Nỗi ám ảnh “Chiến tranh Việt Nam” trên truyền thông quốc tế

Thực tế đáng buồn là những tin tức “thiếu thiện cảm” về Việt Nam kiểu như: 'Chặt chém' du khách, ăn thịt chó, trộm chó, chặt cây xanh, cá độ bóng đá… thường xuất hiện nhiều trên truyền thông quốc tế.
Nỗi ám ảnh “Chiến tranh Việt Nam” trên truyền thông quốc tế ảnh 1USA Today hiếm khi đưa tin tức về Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Truyền thông thế giới hiếm khi dành “đất” cho những thông tin về Việt Nam. Một thực tế khó phủ nhận rằng nếu có, phần nhiều là những tin tức “thiếu thiện cảm” kiểu như: Chặt chém du khách, ăn thịt chó, trộm chó, chặt cây xanh, cá độ bóng đá…, hay nếu có rầm rộ hơn trong đợt kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước vừa qua, tất cả lại luôn chỉ nhắc đến chúng ta như hình ảnh một đất nước “vật vã” trong cuộc chiến tàn khốc và bi thương.

Lý do thực sự vì sao? Có chuyên gia cho rằng chỉ là bởi quan điểm làm báo khác biệt, phương Tây “chỉ thích nói những cái xấu.” Có lẽ, sau những năm tháng dài cả đất nước nấc lên trong cảnh “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ,” hình ảnh Việt Nam trong mắt truyền thông thế giới vẫn chưa thể “lột xác.”

Hay lý do thực sự nằm ở khâu quảng bá một hình ảnh Việt Nam “tươi mới” ra năm châu của những người làm công tác thông tin đối ngoại trong nước còn chưa thuyết phục?

Bài 1: Có một “Việt Nam xấu xí”

Thước đo thực sự mật độ truyền thông của nước ngoài, cụ thể là phương Tây, về Việt Nam, có thể không đâu xa, chính là cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Qua họ, người viết bài hiểu được mức độ “thưa thớt” của truyền thông Anh, Pháp hay Mỹ… về Việt Nam.

Huyền Liu, 31 tuổi, ở London (Vương quốc Anh) đã gần chục năm bảo thi thoảng mới có một vài tin về quê nhà. Những tin Huyền nhớ nhất là một phóng sự truyền hình về nạn ăn cắp và ăn thịt chó; một show truyền hình Top Gear dành cho người yêu xe, nói về một nhóm đi xe máy xuyên Việt được quay ở Việt Nam.

“Đối với Tây thì ăn thịt chó là man rợ lắm. Tôi xem mà xấu hổ. Chồng tôi còn hỏi là sao chúng mày có thể ăn được chính con chó mình nuôi. Tôi không biết trả lời thế nào…,” chị Huyền buồn rầu kể.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Huyền Trang, 25 tuổi, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại trường Oregon State University (Mỹ), khẳng định các mục tin mới và tin thế giới trên CNN, USA Today và Fox News mà cô hay xem, hiếm khi đưa tin tức về Việt Nam.

“Họ toàn đưa tin về thế giới rồi tới thông tin các khu vực chứ không có tin cụ thể của từng nước. Ở Mỹ, báo chí và tin tức các bang thường tập trung vào đưa các tin ở địa phương hơn, nên tin về Việt Nam chỉ được nhắc qua loa trong tin tức chung về khu vực, chứ không có gì nổi bật. Nếu có cũng chỉ là tin bão hay cá độ bóng đá. Tuy dịp kỷ niệm 30/4 vừa qua, cái tên Việt Nam được nhắc đến nhiều nhưng chủ yếu họ ‘ôn’ lại những cuộc chiến tranh từng xảy ra ở Việt Nam, về hậu quả tàn khốc mà chiến tranh gây ra với hơn 6 triệu tấn bom, đạn do Mỹ ném xuống cũng như chất độc da cam/dioxin,” Huyền Trang cho biết.

Và quả thực, trong quá trình tìm hiểu để viết bài này, không ít lần người cầm bút cảm thấy thất vọng và “cay sống mũi,” trước sự thật quá bẽ bàng về cách mà đất nước và con người Việt Nam được nhắc đến, về ấn tượng của bạn bè quốc tế dành cho một Việt Nam “chiến tranh.” Với một phần nào người nước ngoài, có lẽ, Việt Nam vẫn là vùng đất xa vời vợi và loạn lạc.

“Tình hình” có vẻ khả quan hơn ở những đất nước có phần gần gũi về mặt địa lý với Việt Nam như Nhật Bản hay Malaysia khi các quốc gia này tỏ ra cũng để mắt đến dải đất hình chữ S.

Trên báo chí Nhật Bản thường xuyên đề cập đến chiến lược hợp tác song phương ở tầm quốc gia, đặc biệt là những dự án liên quan đến ODA của Nhật ở Việt Nam. Nhưng thật đáng buồn khi những tin tức kiểu như mại dâm hay người Việt trộm cắp ở Nhật Bản cũng xuất hiện nhan nhản.

Umi Chan Tuyến, một Việt kiều ở tỉnh Niigata (Nhật Bản) chia sẻ: “Người Nhật ngày nào cũng cập nhật thông tin về Mỹ, các ngôi sao thế giới, ở khu vực châu Á, họ thường nói về Hàn Quốc. Trên truyền hình Nhật thỉnh thoảng cũng có chương trình về Việt Nam, còn báo in thì rất hiếm."

"Ví dụ, có chương trình giới thiệu điểm đến, phóng viên Nhật sang Việt Nam đi thăm quan các nơi, giới thiệu văn hóa ẩm thực, các trung tâm thương mại, trang phục các dân tộc, cách chào hỏi, phong tục, đời sống hàng ngày của người Việt Nam. Tôi từng xem chương trình về Hà Nội, Huế, Sài Gòn như thế, họ đều giới thiệu được những nét đặc trưng của quê nhà và phát trên kênh NHK. Chương trình đó có tên gọi “Đi ra thế giới, có những nơi như thế này sao? (世界に行ってみたら本当こんあとこ).”

Còn Malaysia, Nguyễn Tú - vừa tốt nghiệp đại học ở Kuala Lumpur cho hay, thời gian gần đây thông tin nổi bật và đưa nhanh nhất trên báo Malaysia là vụ chặt cây ở Hà Nội hay như vụ hai máy bay quân sự va chạm khiến phi công hy sinh trên biển Việt Nam.

“Thực ra, Malaysia khá thận trọng trong vấn đề đối ngoại với Trung Quốc, vì sự hợp tác giữa hai nước này khá lớn nên vấn đề biển đảo của Việt Nam họ cũng ít đề cập. Báo chí Malaysia đăng tin tức về biển đảo từ Philippine nhiều hơn vì Philippine là quốc gia ‘mạnh mẽ,” Nguyễn Tú đánh giá.

Rõ ràng, hình ảnh Việt Nam đã và đang trở nên … kém phong phú trong mắt bạn bè quốc tế. Phải chăng cách thức quảng bá của chính đội ngũ làm công tác truyền thông đối ngoại trong nước có vấn đề? Những thông điệp về một đất nước tươi đẹp, con người hiền hòa cùng những bước chuyển mình tích cực của nền kinh tế… dường như chưa được truyền tải một cách hiệu quả ra ngoài?

Đâu là lý do thật sự khiến những tin tức về Việt Nam vắng bóng và trở nên… “xấu xí” trên truyền thông thế giới như vậy? Bao giờ Việt Nam mới thoát khỏi những hình ảnh đầy ám ảnh của nỗi đau chiến tranh trong mắt “người ngoài” để vươn mình tỏa sáng, để tự tin là một đất nước hiện đại căng tràn sức sống, đẹp đẽ và “khỏe mạnh”?

Nỗi ám ảnh “Chiến tranh Việt Nam” trên truyền thông quốc tế ảnh 2Một cảnh trong phim 'Đập cánh giữa không trung.' (Ảnh: Đơn vị sản xuất phim cung cấp)

Ngay những cơ hội vàng để Việt Nam tự “PR” hình ảnh của mình ở những sân chơi tầm vóc quốc tế cũng không được quan tâm đầu tư đúng mức. Thực tế, Việt Nam vẫn chưa thể rũ bỏ một vẻ ngoài “nhếch nhác và manh mún” ở các Hội chợ du lịch quốc tế. Chúng ta chưa tạo được tiếng nói nổi bật và có sức hút ở những Diễn đàn quốc tế; chưa mang đến các Liên hoan phim quốc tế những thước phim có hình ảnh một Việt Nam hiện đại, đổi mới, phát triển năng động, mà phần nhiều vẫn là những bế tắc, tăm tối của con người trong đời sống của “Bi, đừng sợ!”, “Đập cánh giữa không trung”… (trước đó một thời gian dài là những ám ảnh chiến tranh trong những “Con chim vành khuyên,” “Cánh đồng hoang,” “Đừng đốt”…).

Bản thân việc chúng ta không đủ năng lực để quảng bá và cập nhật tin tức, chứ khoan hẵng nói đến việc có thể làm thay đổi dẫu là đôi chút suy nghĩ của bạn bè về mình bằng những hình ảnh tốt đẹp vốn đang có, đã vô hình chung càng khiến cho truyền thông có cái nhìn có phần… lệch lạc về đất nước và con người Việt Nam./.

Bài 2: Hy vọng mới trên hành trình xây dựng lại hình ảnh quốc gia

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục