Từ lâu, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên thần nhỏ, thành phố Ninh Bình đã trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ tự kỷ. Nhiều năm qua, từ "mái trường" này, hàng trăm trẻ mắc chứng tự kỷ tại địa phương đã được can thiệp, trị liệu, học những kỹ năng, ngôn ngữ, nhận thức và hòa nhập với cộng đồng.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên thần nhỏ có tiền thân là Lớp can thiệp sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại thành phố Ninh Bình được thành lập từ năm 2012.
Hiện tại, Trung tâm đang trực tiếp can thiệp, trị liệu và hỗ trợ hòa nhập cho 160 trẻ với lứa tuổi từ trên 1 tuổi đến 11 tuổi.
Theo anh Hoàng Ngọc Khuyến, thạc sỹ tâm lý học, Cố vấn chuyên môn của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên thần nhỏ, tự kỷ là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có khởi phát sớm từ khi trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài.
Biểu hiện chung của tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường.
Nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động và chậm trí tuệ. Việc phát hiện và can thiệp sớm tích cực cho trẻ tự kỷ có thể cải thiện nhiều kết quả về nhận thức, ngôn ngữ, tương tác xã hội, hành vi... giúp trẻ sớm hòa nhập.
Kết quả của can thiệp sớm là tiền đề và điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công của giáo dục hòa nhập cho trẻ sau này.
Anh Hoàng Ngọc Khuyến cho biết: "Năm 2012, khi địa phương chưa có cơ sở nào nhận can thiệp, trị liệu và hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, các gia đình có con tự kỷ phải đưa con lên Hà Nội can thiệp, vừa tốn kém lại rất vất vả, nên nhóm chúng tôi gồm các cử nhân, thạc sỹ chuyên ngành tâm lý học, giáo dục đặc biệt, mầm non, tiểu học đã nhận can thiệp và trị liệu cho các bé có những dấu hiệu tự kỷ."
Mỗi em đến với Trung tâm đều có những biểu hiện khác nhau, tình trạng rối loạn phát triển khác nhau, vì vậy Trung tâm phải nỗ lực tìm ra nhiều giải pháp trong việc giúp trẻ cải thiện tình hình sức khỏe, tâm lý để trẻ từng bước hòa nhập cộng đồng.
Các giáo viên được tuyển vào dạy tại Trung tâm đều phải có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, chuyên về các ngành tâm lý học, mầm non...và thường xuyên được tập huấn về các kiến thức trong việc trị liệu, can thiệp cho trẻ tự kỷ.
[Trẻ tự kỷ vì cha mẹ thiếu quan tâm, sử dụng nhiều smartphone là sai]
Trung tâm cũng thường xuyên mời các chuyên gia, bác sỹ có chuyên môn về thăm khám, giảng dạy và hướng dẫn cho phụ huynh các kiến thức về trẻ tự kỷ, cách chăm sóc và cách phối hợp cùng nhà trường can thiệp, trị liệu cho trẻ sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, tư vấn, đào tạo và can thiệp cho các cháu tốt hơn.
Hiện nay ở Trung tâm có 13 phòng can thiệp cá nhân, 4 phòng bán trú, 1 phòng vận động. Trung tâm đang áp dụng nhiều phương pháp để dạy trẻ tuy nhiên phương pháp chính vẫn là phân tích hành vi (ABA) để can thiệp, trị liệu cho trẻ tự kỷ. Đây là một phương pháp tiếp cận khoa học nhằm hiểu rõ hành vi của một chủ thể với mục tiêu sử dụng phương pháp phân tích hành vi và dựa trên các kết quả nghiên cứu để thay đổi tích cực các hành vi quan trọng có ý nghĩa xã hội góp phần cải thiện nhiều mặt của trẻ tự kỷ như nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ.
Đồng thời phương pháp này cũng nhấn mạnh việc loại bỏ những hành vi tiêu cực và thay thế bằng những hành vi tích cực, giúp trẻ có ứng xử phù hợp với cuộc sống.
Tại đây, trẻ có nhu cầu đặc biệt sẽ được nuôi dưỡng, trị liệu theo các hình thức như: can thiệp theo ca, can thiệp bán trú, dạy kỹ năng giao tiếp và lớp Tiếng Anh giao tiếp.
Chị Trịnh Thị Thanh Hoài, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên thần nhỏ, chia sẻ: "Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Cùng một hội chứng tự kỷ, song không trẻ nào giống trẻ nào, cách chăm sóc và can thiệp trị liệu cũng hoàn toàn khác nhau nên đòi hỏi chúng tôi luôn phải có thời gian để làm quen với từng bé, quan sát và phân tích hành vi rồi mới đưa ra giáo án cụ thể."
"Với trẻ bình thường một bài học chỉ cần nhắc lại 1 đến 2 lần nhưng với trẻ tự kỷ có khi phải nhắc lại 10 đến 20 lần. Vất vả là vậy nhưng sự tiến bộ từng ngày của các bé lại chính là động lực giúp chúng tôi kiên trì và cố gắng. Đối với chúng tôi, mỗi trẻ đến với trung tâm đều là những thiên thần nhỏ cần được chở che, yêu thương."
Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều phụ huynh đưa con đến Trung tâm để được can thiệp, trị liệu. Sau gần 8 năm hoạt động, đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ can thiệp cho hơn 500 lượt trẻ. Số lượng trẻ đã ra trường và hòa nhập cộng đồng lên đến hơn 300 trẻ.
"Con tôi phát hiện bị rối loạn phát triển lan tỏa. Trước đây, khi chưa được can thiệp và trị liệu, cháu có những biểu hiện như chậm nói, không trả lời, không quay lại khi người lớn gọi tên..., nhưng từ khi đưa cháu đến Trung tâm được các cô giáo bảo ban, dạy dỗ, đến nay cháu đã nói được nhiều từ ghép, nhận biết các con vật... Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi con tôi tiến bộ từng ngày," chị Nguyễn Thị Bích Hanh, thành phố Ninh Bình chia sẻ.
Quản lý Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên thần nhỏ Bùi Thị Thu cho biết thời gian tới, để giúp đỡ được nhiều trẻ tự kỷ, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình can thiệp sớm; tăng cường các hoạt động dạy kỹ năng sống và kỹ năng độc lập, giáo dục giới tính cho nhóm trẻ lớn; kết nối với các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các trẻ tự kỷ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hướng đến việc thành lập thêm mô hình trẻ lớn để giúp các em có một môi trường học tập và tự lập với cuộc sống của chính mình.
Bằng những liệu trình hỗ trợ can thiệp riêng, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên thần nhỏ đã và đang mang đến hy vọng cho rất nhiều trẻ cũng như những gia đình có con mắc những khiếm khuyết về các rối loạn phát triển sớm, giúp trẻ hòa nhập xã hội và trưởng thành như bao đứa trẻ bình thường khác./.