Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề cập tới nhiệm vụ chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
Góp phần làm sáng tỏ nội hàm của vấn đề này trong bài viết dành riêng cho TTXVN, tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao đã làm rõ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là công việc không của riêng ai.
Dưới đây là toàn bộ nội dung bài viết:
Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề cập tới nhiệm vụ chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Đây là chủ trương rất quan trọng mà Đảng ta đưa ra để xin ý kiến nhân dân nhằm trình lên Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới. Góp phần làm sáng tỏ nội hàm của vấn đề này cũng là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cán bộ, đảng viên. Hội nhập quốc tế vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, dài hạn, bao gồm những vấn đề cốt lõi sau đây:
Hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu
Một là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu. Thế kỷ XXI tiếp tục chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cùng với tiến trình toàn cầu hóa ngày càng phát triển sâu rộng, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế-xã hội của mọi quốc gia-dân tộc trên thế giới. Thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển quyền lực với quy mô lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu trên cả 3 phương diện: (i) Từ Bắc bán cầu xuống Nam bán cầu, (ii) Từ các nước Tây Âu sang các nước Đông Á, và (iii) Từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển với việc các nước mới nổi trong khuôn khổ G20 ngày càng có vai trò quan trọng trong trật tự thế giới mới.
Trong xu thế này, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng diễn ra quyết liệt. Tương quan so sánh lực lượng trên thế giới thay đổi rất nhanh; tập hợp lực lượng giữa các nước trên thế giới ngày càng trở nên thực dụng và dựa vào lợi ích quốc gia là chính. Xu hướng vừa hợp tác, vừa đấu tranh vì hòa bình và phát triển đang trở thành xu hướng chung của nhân loại.
Sự tùy thuộc lẫn nhau, đặc biệt là tùy thuộc về kinh tế ngày càng gia tăng. Thế giới cũng đang đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu vô cùng gay gắt mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được, mà phải liên kết, hợp tác cùng nhau đối phó như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lan tràn… Kinh tế thị trường, tiến bộ, công bằng xã hội, dân chủ, pháp quyền... đang dần trở thành những chuẩn mực chung của nhân loại.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nổi lên như là một trung tâm quyền lực mới của thế giới và là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Một trật tự thế giới mới đang dần được định hình, trong đó Việt Nam nằm ở chính trung tâm của quá trình chuyển dịch quyền lực này.
Ở khu vực Đông Nam Á, ASEAN vẫn đóng vai trò là trung tâm kết nối trong các thiết chế khu vực, nhưng ASEAN cũng đang đứng trước nhiều thách thức to lớn, đang chuyển mình mạnh mẽ để hướng tới xây dựng các cộng đồng lấy con người làm trung tâm. Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là tranh chấp ở biển Đông, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Xu hướng liên kết kinh tế, kết nối các nền kinh tế, tham gia sâu vào phân công lao động quốc tế, cũng như các chuỗi cung ứng, các chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng trở nên phổ biến.
Trong bối cảnh đó, tất cả các quốc gia ở khu vực đều thực hiện chính sách cải cách, mở cửa, đẩy mạnh cải thiện môi trường bên trong để thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội và đẩy mạnh hội nhập với các xu thế ở khu vực và trên thế giới. Do nguồn lực (vốn, con người…) là có hạn nên cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng trở nên gay gắt. Tự lực tự cường đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập kinh tế đã và đang trở thành con đường phát triển tất yếu của mọi quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa.
Nhiệm vụ chung của cả xã hội
Hai là, hội nhập quốc tế hiện nay là hội nhập toàn diện và là nhiệm vụ chung của cả nước, cả xã hội. Trong giai đoạn từ Đại hội VIII tới Đại hội X (1996-2011), Đảng ta chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là chủ yếu. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, gia nhập ASEAN, từng bước triển khai các cam kết trong ASEAN, nhất là Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và bắt đầu tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do FTA song phương và đa phương, mà điển hình là việc đàm phán và tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ chỗ bị bao vây, cô lập và cấm vận đã trở thành một nước có mức thu nhập trung bình thấp. Từ sau Đại hội XI (2011), nhận thức rõ xu hướng phát triển của thời đại, Đảng ta đã xác định chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập toàn diện và đến nay hội nhập quốc tế trở thành một định hướng đối ngoại chủ chốt.
Hội nhập quốc tế toàn diện thực chất là mở rộng các lĩnh vực hợp tác, không chỉ chính trị và kinh tế đối ngoại, mà còn bao gồm an ninh quốc phòng, các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành… Đặc điểm khác biệt nổi bật của giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay so với thời kỳ đa phương hóa, đa dạng hóa trước đây là ở chỗ chúng ta sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc, chuẩn mực đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Tính chủ động được thể hiện rõ nhất ở chỗ Việt Nam sẵn sàng tham gia cùng các nước xây dựng luật chơi mới với các tiêu chí ngày càng cao, ví dụ như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tính tích cực được thể hiện ở chỗ Việt Nam quyết tâm sửa đổi các quy định luật pháp, các chính sách trong nước cho phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới, tích cực tham gia và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế, ví dụ như việc Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tích cực chủ động hơn trong các công việc của khu vực, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia vào các cơ chế đa phương ở cả khu vực và tầm toàn cầu như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC)…
Hội nhập quốc tế toàn diện đặt ra cho đất nước ta rất nhiều cơ hội, nhưng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ. Đây là một tiến trình mà đôi bên, cả Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đều có lợi.
Ba là, về chủ thể tham gia hội nhập, nhà nước là một nhân tố quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Nhà nước đóng vai trò rất lớn, vừa dẫn dắt tiến trình đàm phán, vừa hỗ trợ các chủ thể khác cùng tham gia các cuộc chơi ở khu vực và toàn cầu, nhưng nhà nước không thể bao sân, làm thay cho các chủ thể khác trong xã hội.
Hội nhập quốc tế toàn diện là sự hội nhập của toàn xã hội vào cộng đồng quốc tế, trong đó doanh nghiệp và đội ngũ doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt. Người dân sẽ được đặt vào vị trí trung tâm trong tiến trình hội nhập. Trong hội nhập quốc tế, nhiều địa phương sẽ được “cởi trói,” sẽ có cơ hội phát huy tất cả các thế mạnh của mình trong quá trình phát triển. Các đoàn thể xã hội, các hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ… cũng sẽ có nhiều cơ hội được tham gia vào các công việc hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực, tìm kiếm nguồn lực phục vụ phát triển.
Xây dựng chuẩn và thực hành theo chuẩn
Bốn là, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đã gia nhập nhiều tổ chức, diễn đàn ở khu vực và trên thế giới. Với việc Việt Nam vừa cùng 11 nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và tới cuối năm nay sẽ hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột (cộng đồng Chính trị-An ninh; cộng đồng kinh tế và cộng đồng Văn hóa-Xã hội), nhất là cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), hội nhập quốc tế hiện nay không còn là một chủ trương chính sách trên bàn đàm phán hay trong các văn kiện của Đảng, mà đã trở thành một thực tiễn không thể phủ nhận, tạo ra những sức ép rất lớn, buộc các chủ thể phải có những hành động, biện pháp kịp thời để thích nghi và hội nhập thành công.
Muốn vậy, trước hết mỗi bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp, xã hội cần chủ động nắm bắt thông tin, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu để nắm bắt cơ hội, hiểu rõ thế mạnh của bản thân cũng như những thách thức đặt ra trong tiến trình hội nhập…
Các bộ, ngành và chính quyền các cấp, trên cơ sở lĩnh vực mình phụ trách, cần chủ động rà soát lại toàn bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm những vấn đề này là phù hợp với các cam kết quốc tế. Cần đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, chuyển hoàn toàn từ cơ chế xin-cho sang cơ chế phục vụ doanh nghiệp, người dân, lấy hiệu quả làm thước đo thành công của hội nhập. Cần đẩy mạnh xây dựng các cơ chế cảnh báo sớm, các diễn đàn đối thoại, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các đoàn thể xã hội, đẩy mạnh tham vấn, tập huấn, tuyên truyền… để đảm bảo mỗi chủ thể khi tham gia hội nhập đều có những khả năng tối thiểu về con người, về thể chế, ngoại ngữ…
Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục-đào tạo cần gấp rút chuẩn hóa các tiêu chí, nội dung giảng dạy… hướng tới công nhận lẫn nhau và để đào tạo ra những lực lượng lao động có tay nghề, đáp ứng cả về chuyên môn và ngoại ngữ. Giáo dục và đào tạo sẽ là nhân tố quyết định hiệu quả và sự thành công của tiến trình hội nhập ở nước ta hiện nay và trong tương lai.
Với các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần được nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cả về môi trường kinh doanh, quyền tiếp cận vốn, chính sách ưu đãi, hỗ trợ…; khuyến khích các doanh nghiệp tạo sân chơi mới, xây dựng sự liên kết theo ngành, theo lĩnh vực, với các doanh nghiệp, bạn hàng, đối tác bên ngoài; phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp…
Với các tổ chức đoàn thể xã hội, cần chủ động, sáng tạo, nhất là trong nắm bắt thông tin, tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực hội nhập, liên kết để cùng hỗ trợ nhau tham gia các diễn đàn khu vực và toàn cầu…
Quá trình hội nhập ngày càng diễn ra sâu rộng, người dân sẽ là những đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất. Hàng hóa, dịch vụ sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, phong phú hợp cả về chất lượng, số lượng với giá cả phù hợp và cạnh tranh hơn. Sự công nhận lẫn nhau và sự kết nối về con người, đào tạo, hạn tầng cơ sở, kinh tế… sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tiếng nói của người dân cũng cần được tôn trọng. Cần tạo ra những cơ chế để người dân có thể tham gia vào các tiến trình hợp tác, phản biện xã hội, đóng góp cho nhà nước trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách…
Nói tóm lại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp, nhưng là một tiến trình mang lại nhiều lợi ích to lớn cho mọi chủ thể trong xã hội. Đó là quá trình “cởi trói” về thể chế, giải phóng về cơ hội và nguồn lực. Hội nhập quốc tế toàn diện không thể có sự dàn đều, mà có thể cho phép các doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể nào có năng lực, có thế mạnh, biết nắm bắt cơ hội vươn lên phát triển trước và lôi kéo các thành phần khác trong xã hội theo sau. Nguyên tắc quan trọng nhất của hội nhập quốc tế là xây dựng chuẩn và thực hành theo chuẩn; chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa để phát triển là một xu thế tất yếu. Bí quyết thành công chính là nằm ở cách nắm bắt và vận dụng sáng tạo nguyên tắc này./.