Nội các Tunisia họp khẩn về tình trạng bùng phát bạo động

Thủ tướng Tusinia Essid đã tổ chức một cuộc họp nội các khẩn cấp sau khi chính quyền nước này ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên cả nước trong bối cảnh bùng phát các cuộc cuộc bạo động.
Người biểu tình đốt lốp xe phong tỏa một tuyến đường ở Medenine ngày 21/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/1, Thủ tướng Tusinia Habib Essid đã tổ chức một cuộc họp nội các khẩn cấp, sau khi chính quyền nước này ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên cả nước trong bối cảnh bùng phát các cuộc cuộc bạo động liên quan tới vấn đề việc làm và các điều kiện kinh tế.

Trả lời hãng tin AFP, người phát ngôn Bộ Nội vụ Tunisia Walid Louguini cho biết "an ninh đang dần ổn định trở lại," qua đó khẳng định lại phát biểu của Thủ tướng Essid hôm 22/1 rằng tình hình hiện nay đã "nằm dưới sự kiểm soát."

Trước đó, phát biểu trên truyền hình quốc gia tối 22/1, Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi đã bày tỏ sự cảm thông trước sự tức giận của những người dân sống tại những khu vực khó khăn, đồng thời cảnh báo những kẻ có ý đồ xấu đang tìm cách lợi dụng tình hình để khiến đất nước hỗn loạn.

Các cuộc biểu tình và bạo loạn đã lan rộng trên khắp Tunisia, trong đó có cả thủ đô Tunis, khiến Bộ Nội vụ nước này phải ban hành lệnh giới nghiêm kéo dài từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau.

Riêng trong ngày 21/1, giới chức Tunis đã bắt giữ 261 người liên quan đến cuộc bạo động và 84 người khác do vi phạm lệnh giới nghiêm.

Căng thẳng đã gia tăng tại Tunisia từ ngày 17/1, một ngày sau khi một thanh niên ở thành phố miền Tây Kasserine tự tử do không được nhận vào làm việc trong một cơ quan chính phủ.

Vụ việc này khiến người ta liên tưởng tới sự kiện năm 2011 ở Tunisia, khi một người bán hàng rong trẻ tuổi tự thiêu gây ra một làn sóng giận dữ buộc nhà lãnh đạo Zine El-Abidine Ben Ali phải chạy trốn và dấy lên cái gọi là phong trào Mùa Xuân Arab phản đối chính quyền ở các nước trong khu vực.

Tunisia là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao trong khu vực Bắc Phi. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của nước này là hơn 15%, và 32% số người có bằng đại học không tìm được việc làm.

Quốc gia Bắc Phi này đang nỗ lực khôi phục kinh tế sau làn sóng nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Ben Ali./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục