Thông báo mới nhất của Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) ngày 17/9 cho biết, nợ nước ngoài của nước này đã tăng từ mức gần 285 tỷ USD hồi cuối tháng Sáu lên gần 291 tỷ USD vào cuối tháng Bảy.
Trong số trên, nợ chính phủ chiếm trên 134 tỷ USD và hơn 156 tỷ USD còn lại thuộc về khu vực tư nhân. Như vậy, nợ công trong tháng Bảy đã tăng 6,8%, cao hơn mức tăng 6,2% trong tháng trước đó, còn nợ khu vực tư nhân tăng gần 13%, giảm so với con số hơn 14% trong cùng kỳ.
BI cho biết thêm các khoản nợ ngắn hạn đã tăng mạnh hơn 11% lên 50 tỷ USD trong tháng Bảy, so với mức tăng tương ứng trên 7% trong tháng trước đó, còn nợ dài hạn tăng xấp xỉ 10% lên gần 241 tỷ USD, giảm từ mức trên 11% trong cùng kỳ. Trong nợ dài hạn, nợ chính phủ chiếm 128 tỷ USD, và nợ khu vực tư nhân chiếm 112,5 tỷ USD.
Thống đốc BI Agus Martowardo cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của các khoản nợ nước ngoài và tăng cường chính sách trong quản lý nợ nước ngoài, nhất là nợ của khu vực tư nhân.
Ông Agus Martowardo cũng kêu gọi các công ty trong nước có nợ nước ngoài thực hiện giao dịch bảo hiểm rủi ro như một phần trong hoạt động quản lý rủi ro của họ để giảm thiểu tác động có thể từ biến động kinh tế toàn cầu, bởi có tới 88% các công ty trong nước không thực hiện bảo hiểm rủi ro.
Những công ty này sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn trong trường hợp biến động tỷ giá hối đoái, cho dù BI đang cố gắng duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, trong khi bảo hiểm rủi ro là một trong những giải pháp chủ yếu cho nguy cơ này.
Đồng nội tệ rupiah của Indonesia trong phiên giao dịch ngày 18/9 đã giảm 0,36% so với ngày trước đó xuống 11.928 Rp/USD./.