Nợ quốc gia của Hàn Quốc được dự báo sẽ đạt mức chưa từng có, với nợ thâm hụt dự kiến sẽ lên mức 883.400 tỷ won (khoảng 654,7 tỷ USD) vào năm 2025, đánh dấu mức tăng 10,1% so với dự báo của năm nay là 802.000 tỷ won.
Sự gia tăng đáng báo động về nợ thâm hụt này là một phần của xu hướng tăng mạnh của nợ quốc gia, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Theo "Kế hoạch quản lý tài chính quốc gia 2024-2028" do Bộ Tài chính Hàn Quốc trình Quốc hội vào ngày 4/9, tỷ lệ nợ thâm hụt trong tổng nợ quốc gia sẽ tăng lên 69,2% vào năm 2025 từ mức 67,1% của năm 2024. Mức tăng 2,1% này nhấn mạnh những thách thức tài chính ngày càng gia tăng mà Hàn Quốc phải đối mặt.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ thâm hụt trong năm 2025 của Hàn Quốc dự kiến là 883.400 tỷ won, cao hơn 81.400 tỷ won (10,1%) so với con số 802.000 tỷ won dự kiến năm 2024.
Nợ thâm hụt là các khoản nợ không có tài sản tương ứng hoặc không đủ và phải hoàn trả bằng thuế trong tương lai. Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt tài khoản chung.
Lượng trái phiếu chính phủ Hàn Quốc sẽ được phát hành vào năm 2025 để bù đắp thâm hụt tài khoản chung là 86.700 tỷ won.
Đây là mức tăng so với quy mô 64.600 tỷ won ban đầu trong kế hoạch quản lý tài chính quốc gia giai đoạn 2023~2027 đã được trình Quốc hội vào năm 2023.
Điều này được phân tích là do nguồn thu năm 2024 thấp hơn dự kiến vì thu thuế bị thâm hụt lớn.
Nợ thâm hụt của Hàn Quốc năm 2015 lần đầu lên mức 330.800 tỷ won và tăng đều đặn lên 407.600 tỷ won vào năm 2019.
hoản nợ này tiếp tục tăng nhanh chóng trong 3 năm bùng phát đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ vượt quá 800.000 tỷ won trong năm 2024. Đáng chú ý, vào năm 2027, con số này có thể sẽ vượt 1 triệu tỷ won.
Tỷ lệ nợ thâm hụt trong tổng nợ quốc gia cũng liên tục tăng, từ 51,7% năm 2013 lên 67,1% năm 2924 và dự kiến sẽ đạt 70,5% vào năm 2026.
Trong khi đó, nợ tài chính, có tài sản tương ứng và do đó cho phép phân tán rủi ro của Hàn Quốc sẽ chỉ tăng 0,2% từ 393.000 tỷ won năm nay lên 393.600 tỷ won vào năm 2025.
Tỷ lệ nợ tài chính trong nợ quốc gia cũng dự kiến sẽ tiếp tục giảm, từ 32,9% năm 2024 xuống 30,8% năm 2025 và 27,7% vào năm 2028.
Nợ tài chính năm nay dự kiến sẽ giảm so với năm 2024 do phải trả trước Quỹ ổn định ngoại hối (FESF) cho Quỹ quản lý quỹ công (PFMF) để bù đắp khoản thâm hụt doanh thu thuế của năm 2023.
Chi phí lãi vay phát sinh từ trái phiếu Chính phủ được dự đoán sẽ tăng lên. Lãi suất trái phiếu kho bạc của quỹ lãi suất công năm tới sẽ là 25.500 tỷ won, tăng 14,0% so với năm nay (22.300 tỷ won).
Con số này sẽ tăng trung bình 10% mỗi năm trong 4 năm, lên 28.000 tỷ won vào năm 2026, 30.500 tỷ won vào năm 2027 và 32.700 tỷ won vào năm 2028.
"Nợ thâm hụt" của Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt tới 900.000 tỷ won vào năm 2025 và dự kiến sẽ vượt quá 1.000.000 tỷ won trong 3 năm tới.
Nợ quốc gia được phân loại thành nợ tài chính và nợ thâm hụt. Nợ thâm hụt gánh nặng lớn cho các thế hệ tương lai phải hoàn trả bằng thuế do đó nó được phân loại là “nợ ác tính.”
Khi tổng chi tiêu của chính phủ tiếp tục vượt quá tổng doanh thu, thâm hụt sẽ tích tụ, tất yếu làm tăng nợ trong tương lai.
Xu hướng này làm dấy lên mối lo ngại về tính bền vững tài chính dài hạn và gánh nặng tiềm tàng đối với các thế hệ tương lai của Hàn Quốc.
Các dự báo của Bộ Tài chính nước này thời gian qua đều nhấn mạnh sự cấp thiết về quản lý tài chính hiệu quả và các chiến lược để giảm thiểu xu hướng gia tăng nợ quốc gia./.
Quỹ hưu trí của Hàn Quốc dự kiến cạn kiệt vào năm 2055
Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách tăng dần tỷ lệ phí bảo hiểm lương hưu từ mức 9% thu nhập hiện tại lên 13% và tỷ lệ thay thế thu nhập lương hưu từ 40% lên 42%