Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Nỗi ám ảnh ma túy kinh hoàng tại Afghanistan

Từ 2005 -2009, số người nghiện heroin ở Afghanistan đã tăng gấp 3 lên 150.000 người, bên cạnh 230.000 người đang nghiện.
Trời đang lạnh dưới không độ, nhưng một người Afghan vẫn nằm ngửa dưới tuyết lạnh ở thủ đô Kabul. Anh ta chẳng nhúc nhích cơ thể. Tay chân anh ta duỗi thẳng. Anh ta đã chết vì quá liều heroin. Trước đó, anh ta chỉ sống thêm mỗi ngày là nhờ một tổ chức từ thiện.

"Mỗi đêm, tôi cảm thấy mình sắp chết tới nơi rồi. Tôi nghỉ trong giá lạnh. Tôi tổn thương," Zaman, người đàn ông có đôi mắt màu xanh sáng trông nổi bật trên gương mặt xương xẩu, bẩn thỉu, thổ lộ khi đứng cạnh xác người nghiện xấu số kia - "Sau khi hít heroin, tôi cảm thấy rất tuyệt. Nó không mang đi mọi sự đau đớn, nhưng giảm rất nhiều. Nó như thuốc vậy, còn tôi là bệnh nhân."

Zaman từng là cảnh sát ở tỉnh Helmand, một điểm nóng tàn quân Taliban, khi anh bập vào thuốc phiện. Từ đây, anh nhanh chóng trượt dốc vào heroin và sau 3 năm ở Iran, anh đã trở lại Kabul bởi ma túy ở đây dễ kiếm hơn.

Một đội nhân viên từ thiện từ tổ chức Các bác sỹ của Thế giới (DoW) đã cố gắng cứu người nghiện gục trong tuyết kể trên, nhưng bất thành. Ngoài anh ta, họ còn phải chăm sóc cho hàng trăm người nghiện khác. "Mỗi sáng, chúng tôi tìm thấy 1 hay 2 thi thể," bác sỹ Abdul Raheem từ tổ chức từ thiện nói.

Tình trạng tồi tệ của những người đàn ông đã được phóng viên AFP tiếp xúc cho thấy họ cũng có khả năng sống sót qua mùa đông khắc nghiệt ở nơi đây.

Theo Liên hợp quốc, từ năm 2005-2009, số người nghiện heroin ở Afghanistan đã tăng gấp 3 lên 150.000 người, bên cạnh 230.000 người đang dùng thuốc phiện.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hôm thứ Năm đã kêu gọi người Afghanistan coi việc chống buôn lậu ma túy là ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh hoạt động thu hoạch thuốc phiện đã tăng lên 61% trong năm ngoái và các bộ của Afghanistan đang đau đầu tìm cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng.

Các quan chức chống ma túy hàng đầu tại bộ y tế đã công khai cáo buộc bộ chống ma túy ở nước này toàn nhân vật tham nhũng, trong khi bộ chống ma túy thì chỉ trích bộ y tế đã không nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ lớn hơn.

Mắc kẹt trong cuộc cãi vã ấy là DoW, tổ chức hồi năm 2010 đã khởi động một chiến dịch thử nghiệm cai nghiện bằng methadone cho 200 bệnh nhân, trước khi bị bộ chống ma túy cấm sử dụng phương thức này sau đó 6 tháng.

Hiện vẫn đang chịu trách nhiệm chăm sóc 71 bệnh nhân, nhưng DoW phải vật lộn gần như mỗi ngày để lấy giấy phép nhập khẩu liều methadone họ cần.

"Có quá nhiều nghiên cứu đã được tiến hành ở Afghanistan. Không có lý do gì để người ta không sử dụng liệu pháp methadone, ngoại trừ mối liên hệ giữa mafia ma túy và bộ chóng ma túy," quan chức bộ y tế Sayed Habib nói.

Trong cuộc phỏng vấn với AFP, ông cho biết hoạt động buôn bán ma túy trái phép có thể đạt mốc 3,5 triệu USD mỗi ngày ở riêng Kabul. "Nếu chúng tôi phát methadone miễn phí, người ta sẽ chẳng cần heroin nữa và thị trường ở Afghanistan sẽ sụp đô," ông nói.

Theo Habib, các băng tội phạm có tổ chức "đã sẵn sàng để làm mọi thứ" nhằm ngăn chặn chuyện này xảy ra và còn mua đứt các quan chức Afghanistan chịu trách nhiệm chống ma túy. Ông nói rằng có bằng chứng ghi âm để củng cố cho cáo buộc của mình.

Nhưng Abdul Qayyum Samer, phát ngôn viên bộ chống ma túy, đã phản pháo lại: "Chẳng có bằng chứng nào cho những cáo buộc như vậy."

Afghanistan trồng 90% lượng thuốc phiện của thế giới, theo cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc UNODC. Tổ chức này ước tính rằng việc xuất khẩu thuốc phiện từ Afghanistan trong năm ngoái đã mang về 2,4 tỷ USD, tương đương với 15% GDP.

Theo đánh giá của bác sỹ UNODC, ông Mohammad Raza, những người trốn chạy ra nước ngoài để tránh chiến tranh, thoát đói nghèo và tình trạng thất nghiệp cao ở Afghanistan là những người dễ nghiện ma túy nhất.

UNODC nói rằng câu trả lời cho tình hình này là phải triển khai các hình thức cai nghiện ma túy đa dạng hơn và nhiều hơn, trong đó methadone là một trong những lựa chọn dành cho người
 nghiện.

Giới chức bộ y tế Afghanistan thì khẳng định methadone là cách tốt nhất để cai nghiện, đặc biệt là những người thích tiêm HIV vào tĩnh mạch, hiện đã thu hút mối quan tâm lớn nhất.

"Thông qua việc ngừng sử dụng ma túy, anh cũng ngăn chặn việc lây lan HIV trong cộng đồng. Đó là vấn đề quan trọng nhất với chúng tôi hiện nay," Habib nói. Năm ngoái, có 636 người được phát hiện dương tính với HIV ở Afghanistan. Năm nay con số này có thể sẽ tăng gấp đôi lên 1.200.

DoW thì nói rằng họ khá hài lòng với chương trình methadone. "Điều tuyệt vời là chúng tôi chứng kiến họ tới trung tâm trong tình trạng rất tồi tệ, để rồi vài ngày sau đã thấy họ có đủ sức khỏe để chơi bóng chuyền," bác sỹ Ernst Wisse cho biết./.

Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục