Mới đây, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe, thảo luận về báo cáo giám sát chuyên đề về khoa học, công nghệ. Trong đó, bên cạnh mặt tích cực, báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ.
Câu hỏi liên quan đến vấn đề này đã làm “nóng” buổi họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra sáng 6/10.
Phía Bộ này cho rằng, nếu là “thế giới” thì nên xác định rõ là các nước tiên tiến nhất, châu Âu, Mỹ, Nhật hay trung bình thế giới nói chung. Và, nếu không xác định cụ thể thì khó đánh giá được là lạc hậu so với ai?
Ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, về nhận định này, Bộ Khoa học và Công nghệ và Đoàn giám sát sẽ giải trình thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thông tin chi tiết hơn.
Cũng theo ông Duy, trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam có lĩnh vực đã tiệm cận, tương đương với thế giới như công nghệ thông tin, viễn thông, y tế (vắcxin…). Tuy nhiên, cũng còn những ngành sản xuất có sử dụng công nghệ của thế hệ trước…
Về vấn đề này, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ đánh giá thẩm định và giám định công nghệ cho rằng, tài liệu, báo cáo mà các đại biểu có thể nhận được dựa vào các số liệu nghiên cứu ở một số ngành cụ thể trong khoảng thời gian trước đây.
“Một số nhận xét mà tôi nhận được nói là công nghệ chúng ta lạc hậu như ngành mía đường, xi măng lò đứng thì hiện nay tất cả xi măng lò đứng đã chuyển đổi hết và không còn dự án xi măng lò đứng nào nữa,” ông Nam nói.
Bởi vậy, ông Nam cho biết các nhận định trên đựa trên “các nghiên cứu có thể ở thập niên trước đây.” Và, các dự án đầu tư hiện nay mà phía ông Nam tiếp cận có nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến được đưa vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí…
Cho rằng đây là những tiến bộ về mặt công nghệ trong các dự án đầu tư. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết một số dự án đưa máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ. Việc này được điều chỉnh theo Luật Thương mại và Bộ Khoa học không được giao quản lý.
Lãnh đạo Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ cũng cho biết khi sửa Nghị định hướng dẫn Luật Thương mại, Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng văn bản quản lý máy móc, dây chuyền công nghệ qua sử dụng. Qua đó, Thông tư 23 được ra đời, có hiệu lực từ 1/7 sẽ hạn chế các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, dây chuyền cũ, có nguy cơ mất an toàn, gây ô nhiễm môi trường…
Ông Nam cũng cho biết thêm, trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã quy định các dự án đầu tư đều phải thẩm định công nghệ. Tuy nhiên, khi sửa Luật Đầu tư 2014 thì chỉ quy định các dự án đầu tư sử dụng công nghệ nằm trong danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao mới phải thẩm định.
Nhận thấy bất cập này, trong quá trình sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ, ngành khoa học đã đưa điều về thẩm định công nghệ vào dự án đầu tư. Theo đó, dự kiến các dự án đầu tư có công nghệ nằm trong danh mục công nghệ được ban hành cùng Luật này và những những công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải trải qua thẩm định công nghệ trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.
“Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất cụ thể điều khoản này như thế nào khi triển khai trong Nghị định hướng dẫn. Ngoài ra, việc sửa đổi quy định liên quan tới thẩm định công nghệ để có thể ngăn chặn công nghệ lạc hậu còn phụ thuộc nhiều vào các quy định pháp luật khác như Luật Đầu tư Công, Luật đầu tư, Luật Xây dựng…
Do đó, trong tờ trình Quốc hội về sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ, chúng tôi cũng đề nghị sửa các luật có liên quan để làm sao đảm bảo kiểm soát được công nghệ trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai thực hiện dự án,” ông Nam chốt lại./.