Báo đê! Báo đê! Báo Bóng đá đưa tin sáng nay “Italy giành vé qua ‘cửa tử’ sau khi đánh bại Ailen,” "Mại dâm Đồ Sơn 'nóng' cùng Euro" trên tờ An ninh Thủ đô mới ra ngày 19/6… tiếng loa rè rè, léo réo vui tai phát ra từ chiếc xe đạp rao báo đánh thức tôi trong giấc ngủ vùi giữa bộn bề những thanh âm của phố phường Hà Nội vào mỗi buổi sáng sớm.
Sợ nhất trời mưa
Có lẽ, nghề rao báo ở Hà Nội hay một đô thị bất kỳ ở Việt Nam đều sẵn lòng theo tinh thần “welcome” với tất cả ai muốn làm và lựa chọn nó.
Rất đơn giản, chỉ với chiếc xe đạp cà tàng có giỏ phía trước và chiếc loa rè chạy bằng pin, họ đã có thể đi rao báo.
Và khi phố phường Hà Nội còn tinh sương, âm thanh của cuộc sống thường nhật mới lác đác, lẻ tẻ, những người rao báo cũng bắt đầu một ngày mưu sinh.
Nghề này, có cả đàn ông và phụ nữ, từ già đến trẻ, họ đến từ những vùng quê xa, gần với thủ đô như Yên Bái, Hưng Yên, Bắc Ninh, Phủ Lý…
Trò chuyện với tôi, chú Lê Văn Hải, 52 tuổi, quê ở Hưng Yên lau vội những giọt mồ hôi đang chảy ròng bên má và nói: “Chú đi rao báo đã 12 năm rồi. Quê chú nhiều người lên Hà Nội làm nghề này lắm! Nó tử tế và cũng kiếm ăn kha khá…”
Vùng quê đất cằn sỏi đá, chỉ làm ruộng không đủ nuôi cả nhà có tới bảy miệng ăn, nào dám nghĩ tới việc còn lo cho ba đứa con đi học.
Đang bế tắc, được người anh em rủ lên Hà Nội đi rao báo, điều kiện chỉ cần một chiếc xe đạp cũ. Chú Hải quyết định đem chiếc xe đạp Phượng Hoàng “đắp chăn” trong xó bếp đi lên Hà Nội rao báo.
“Thời gian như bóng câu…” nhắm mắt lại đã mười hai năm đằng đẵng, bánh xe của chú đã bôn ba mọi ngõ ngách, phố phường Hà Nội rao báo mỗi ngày.
Cứ ba giờ sáng, trời sậm xịt, nhá nhem mặt người, chú Hải đạp xe ra khỏi nhà trọ ở Phùng Khoang, Thanh Xuân lên tận Đinh Lễ để lấy mẻ báo mới.
“Tùy tin tức mà lấy ít hay nhiều, tờ này hay tờ kia. Thường mỗi số chú lấy chục tờ thôi. Nhưng dịp đặc biệt, như mấy hôm nay có Euro thì chú lấy hai chục tờ Bóng đá và Thể thao văn hóa. Hôm kia có 'tin hot' về người đẹp bán dâm chú lại lấy nhiều Pháp luật & Cuộc sống, Cảnh sát toàn cầu...” chú Hải chia sẻ.
“Bán báo vừa nhàn lại thu nhập khá chả trách người ta rủ nhau bỏ quê lên đây chú nhỉ?” Đáp lại tôi, chú Hải cười, lắc đầu: “Mưu sinh đâu dễ thế cháu ơi! Bán báo cũng bị ế chứ…
Cánh rao báo bọn chú cũng sợ ế báo nhưng đó chưa phải nỗi sợ hãi lớn nhất. Báo không bán hết có thể bán hóa giá như giấy vụn, dẫu rẻ hơn bèo đấy nhưng dù sao còn bù được chút đỉnh nhưng trời mưa thì báo thành… cháo, chỉ còn nước đổ nát xuống mặt đường. Xót ruột lắm!”
Nghề rao báo đang suy
Cũng theo chú Hải, hơn 7 giờ sáng là thời điểm bán báo “sướng” nhất. Phố phường đang yên ắng, xe rao đến đâu, có người chủ động gọi đến đó.
“Đã nhất là rao quán càphê, các ông đổ ra, người rút tờ thời sự, người mua tờ thể thao, nhoằng đã vơi mớ báo cuộn tròn trước giỏ. Nhưng sau 9 giờ sáng, phải tắt loa, việc tìm khách mua báo cũng vất vả hơn. Còn muốn bán hết chỗ báo trong ngày, tập san, tạp chí cột từng chồng phía sau yên xe thì phải đến tầm 4, 5 giờ chiều,” chị Liên, quê Hà Nam lên Hà Nội rao báo đã được hơn hai năm cho biết.
“Đó là giờ giới nghiêm của cánh rao báo bọn tôi. Tầm đấy, công an đi tuần giữ an ninh trật tự phố xá, loa kêu rè rè, inh tai là bị tóm ngay, nhẹ thì phạt tiền, nặng là thu xe như chơi. Với lại, rao bằng loa xoàng xĩnh sao át được tiếng còi xe ầm ĩ…” chị Liên tếu táo.
Nghe chị chia sẻ về chiêu trò "lách luật" của cánh rao báo, tôi hỏi "xoáy": "Lỗi tại cánh rao báo đấy chứ! Nếu không rêu rao những tin cướp- giết- hiếp, giật gân, đầy ám chỉ để gây sốc thì chẳng ai cấm cản?" Chị Liên thẹn cười và chua ngoa: "Chúng tôi chỉ có lỗi mưu sinh. Làm nghề rao báo, hễ báo viết cái gì chúng tôi rao cái đó. Tất cả đều ở trên mặt báo đấy chứ, chúng tôi có bịa ra đâu. Cứ chữ nào to, sặc sỡ thì chúng tôi ưu tiên rao thôi..."
"Nhiều khi bị công an phạt, chúng tôi cũng cay cú, vì nghĩ quýt làm cam chịu. Chúng tôi cũng chỉ mong báo chỉ viết về người tốt việc tốt, để rao lời hay ý đẹp. Nếu người ta không mua chúng tôi phải chịu. Ế mãi thì chuyển nghề, bán cái khác" chị Liên cố vớt vát
Hỏi về thu nhập từ xe rao báo, chú Hải nửa thật nửa đùa: “Báo thì đang thịnh vì ngày càng đẻ… ra nhiều tờ báo mới. Nhưng nghề rao báo thì lại suy. Trước bán được 100 tờ/ngày, giờ thì được nửa số đó…”
Gặng hỏi về nguyên do, chú Hải đăm chiêu, nghĩ ngợi chẳng khác một chuyên gia phân tích báo chí và thời cuộc: “Thực ra, báo giấy đang trong cuộc chiến cạnh tranh với báo mạng. Hơn nữa, báo giờ ra nhiều, loạn lắm! Đấy cháu xem, mặt báo vỏn vẹn gang tay nhưng ngồn ngộn tin tức giải trí, tiêu đề giật gân, hình ảnh người ngợm múa máy. Nhìn đã đủ nhức mắt…”
Và cũng đừng nghĩ, những người rao báo chỉ biết có bán báo. Vào mỗi buổi trưa, lúc nghỉ ăn cơm, chú Hải lại tìm gốc cây râm mát đọc hết tin tức trên các mặt báo.
“Không phải tất cả, nhưng hầu hết cánh rao báo bọn chú ngày nào cũng đọc hết tin tức. Đọc phần vì tò mò, để xem hôm nay có chuyện gì, ở đâu? Đọc còn vì để biết mà giới thiệu, gợi ý nếu khách lưỡng lự chưa biết mua tờ nào.”
Hay như lý do có phần “phù phiếm” của chị Liên: “Tôi không bỏ sót một tin tức nào trong ngày cả, nhất là tin liên quan đến vụ án, tệ nạn xã hội. Mình rành thì khi rao báo, được 'tám chuyện' cũng khoái lắm…"
Cầm hai tờ báo còn thơm mùi mực trên tay khi chiếc xe rao báo vừa đi khỏi, tôi chợt nghĩ dẫu là thủ phạm gây ra sự “náo loạn” nhưng Hà Nội sẽ buồn lắm nếu thiếu vắng nó vào một ngày mưa...
Thậm chí, với nhiều người, đợi tiếng rao báo mỗi sáng, lướt qua tin tức trước bữa điểm tâm đã thành thói quen khó bỏ để bắt đầu một ngày làm việc mới./.
Sợ nhất trời mưa
Có lẽ, nghề rao báo ở Hà Nội hay một đô thị bất kỳ ở Việt Nam đều sẵn lòng theo tinh thần “welcome” với tất cả ai muốn làm và lựa chọn nó.
Rất đơn giản, chỉ với chiếc xe đạp cà tàng có giỏ phía trước và chiếc loa rè chạy bằng pin, họ đã có thể đi rao báo.
Và khi phố phường Hà Nội còn tinh sương, âm thanh của cuộc sống thường nhật mới lác đác, lẻ tẻ, những người rao báo cũng bắt đầu một ngày mưu sinh.
Nghề này, có cả đàn ông và phụ nữ, từ già đến trẻ, họ đến từ những vùng quê xa, gần với thủ đô như Yên Bái, Hưng Yên, Bắc Ninh, Phủ Lý…
Trò chuyện với tôi, chú Lê Văn Hải, 52 tuổi, quê ở Hưng Yên lau vội những giọt mồ hôi đang chảy ròng bên má và nói: “Chú đi rao báo đã 12 năm rồi. Quê chú nhiều người lên Hà Nội làm nghề này lắm! Nó tử tế và cũng kiếm ăn kha khá…”
Vùng quê đất cằn sỏi đá, chỉ làm ruộng không đủ nuôi cả nhà có tới bảy miệng ăn, nào dám nghĩ tới việc còn lo cho ba đứa con đi học.
Đang bế tắc, được người anh em rủ lên Hà Nội đi rao báo, điều kiện chỉ cần một chiếc xe đạp cũ. Chú Hải quyết định đem chiếc xe đạp Phượng Hoàng “đắp chăn” trong xó bếp đi lên Hà Nội rao báo.
“Thời gian như bóng câu…” nhắm mắt lại đã mười hai năm đằng đẵng, bánh xe của chú đã bôn ba mọi ngõ ngách, phố phường Hà Nội rao báo mỗi ngày.
Cứ ba giờ sáng, trời sậm xịt, nhá nhem mặt người, chú Hải đạp xe ra khỏi nhà trọ ở Phùng Khoang, Thanh Xuân lên tận Đinh Lễ để lấy mẻ báo mới.
“Tùy tin tức mà lấy ít hay nhiều, tờ này hay tờ kia. Thường mỗi số chú lấy chục tờ thôi. Nhưng dịp đặc biệt, như mấy hôm nay có Euro thì chú lấy hai chục tờ Bóng đá và Thể thao văn hóa. Hôm kia có 'tin hot' về người đẹp bán dâm chú lại lấy nhiều Pháp luật & Cuộc sống, Cảnh sát toàn cầu...” chú Hải chia sẻ.
“Bán báo vừa nhàn lại thu nhập khá chả trách người ta rủ nhau bỏ quê lên đây chú nhỉ?” Đáp lại tôi, chú Hải cười, lắc đầu: “Mưu sinh đâu dễ thế cháu ơi! Bán báo cũng bị ế chứ…
Cánh rao báo bọn chú cũng sợ ế báo nhưng đó chưa phải nỗi sợ hãi lớn nhất. Báo không bán hết có thể bán hóa giá như giấy vụn, dẫu rẻ hơn bèo đấy nhưng dù sao còn bù được chút đỉnh nhưng trời mưa thì báo thành… cháo, chỉ còn nước đổ nát xuống mặt đường. Xót ruột lắm!”
Nghề rao báo đang suy
Cũng theo chú Hải, hơn 7 giờ sáng là thời điểm bán báo “sướng” nhất. Phố phường đang yên ắng, xe rao đến đâu, có người chủ động gọi đến đó.
“Đã nhất là rao quán càphê, các ông đổ ra, người rút tờ thời sự, người mua tờ thể thao, nhoằng đã vơi mớ báo cuộn tròn trước giỏ. Nhưng sau 9 giờ sáng, phải tắt loa, việc tìm khách mua báo cũng vất vả hơn. Còn muốn bán hết chỗ báo trong ngày, tập san, tạp chí cột từng chồng phía sau yên xe thì phải đến tầm 4, 5 giờ chiều,” chị Liên, quê Hà Nam lên Hà Nội rao báo đã được hơn hai năm cho biết.
“Đó là giờ giới nghiêm của cánh rao báo bọn tôi. Tầm đấy, công an đi tuần giữ an ninh trật tự phố xá, loa kêu rè rè, inh tai là bị tóm ngay, nhẹ thì phạt tiền, nặng là thu xe như chơi. Với lại, rao bằng loa xoàng xĩnh sao át được tiếng còi xe ầm ĩ…” chị Liên tếu táo.
Nghe chị chia sẻ về chiêu trò "lách luật" của cánh rao báo, tôi hỏi "xoáy": "Lỗi tại cánh rao báo đấy chứ! Nếu không rêu rao những tin cướp- giết- hiếp, giật gân, đầy ám chỉ để gây sốc thì chẳng ai cấm cản?" Chị Liên thẹn cười và chua ngoa: "Chúng tôi chỉ có lỗi mưu sinh. Làm nghề rao báo, hễ báo viết cái gì chúng tôi rao cái đó. Tất cả đều ở trên mặt báo đấy chứ, chúng tôi có bịa ra đâu. Cứ chữ nào to, sặc sỡ thì chúng tôi ưu tiên rao thôi..."
"Nhiều khi bị công an phạt, chúng tôi cũng cay cú, vì nghĩ quýt làm cam chịu. Chúng tôi cũng chỉ mong báo chỉ viết về người tốt việc tốt, để rao lời hay ý đẹp. Nếu người ta không mua chúng tôi phải chịu. Ế mãi thì chuyển nghề, bán cái khác" chị Liên cố vớt vát
Hỏi về thu nhập từ xe rao báo, chú Hải nửa thật nửa đùa: “Báo thì đang thịnh vì ngày càng đẻ… ra nhiều tờ báo mới. Nhưng nghề rao báo thì lại suy. Trước bán được 100 tờ/ngày, giờ thì được nửa số đó…”
Gặng hỏi về nguyên do, chú Hải đăm chiêu, nghĩ ngợi chẳng khác một chuyên gia phân tích báo chí và thời cuộc: “Thực ra, báo giấy đang trong cuộc chiến cạnh tranh với báo mạng. Hơn nữa, báo giờ ra nhiều, loạn lắm! Đấy cháu xem, mặt báo vỏn vẹn gang tay nhưng ngồn ngộn tin tức giải trí, tiêu đề giật gân, hình ảnh người ngợm múa máy. Nhìn đã đủ nhức mắt…”
Và cũng đừng nghĩ, những người rao báo chỉ biết có bán báo. Vào mỗi buổi trưa, lúc nghỉ ăn cơm, chú Hải lại tìm gốc cây râm mát đọc hết tin tức trên các mặt báo.
“Không phải tất cả, nhưng hầu hết cánh rao báo bọn chú ngày nào cũng đọc hết tin tức. Đọc phần vì tò mò, để xem hôm nay có chuyện gì, ở đâu? Đọc còn vì để biết mà giới thiệu, gợi ý nếu khách lưỡng lự chưa biết mua tờ nào.”
Hay như lý do có phần “phù phiếm” của chị Liên: “Tôi không bỏ sót một tin tức nào trong ngày cả, nhất là tin liên quan đến vụ án, tệ nạn xã hội. Mình rành thì khi rao báo, được 'tám chuyện' cũng khoái lắm…"
Cầm hai tờ báo còn thơm mùi mực trên tay khi chiếc xe rao báo vừa đi khỏi, tôi chợt nghĩ dẫu là thủ phạm gây ra sự “náo loạn” nhưng Hà Nội sẽ buồn lắm nếu thiếu vắng nó vào một ngày mưa...
Thậm chí, với nhiều người, đợi tiếng rao báo mỗi sáng, lướt qua tin tức trước bữa điểm tâm đã thành thói quen khó bỏ để bắt đầu một ngày làm việc mới./.
Minh Minh (Vietnam+)