Chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa lại đối mặt “bóng ma” gián đoạn trước những sự kiện đang dần trở thành chu kỳ, như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 ở các cảng biển lớn của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, điều này gây nên hậu quả trực tiếp ở Trung Mỹ là giá cả leo thang và nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm, trong đó có các sản phẩm công nghệ.
Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Logistics (COEL) của Panama Alberto López Tom nhận định ngành logistics toàn cầu đang trong trạng thái “rất mỏng manh."
Nhờ kênh đào Panama - “thủy lộ” chủ chốt của thế giới - quốc gia này đóng vai trò cửa ngõ và nút phân phối hàng hóa cho toàn bộ Trung Mỹ và một số thị trường Nam Mỹ và Caribe.
[Nỗ lực chống COVID-19 tại Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu]
Trong những tuần qua, dịch COVID-19 tái bùng phát ở Thượng Hải đã cản trở việc vận chuyển hàng hóa từ một trong những cảng lớn nhất thế giới. Cần lưu ý rằng chỉ khoảng 8 tháng trước, việc cảng lớn Ninh Ba-Chu Sơn phải đóng cửa một phần đã khiến giá cước vận chuyển hàng hóa đến Trung Mỹ tăng gấp 5 lần.
Ông López Tom cho rằng điều đáng lo ngại là tình trạng này đang dần trở thành chu kỳ vì những gián đoạn vẫn tiếp diễn, như các biện pháp hạn chế ở Trung Quốc và những vấn đề mới nảy sinh như xung đột ở Ukraine hay giá dầu tăng vọt.
Nhà lãnh đạo COEL dự đoán những tác động nghiêm trọng lên chuỗi logistics sẽ trở nên rõ ràng ở Trung Mỹ trong vài tuần tới, khi chi phí vận chuyển tăng, dẫn tới giá các sản phẩm cũng tăng theo và các tàu hàng sẽ không còn chỗ trống.
Dự báo các loại thành phẩm, đặc biệt là hàng công nghệ, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì không thể tìm được nguồn thay thế nhanh chóng.
Bên cạnh đó, giá nhiên liệu leo thang sẽ gây ảnh hưởng ở tất cả các phân khúc vận tải. Theo ông López Tom, các công ty vận tải biển ở Panama và các quốc gia Trung Mỹ khác đang đưa ra những điều chỉnh chưa từng có tiền lệ, chẳng hạn như đối với phụ phí xăng dầu, bởi nếu không thay đổi, mức giá vận tải đường bộ từ Panama sang Guatemala hoặc Nicaragua sẽ không còn cạnh tranh nữa.
Trong kịch bản này, Panama sẽ ít bị ảnh hưởng nhất vì là cửa ngõ và điểm phân phối hàng hóa. Nhờ mức độ kết nối cao, thị trường này có thể nhập hàng từ Mỹ và hưởng lợi nhờ sức mua lớn và khối lượng hàng hóa đi qua kênh đào, thậm chí có thể tiếp tục xuất sang các thị trường khác như Colombia, Costa Rica và một số quốc gia vùng Caribe.
Ngược lại, Nicaragua và Honduras sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, do quy mô thị trường nhỏ và không có chuỗi cung ứng rộng.
Ông López Tom dự báo sẽ không thể sớm cải thiện tình hình, do tồn tại nhiều yếu tố bất ngờ như xung đột hay diễn biến giá nhiên liệu.
Giá cước vận tải sẽ duy trì xu hướng tăng, không chỉ vì môi trường quốc tế mà còn vì nửa cuối năm là khoảng thời gian cao điểm để đưa sản phẩm ra thị trường cho đợt bán hàng tháng 12./.