Nội bộ Slovakia mâu thuẫn về vấn đề hợp tác quân sự với Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia phản đối viện trợ tài chính của Mỹ, cho rằng điều này bao gồm sự hiện diện của quân đội Mỹ, "có thể được coi là thành lập một căn cứ quân sự nước ngoài."
Ngày 12/12/2018, Slovakia đã ký hợp đồng trị giá 1,6 tỷ euro mua 14 máy bay chiến đấu F-16 mới nhất do Mỹ chế tạo nhằm thay thế cho những chiếc MiG-29 cũ của Nga. (Nguồn: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, ngày 13/3, Bộ Quốc phòng Slovakia đã dừng các cuộc đàm phán liên quan đến Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng (DCA) với Mỹ.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Peter Gajdoš nêu rõ: “Bộ Quốc phòng Slovakia coi mọi khuôn khổ pháp lý cho phép quân đội nước ngoài đồn trú vĩnh viễn trên lãnh thổ nước này trong một thời gian không hạn chế là mối đe dọa hoặc (ít nhất là) một yếu tố hạn chế đối với chủ quyền của Slovakia."

Các cuộc đàm phán bị dừng lại liên quan đến kế hoạch hỗ trợ 105 triệu euro của Mỹ cho Slovakia nhằm hiện đại hóa các căn cứ không quân của Slovakia.

Ông Gajdoš phản đối viện trợ tài chính của Mỹ, cho rằng điều này bao gồm sự hiện diện của quân đội Mỹ, "có thể được coi là thành lập một căn cứ quân sự nước ngoài."

Thông báo của Bộ Quốc phòng Slovakia được đưa ra một ngày sau khi ông Andrej Danko, lãnh đạo đảng Dân tộc Slovakia (SNS), mà ông Gajdoš cũng là thành viên, đe dọa sẽ rời bỏ liên minh chính phủ nếu Slovakia chấp nhận đề nghị của Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajčák đã chỉ trích quyết định của ông Gajdoš, cho rằng Slovakia sẽ là quốc gia thành viên duy nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không ký DCA.

Ông Lajčák cho biết Bộ trưởng Quốc phòng đã không tham vấn ý kiến của cả chính phủ lẫn Hội đồng liên minh trước khi tuyên bố đình chỉ các cuộc đàm phán.

Các nhà nghị sỹ đối lập cũng kêu gọi Thủ tướng Peter Pellegrini bãi nhiệm ông Gajdoš./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục