Nỗi lo của các công ty Mỹ khi tiếp cận thị trường Trung quốc

Các công ty Mỹ muốn các cuộc đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Bắc Kinh sẽ mang lại cho họ những cải tiến thực sự trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Nỗi lo của các công ty Mỹ khi tiếp cận thị trường Trung quốc ảnh 1Nữ công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo hãng AP, theo khảo sát của một nhóm doanh nhân công bố hôm 26/2, các công ty Mỹ muốn các cuộc đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Bắc Kinh sẽ mang lại cho họ những cải tiến thực sự trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc, không chỉ là trong việc giúp Mỹ có một mức thâm hụt thương mại bé hơn.

Tim Stratford, chủ tịch Văn phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết các công ty muốn chấm dứt áp lực mà Trung Quốc đặt ra trong việc chuyển giao công nghệ, thực thi luật pháp không bình đẳng, và những vấn đề kinh niên khác.

Nếu không, tổn thất của họ trong cuộc chiến thuế quan “sẽ là một sự lãng phí rất lớn.”

Những ý kiến này dường như phản ánh sự ủng hộ dành cho các quan chức Mỹ, bao gồm Đại diện Thương mại Robert Lighthizer - người muốn thay đổi chính sách công nghiệp mà các đối tác thương mại của Trung Quốc cho là vi phạm những nghĩa vụ thương mại tự do của họ.

Những người khác lại lo ngại rằng Trump có thể sẽ nhún nhường hơn để đổi lại việc Trung Quốc thu hẹp thặng dư thương mại gây bất ổn tới nền chính trị với Mỹ.

Stratford nói: “Nếu chúng ta không giải quyết các vấn đề cơ cấu cơ bản, chúng ta sẽ tiếp tục có những xích mích thương mại.”

Việc Trump quyết định tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc hồi tháng 7/2018 đã gây chia rẽ thế giới kinh doanh của Mỹ.

Một số công ty ủng hộ động thái buộc Bắc Kinh phải đàm phán trong khi một số công ty khác lại phàn nàn rằng việc đánh thuế gây quá nhiều tốn kém và rắc rối.

[Các nhà chế tạo Mỹ có xu hướng chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc]

Stratford cho biết có đến 43% trong tổng số 150 công ty được khảo sát muốn giữ nguyên mức thuế trừng phạt 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc mà Trump đề ra khi các cuộc đàm phán vẫn còn ở phía trước.

Trong khi đó, có gần 10% số công ty được khảo sát muốn Trump tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng mức thuế lên 25% vào ngày 1/3.

Tuy nhiên, hôm 24/2 vừa qua, Tổng thống Trump thông báo ông sẽ hoãn việc tăng thuế vào ngày 1/3 sau khi các cuộc đàm phán vào cuối tuần đạt được “những tiến bộ đáng kể.”

Ngoài ra, ông cũng không hề đưa ra mốc thời gian mới cho việc tăng thuế.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều cho biết họ đã đạt được tiến bộ trong việc chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các hàng rào phi thuế quan đối với việc tiếp cận thị trường mà không đưa ra thông tin chi tiết.

Các công ty cho rằng họ muốn những đảm bảo về luật chống độc quyền của Trung Quốc cũng những luật khác sẽ được thực thi trên tinh thần bình đẳng giữa họ và các đối thủ cạnh tranh của họ tại Trung Quốc.

Stratford nói: “Chúng tôi muốn một thỏa thuận thực sự có thể giải quyết được những vấn đề luôn tồn tại dai dẳng.”

Trump đã tăng thuế để đáp lại những lời cáo buộc cho rằng Trung Quốc đánh cắp hoặc gây áp lực đối với các công ty Mỹ để buộc họ bàn giao công nghệ.

Washington muốn Bắc Kinh hạ thấp các kế hoạch của mình, bao gồm kế hoạch “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” nhằm kêu gọi tạo ra các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu trong lĩnh vực người máy và công nghệ khác.

Châu Âu, Nhật Bản và các đối tác thương mại khác phản đối những chiến thuật của Trump, nhưng vẫn nhắc lại những phàn nàn của Mỹ rằng Trung Quốc đang vi phạm những nghĩa vụ mở cửa thị trường.

Theo một cuộc khảo sát khác của Văn phòng Thương mại Mỹ, các công ty Mỹ lo ngại mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở nên xấu đi và đang “tự bảo vệ mình” bằng cách trì hoãn đầu tư hoặc các hoạt động chuyển giao.

Các công ty cho rằng “căng thẳng song phương” chính là thách thức hàng đầu. Khoảng 37% trong số 314 công ty được khảo sát hồi tháng 11 và 12/2018 cho rằng mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ tồi tệ hơn, trong khi hồi năm 2017 con số này chỉ đạt 16%.

Bên cạnh đó, có 37% số công ty được hỏi cho rằng mối quan hệ song phương vẫn sẽ duy trì ở mức độ hiện tại.

Báo cáo khảo sát cho biết: “Ngày càng nhiều các công ty đang phải tự bảo vệ mình.”

Gần 1/4 số công ty được khảo sát đã hoãn việc đầu tư cũng như việc chuyển giao chuỗi cung ứng của họ để tránh những tác động của việc tăng mức thuế quan.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS báo cáo hồi tháng 1 rằng 37% trong số 200 nhà sản xuất được ngân hàng này khảo sát đã rời khỏi Trung Quốc trong vòng 12 tháng qua.

Mối đe dọa từ việc tăng thuế quan của Mỹ là “yếu tố chi phối” quyết định của gần một nửa số đó, còn những nhà sản xuất khác rời đi bởi chi phí cao hơn hoặc bởi những quy định chặt chẽ hơn về môi trường.

Đối tác châu Âu của Văn phòng Thương mại Mỹ đã báo cáo nỗi lo ngại tương tự của các nước châu Âu cũng như sự miễn cưỡng của họ trong việc đầu tư.

Theo đó, 3/4 các công ty trong lĩnh vực công nghệ và các ngành công nghiệp dựa vào nghiên cứu khác cho biết các hạn chế tiếp cận vào thị trường đã cản trở các hoạt động của họ.

Gần một nửa các công ty được khảo sát cho rằng các chính sách của Trung Quốc được thực thi không công bằng giữa họ và các đối thủ của họ ở Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục