Càphê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Do đó, ngành càphê Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng xác định chuyển hướng sang sản xuất tập trung vào khai thác tối đa tiềm năng, năng suất của cây càphê đồng thời chú trọng nhiều vào phát triển xanh và bền vững.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Xây dựng chuỗi ngành hàng càphê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Càphê Cacao Việt Nam tổ chức ngày 12/3, trong khuôn khổ Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.
Định hướng vùng trồng chất lượng cao
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty Công ty Xuất nhập khẩu Một thành viên 2-9 Daklak (Simexco) nhấn mạnh nâng cao chất lượng càphê đồng nghĩa với nâng cao vị thế của ngành càphê Việt Nam và đặc biệt là cải thiện sinh kế cho người nông dân.
Theo ông Huy, mỗi năm Simexco xuất khẩu 120.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 250 triệu USD. Hiện Simexco thực hiện chuỗi liên kết với 40 ngàn hộ nông dân, diện tích 48 ngàn ha để sản xuất càphê bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế và áp dụng các phương thức canh tác mới.
“Khi càphê đảm bảo chất lượng cao và càphê đặc sản, Simexco đã mạnh dạn đưa sản phẩm tốt giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế,” ông Huy nói.
Cụ thể, ông Huy chia sẻ các sản phẩm của Simexco đã chinh phục được những thị trường “khó tính” như Anh. Trong năm 2022, lần đầu tiên một nhà pha chế càphê nổi tiếng của Nhật đã sử dụng mẫu càphê đặc sản Việt Nam tham gia cuộc thi pha chế càphê của thế giới tổ chức tại Australia. Gần đây hơn, một nhà pha chế hàng đầu của Mỹ đã sử dụng 100% càphê Robusta của Việt Nam để tham gia và lọt vào vòng chung kết cuộc thi phá chế càphê thế giới tại Mỹ.
[Đắk Lắk: Kiến tạo sự khác biệt đưa càphê Việt Nam chinh phục toàn cầu]
Nhằm để nâng cao tỷ lệ càphê chất lượng cao, càphê đặc sản trong sản lượng lớn của càphê Việt Nam, ông Huy kiến nghị một số giải pháp về vùng nguyên liệu, cần được quy hoạch và xây dựng tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn đa dạng cây trồng, lấy cây càphê làm nền tảng chủ lực. Để làm được điều này, các cấp quản lý cần có những chính sách nhằm thay đổi nhận thức của người nông dân canh tác theo hướng tập trung, giảm thiểu sử dụng nước, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ đồng thời tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là nói không với sử dụng lao động trẻ em và quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới.
Thúc đẩy Tây Nguyên là trung tâm chế biến càphê thế giới
Tại hội thảo, ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận hỗ trợ Nông nghiệp-ASD, Trưởng chi nhánh Công ty Nestle tại Tây Nguyên chia phương pháp quản lý dữ liệu số bằng công cụ “Nhật ký nông hộ số.”
Theo ông Phạm Phú Ngọc, nhật ký số sẽ hỗ trợ người nông dân tính toán giá thành, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả sử dụng lao động, tiết kiệm thời gian nhập liệu và giảm công việc giấy tờ. Hơn nữa, những thông tin này nếu tính toán bằng tay, nhiều nông hộ sẽ gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, nhật ký này cũng đánh giá mức độ áp dụng của người nông dân sau các đợt tập huấn. Ngoài ra, nhật ký sẽ cảnh báo sớm đối với các trường hợp nông hộ sử dụng hóa chất nông nghiệp trong danh mục cấm-đỏ-vàng trong Bộ quy tắc chung của cộng đồng càphê thế giới (4C) cùng các quy định tại Việt Nam.
Cụ thể, nhật ký số sử dụng mã QR để thu thập khi nông hộ tham gia các khóa tập huấn tổng hợp đồng thời tích hợp sổ tay sản xuất càphê vào nhật ký, như tính toán lượng CO2 phát thải dựa vào số lượng các loại phân bón, hóa chất nông nghiệp, quá trình vận chuyển, tưới càphê, phát cỏ...
Tuy nhiên để phát triển ổn định vùng trồng nguyên liệu chất lượng cao-đặc sản, ông Nguyễn Đức Huy cho rằng ngành càphê phải tập trung vào chế biến sâu cũng như thúc đẩy Tây Nguyên trở thành trung tâm chế biến càphê của thế giới.
Trên cơ sở đó, ông Lê Đức Huy đề xuất Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa và các nhà xuất khẩu đầu tư nhà máy chế biến sâu, để nâng cao giá trị cho ngành hàng càphê, như đãi thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị...
“Chính phủ, chính quyền địa phương cần sớm nâng cấp hệ thống logistic từ giao thông nội đồng, nông thôn đến hệ thống đường cao tốc nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền trung, tiếp cận với cảng biển gần hơn, như cảng Quy nhơn, cảng Nam Vân Phong...,” ông Huy nói.
Trong khi đó, ông Trịnh Minh Đức, Chủ tịch Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành việc công bố bộ tiêu chí càphê chất lượng cao và hệ thống quản lý. Bên cạnh đó, các cấp quản lý thực hiện triển khai thí điểm-việc doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận càphê Việt Nam chất lượng cao.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển cần chỉ đạo các địa phương triển khai những nội dung trong công tác quy hoạch vùng sản xuất càphê chất lượng cao, như hướng dẫn các tổ chức đề xuất các dự án đầu tư sản xuất.
Với các địa phương, ông Trịnh Minh Đức kiến nghị cần chủ động triển khai các nội dung đề án sản xuất càphê chất lượng cao, như tuyên truyền, mời gọi các doanh nghiệp xây dựng và triển khai các dự án sản xuất và tiên phong sử dụng nhãn hiệu chứng nhận...
Về phát triển càphê đặc sản, ông Đức cũng đề nghị tỉnh Đắk Lắk chủ động xây dựng và triển khai đề án tại địa phương. Theo ông Đức, tỉnh cần có phương án vận động thành lập quỹ phát triển càphê đặc sản để cùng với cộng đồng càphê tại tỉnh Đắk Lắk có thêm nguồn lực góp phần hiện thực hóa “Buôn Ma thuột-điểm đến của càphê thế giới”./.