, kết nối giữa phần vỉa hè với lòng đường để dễ dàng đi lại, làm ăn. Về mặt mỹ quan, những bục bệ không gây ảnh hưởng nhiều tới đường phố. Nhưng có một thứ tác hại dễ nhìn thấy nhất từ bục bệ là làm ách tắc dòng chảy tiêu thoát nước mỗi khi mưa lớn.
Ghi nhận tại một số tuyến phố như Thái Thịnh (Đống Đa), Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng)… tình trạng người dân tự ý dựng bục bệ, cầu dẫn sai quy định diễn ra khá phổ biến.
Đơn cử, tại phố Thái Thịnh, đoạn giáp với phố Tây Sơn, phần lớn rãnh thoát nước trên tuyến đường đã bị các hộ kinh doanh mặt phố lấn chiếm, xây dựng bục bệ, cầu dẫn phục vụ việc đưa xe lên vỉa hè.
Có thể thấy bục bệ, cầu dẫn lên xuống vỉa hè có muôn hình vạn dạng từ kiểu dáng, kích thước, đến chất liệu bằng sắt thép, ximăng.
Bục bệ không chỉ xuất hiện ở các khu phố cũ, phố cổ nơi đông dân cư mà tại một số khu đô thị mới hình thành, dù đã được làm vỉa hè đồng bộ đẹp đẽ, người dân vẫn cứ đắp bục bệ để tiện cho xe lên xuống.
Tại các tuyến phố khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) vỉa hè được xây dựng rất đẹp, bằng phẳng với cùng một loại gạch lát nhưng nhiều hộ dân sống tại các dãy liền kề tự ý xây bục bệ, cầu dẫn đè lên vỉa hè.
Nhiều hộ còn xây dựng cầu dẫn rộng đến vài mét vuông, gây cản trở giao thông nghiêm trọng; có cầu dài gần 2m kéo từ bậc tam cấp nhà tràn ra lòng đường, khiến nhiều đoạn vỉa hè cao thấp, nhấp nhô, rất mất mỹ quan.
Theo lý giải của một số hộ gia đình ven đường, việc làm bục bệ sẽ giúp xe máy lên xuống vỉa hè dễ dàng hơn, còn việc có làm tắc đường dẫn nước hay không thì có bên thoát nước và môi trường lo.
Đánh giá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho thấy sau mỗi trận mưa việc tiêu thoát nước tại các tuyến phố nội đô nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào việc đưa nước tới miệng hố ga. Nếu hố ga hoặc rãnh bị tắc sẽ làm nước mưa dềnh lên gây ngập cục bộ.
Xử lý bục bệ như “đá ném ao bèo”
Cứ mỗi khi chuẩn bị đến mùa mưa bão, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố lại ra quân, huy động phương tiện tháo dỡ bục bệ, bậc tam cấp… trên nhiều tuyến phố.
Tại quận Đống Đa, ngay từ đầu tháng 6/2020 đã xây dựng kế hoạch xử lý bục bệ tại các tuyến: Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Trung Liệt, Láng Hạ.
Trong thời điểm ra quân thực hiện, nhiều tấm chắn vật cản, phá dỡ bục bệ gây cản trở dòng chảy trên ga thu, ghi thu trên các tuyến phố kể trên đã được phá bỏ.
Đồng thời, quận Đống Đa cũng tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân không đậy, che kín các ga ghi thu nước, khi có mưa chủ động thu dọn ngay tấm chắn vật cản để đảm bảo thu nước, giúp hệ thống thoát nước vận hành an toàn, phát huy hiệu quả thoát nước tốt trong mùa mưa bão năm 2020.
Việc làm trên đã đem lại hiệu quả tức thì, giúp cho việc tiêu thoát nước mưa của mỗi tuyến phố nhanh hơn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, gần như năm nào các quận nội thành cũng triển khai thu dọn tấm chắn, vật cản, phá dỡ bục bệ, nhưng thực tế, hiệu quả duy trì không lâu.
Chỉ sau một thời gian việc xây dựng bục bệ lại tái diễn khiến cho công tác tiêu thoát nước trong mùa mưa khó khăn hơn.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đá ném ao bèo” trong xử lý bục bệ chắn rãnh thoát nước, lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, chính quyền một số địa phương thuộc các quận nội thành, đôi lúc đã xem việc xử lý bục bệ là việc nhỏ, phó mặc cho đơn vị thoát nước.
Cùng với đó, việc xử lý vi phạm xây dựng bục bệ trái phép cũng chưa được kịp thời và nghiêm khắc, dẫn tới từ việc nhỏ nhưng lại gây hậu quả lớn, làm ách tắc dòng chảy, ngập úng đường phố.
Để tự “cứu mình,” ngay từ đầu mùa mưa, phía Công ty đã cho duy trì hệ thống thoát nước khu vực hữu sông Hồng, tả sông Hồng, chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống ngập úng mùa mưa… theo phương châm "4 tại chỗ."
Cùng với đó, Công ty đã yêu cầu các đơn vị triển khai các giải pháp duy tu, duy trì, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thoát nước.
Mặt khác, Công ty thiết lập danh sách tra cứu điểm ngập úng, kịch bản điều hành cho từng tình huống… để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ngập lụt mùa mưa.
Ngoài ra, phía Công ty còn thường xuyên bố trí một số công nhân, hàng ngày chuyên đi khơi thông rãnh thoát nước, thu rác ở miệng hố ga để đảm bảo tiêu thoát nước nhanh hơn, khi trên địa bàn thành phố có mưa lớn.
Lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, với những trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ, Thủ đô sẽ không xảy ra ngập úng, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống nước gặp sự cố.
Tuy nhiên, với các trận mưa có cường độ từ 50-100mm/2 giờ, Hà Nội sẽ xuất hiện 16 điểm ngập úng. Vì vậy, Công ty kiến nghị các quận, huyện, thị xã trên địa bàn cần quan tâm hơn nữa đến việc tiêu thoát nước tại mỗi tuyến phố, bằng việc thiết thực và hiệu quả là ngăn chặn và xử lý bục bệ làm tắc dòng chảy./.