Theo thông báo của Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy vào chiều 5/10 (giờ Việt Nam), giải Nobel Hòa bình năm nay đã thuộc về bác sĩ người Congo Denis Mukwege và cô Nadia Murad, nạn nhân người Yazidi từng bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc, vì những nỗ lực nhằm chấm dứt nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang.
Bác sĩ Mukwege làm việc tại một trong những khu vực có nhiều khổ đau nhất trên thế giới: phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Trong một bệnh viên sơ sài nằm trên các ngọn đồi cao trên vùng Bukavu, nơi suốt nhiều năm không có điện và đủ lượng thuốc gây mê cần thiết, ông đã tiến hành phẫu thuật cứu chữa cho rất nhiều phụ nữ. Ông được xem như người mạnh mẽ cất tiếng bảo vệ nhân dân Congo, cổ súy cho vấn đề bình đẳng giới và chấm dứt nạn hiếp dâm trong chiến tranh.
Năm 2012, bác sĩ Mukwege từng có bài phát biểu nảy lửa tại Liên hợp quốc, phê phán chính quyền Congo và các quốc gia khác vì đã không làm hết sức để ngăn chặn "một cuộc chiến không công bằng, đã sử dụng bạo lực chống lại phụ nữ và hiếp dâm như một chiến lược chiến tranh."
Trong khi đó cô Murad cùng hàng ngàn phụ nữ Yazidi thiểu số khác đã bị nhóm IS bắt cóc khi chúng xâm chiếm quê nhà cô ở miền Bắc Iraq hồi năm 2014. Cô đã bị các thành viên IS hiếp dâm nhiều lần trước khi trốn thoát thành công. Nhưng không giống đại đa số những người sống sót khác, xấu ổ và đau khổ vì những gì đã phải trải qua, Murad đã can đảm xuất hiện trước ống kính máy ảnh. Cô công khai danh tính, kể lại đầy đủ tất cả những gì đã xảy ra, biến mình thành bằng chứng sống phơi bày tội ác khủng khiếp của IS.
Cô đã tự phát động một chiến dịch quốc tế của riêng mình, từng phát biểu trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Hạ viện Mỹ, Hạ viện Anh và nhiều tổ chức lớn khác. Murad chia sẻ rằng cô thấy mệt mỏi và khổ sở vì phải thường xuyên kể lại những biến cố cá nhân. Nhưng cô tin điều mình đang làm sẽ giúp ích cho những người phụ nữ Yazidi vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của IS. "Tôi chỉ trở về cuộc sống bình thường khi những người phụ nữ đồng bào của tôi trở về, khi cộng đồng của tôi có chỗ đứng, khi những kẻ có tội phải trả giá", cô nói.
Hòa bình là giải thưởng thứ 4 của mùa giải Nobel năm nay. Trước đó, các giải Nobel Hóa học, Nobel Vật lý và Nobel Y học 2018 đã lần lượt được công bố. Giải Nobel Vật lý gây chú ý khi lần đầu tiên sau 55 năm một nhà khoa học nữ được nhận giải, đó là nhà nghiên cứu Donna Strickland, người Canada.
Bà Donna Strickland cũng là người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử giành giải Nobel Vật lý (về phát triển xung laser ngắn nhất và mạnh nhất từ trước đến nay - hợp tác cùng nhà vật lý 74 tuổi người Pháp Gérard Mourou) kể từ khi các giải Nobel được sáng lập.
[Nobel Hóa học 2018 vinh danh các nhà khoa học Mỹ và Anh]
Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình 2017 đã được trao cho Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICANW). Đây là tổ chức thứ 23 được vinh danh kể từ khi giải ra đời vào năm 1901.
Tiếp sau giải Nobel Hòa bình, giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố vào ngày 8/10 tới, khép lại mùa giải Nobel 2018.
Năm nay, giải Nobel Văn học không được trao do những bê bối liên quan đến Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Giải Nobel Văn học 2018 sẽ được trao vào năm sau, cùng Nobel Văn học 2019.
Chủ nhân của các giải Nobel trong năm nay sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt.
Lễ trao các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Kinh tế sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12 tới tại Stockholm.
Riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được Uỷ ban Nobel của Na Uy công bố và trao thưởng tại thủ đô Oslo./.