Chiều 4/10 (giờ Việt Nam), tại thủ đô Stockholm, Hội đồng Nobel của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao Giải Nobel Hóa học năm 2023 cho các nhà khoa học Moungi Bawendi từ Viện Công nghệ Massachusetts, Louis Brus từ Đại học Columbia và Alexei Ekimov, người làm việc tại công ty Nanocrystals Technology ở Mỹ, tôn vinh công trình khám phá và tổng hợp các chấm lượng tử.
Chấm lượng tử là những hạt rất nhỏ, có đường kính chỉ khoảng từ 2-10 nano mét, tương đương với 50 nguyên tử. Đây là công nghệ đã giúp cách mạng hóa các ngành công nghiệp từ điện tử tiêu dùng đến chăm sóc sức khỏe.
[Nobel Hóa học vinh danh công trình khám phá, phát triển chấm lượng tử]
Các hạt này được sử dụng trong sản xuất đèn LED, màn hình TV và cũng có thể được sử dụng trong phẫu thuật loại bỏ mô ung thư.
Đây là giải thưởng thứ ba được công bố trong mùa giải Nobel năm nay, sau các giải Nobel Y Sinh và Nobel Vật lý.
Từ năm 1901 đến năm 2022, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao 114 giải Nobel Hóa học.
Năm 2022, giải Nobel Hóa học thuộc về 3 nhà khoa học Carolyn R. Bertozzi (người Mỹ), Morten Meldal (người Đan Mạch) và K. Barry Sharpless (người Mỹ) về sự phát triển của nghiên cứu phản ứng hóa học click và phản ứng hóa học sinh trực giao, được sử dụng trong phát triển dược phẩm và lập bản đồ ADN.
Giải thưởng tiếp theo được công bố là Giải Nobel Văn học (ngày 5/10). Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) ngày 6/10.
Trong khi đó, giải Nobel Kinh tế sẽ khép lại Tuần lễ Nobel 2023 vào ngày 9/10.
Lễ trao các giải Nobel sẽ được tổ chức vào ngày 10/12 tới tại Stockholm (Thụy Điển) và Oslo (Na Uy) với mỗi giải thưởng trị giá 11 triệu crown Thụy Điển (986.000 USD), tăng 1 triệu crown Thụy Điển so với năm ngoái./.