Nghiên cứu về các ngân hàng và khủng hoảng tài chính đã đem về giải Nobel Kinh tế cho 3 nhà kinh tế học người Mỹ gồm các ông Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig.
Giải thưởng được công bố chiều 10/10 cũng đã khép lại mùa Nobel 2022.
Công trình nghiên cứu của ba chuyên gia kinh tế hàng đầu này giúp nâng cao nhận thức về vai trò của các ngân hàng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng tài chính.
Nghiên cứu giải đáp câu hỏi quan trọng là tại sao việc đảm bảo các ngân hàng không bị phá sản lại có ý nghĩa sống còn.
[Ba nhà kinh tế Mỹ giành giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2022]
Nghiên cứu về ngân hàng hiện đại này làm rõ tại sao có các ngân hàng, làm thế nào để giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng và tại sao các ngân hàng sụp đổ làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng tài chính.
Ba nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel kinh tế năm nay đặt nền tảng cho nghiên cứu này từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.
Các phân tích của họ có tầm quan trọng thực tế to lớn trong việc điều tiết thị trường tài chính và đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo nghiên cứu, để nền kinh tế vận hành, các khoản tiết kiệm phải được chuyển sang đầu tư.
Tuy nhiên, có một mâu thuẫn ở đây là những người tiết kiệm muốn huy động tiền ngay trong trường hợp cần chi tiêu cấp bách, trong khi các doanh nghiệp và chủ bất động sản cần được đảm bảo họ sẽ không bị buộc phải trả nợ trước hạn.
Hai ông Diamond và Dybvig chỉ ra cách các ngân hàng đưa ra giải pháp tối ưu cho vấn đề này.
Bằng cách đóng vai trò trung gian nhận tiền gửi của nhiều người tiết kiệm, các ngân hàng có thể cho phép người gửi tiền tiếp cận tiền của họ khi họ muốn, đồng thời cung cấp các khoản vay dài hạn cho người đi vay.
Ngoài ra, phân tích của các nhà kinh tế học cũng cho thấy sự kết hợp của hai hoạt động này khiến hoạt động của các ngân hàng dễ bị ảnh hưởng của những tin đồn thất thiệt.
Nếu một số lượng lớn người gửi tiết kiệm cùng lúc đến ngân hàng để rút tiền khi có tin đồn, ngân hàng sẽ mất khả năng thanh khoản và sụp đổ.
Tuy nhiên, những nguy cơ này có thể được ngăn chặn với việc chính phủ cung cấp bảo hiểm tiền gửi và hoạt động như một thể chế cho vay cuối cùng đối với các ngân hàng.
Ông Diamond đã chứng minh cách thức các ngân hàng thực hiện một chức năng xã hội quan trọng khác.
Là trung gian giữa người gửi tiền tiết kiệm và người đi vay, ngân hàng phù hợp hơn để đánh giá mức độ tín nhiệm của người đi vay và đảm bảo rằng các khoản vay được sử dụng cho các khoản đầu tư sinh lời.
Trong khi đó, ông Ben Bernanke đã phân tích về cuộc Đại suy thoái thập niên 30 của thế kỷ trước, được đánh giá là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.
Theo ông, hoạt động của các ngân hàng là yếu tố quyết định khiến cuộc khủng hoảng trở nên sâu sắc và kéo dài.
Khi các ngân hàng sụp đổ, các thông tin có giá trị về người đi vay bị mất và không thể nhanh chóng phục hồi.
Do đó, khả năng của xã hội để chuyển tiền tiết kiệm thành những khoản đầu tư hiệu quả bị giảm sút nghiêm trọng.
Ông Ben S. Bernanke sinh tại Augusta, bang Georgia (Mỹ). Ông tốt nghiệp tiến sỹ năm 1979 tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Cambridge, và từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giai đoạn 2006-2014.
Nhà kinh tế học Douglas W. Diamond hiện là Giáo sư chuyên ngành tài chính của Đại học Chicago.
Trong khi đó, tốt nghiệp tiến sỹ tại Đại học Yale vào năm 1979, nhà kinh tế học Philip H. Dybvig hiện là Giáo sư chuyên ngành Ngân hàng và Tài chính thuộc Đại học Washington ở St. Louis.
Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho ba nhà kinh tế học người Mỹ là David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens, với những công trình nghiên cứu đã giúp giải mã những các câu hỏi quan trọng về nền kinh tế lao động và quan hệ nhân quả trong lĩnh vực này.
Có tên gọi đầy đủ là Giải thưởng của ngân hàng Sveriges Riksbank dành cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel, giải Nobel Kinh tế không nằm trong hệ thống 5 giải Nobel được lập theo di nguyện của nhà khoa học người Thụy Điển này vào năm 1895.
Giải thưởng này do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này và cũng để tưởng nhớ Alfred Nobel.
Từ năm 1969-2021, đã có 53 giải Nobel Kinh tế được trao.
Người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải thưởng danh giá này là bà Esther Duflo (khi đó 46 tuổi), trong khi người cao tuổi nhất từng được vinh danh là nhà kinh tế học Leonid Hurwicz (ở tuổi 90)./.