Nối lại hoạt động lấy và ghép giác mạc từ người hiến trong cộng đồng

Đến nay đã có khoảng 3.000 người được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định...
Các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện ca ghép giác mạc cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 6/12, các bác sỹ của Bệnh viện Mắt Trung ương đã thực hiện thành công ca ghép giác mạc thứ bảy và đây cũng là ca ghép đầu tiên từ nguồn giác mạc cộng đồng (từ người chết hiến giác mạc) trong năm 2023.

Phó giáo sư Cung Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết tại Việt Nam, việc lấy-ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay đã có khoảng 3.000 người được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định...

Tuy nhiên, trong hai năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hoạt động hiến, lấy giác mạc bị gián đoạn nên Ngân hàng Mắt chỉ lấy được giác mạc của khoảng 100 người hiến.

Đáng chú ý, trong khoảng một năm qua, do những khó khăn nên bệnh viện không thể đấu thầu mua vật tư, hóa chất bảo quản giác mạc, dẫn đến việc hiến-lấy giác mạc tại cộng đồng không thực hiện được. Do đó, Ngân hàng Mắt hoạt động cầm chừng, năm 2023 chỉ thực hiện lấy giác mạc của ba người từ người cho chết não tại các bệnh viện.

Bệnh nhân được ghép giác mạc ngày 6/12 là một người đàn ông, 50 tuổi (ở Hà Nội) bị bệnh lý về giác mạc sau chấn thương đã chờ đợi ghép khoảng 6 năm.

Bệnh nhân bị tổn thương thủy tinh thể, giác mạc, mất thị lực mắt phải. Tổn thương giác mạc còn gây kích thích khiến bệnh nhân đau đớn, mắt luôn đỏ, chảy nước mắt..., ảnh hưởng đến thẩm mỹ, công việc và cuộc sống.

Nguồn giác mạc để ghép được lấy từ một người 40 tuổi ở Bắc Giang hiến. Nam bệnh nhân bị tử vong do bệnh phổi. Cán bộ của Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) đã lấy đêm 2/12 với sự điều phối của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Trước đó, gia đình bệnh nhân đã từng có người hiến tặng giác mạc nên ngay sau khi bệnh nhân mất, đã liên hệ với Ngân hàng mắt Bệnh viện Mắt Trung ương để hiến tặng.

Phó giáo sư Lê Xuân Cung - Trưởng khoa Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết bệnh nhân được ghép giác mạc này là một trong hàng trăm ca trong danh sách chờ ghép giác mạc từ 5-6 năm nay tại bệnh viện.

Ca ghép được thực hiện kéo dài hơn 2 giờ đã thành công. Kết quả ban đầu sau ghép tốt, đã giải quyết được tình trạng đau đớn, kích thích mắt cho người bệnh; mắt của người được ghép ổn định, tiếp tục điều trị chống viêm, nhiễm trùng và sử dụng thuốc chống thải ghép.

Theo Phó giáo sư Sơn, hiện nay nhu cầu ghép giác mạc của người bệnh rất lớn. Mỗi năm tại Ngân hàng Mắt có khoảng 600-800 người đăng ký ghép giác mạc. Tuy nhiên, con số ghép được là rất ít. Nhiều bệnh nhân phải chờ đợi 5-6 năm không có nguồn giác mạc để hiến.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, với việc dịch bệnh được kiểm soát và bệnh viện đã mua sắm được vật tư, hóa chất phục vụ việc bảo quản giác mạc, hoạt động hiến, lấy và ghép giác mạc cộng đồng sẽ được triển khai trở lại.

Giám đốc Ngân hàng Mắt Nguyễn Hữu Hoàng cho hay giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6 đến 8 giờ sau khi người hiến mất. Đến nay, cả nước có 961 người hiến giác mạc, người hiến nhỏ tuổi nhất là cháu bé 4 tuổi và lớn tuổi nhất là cụ già hơn 107 tuổi.

Trước nhu cầu ghép giác mạc của người bệnh rất lớn, các bác sỹ kêu gọi người dân trong cộng đồng đăng kí hiến giác mạc nếu không may qua đời. Bất cứ ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Đặc biệt, việc lấy giác mạc hiến rất nhẹ nhàng, không để lại bất cứ sự thay đổi nào trên gương mặt người đã mất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục