Nỗ lực vươn lên làm giàu của người lính thời bình

Nhắc đến anh thương binh Thân Văn Lập, người dân thôn xóm lại nói về một tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu trong cuộc sống.
“Tàn tật nhưng không thể ỷ lại vào đó để ăn bám người thân và xã hội,” đó là lời khẳng định của thương binh Thân Văn Lập, thôn Hồ Thanh, xã Nghĩa Hòa, Lạng Giang, Bắc Giang.

Nhắc đến anh, ai ai trong thôn xóm cũng quý mến người cán bộ thôn nhiệt tình gương mẫu trong các phong trào hoạt động ở địa phương và khâm phục ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống của người thương binh này.

Giữa cái nắng Hè gay gắt của một ngày tháng Bảy, theo con đường làng quanh co, trải bêtông phẳng lì, chúng tôi đến thăm nhà anh. Dáng người nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, đôi mắt không còn được lành lặn của anh đã cho chúng tôi thấy đằng sau những thành quả đạt được ngày hôm nay là cả những nỗ lực không ngừng nghỉ của một người lính trong thời bình.

Sinh ra trong thời kì đất nước còn đang chiến tranh, tháng 12/1971, khi mới 17 tuổi Thân Văn Lập xung phong đi nhập ngũ.

Sau một trận chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị tháng 10/1972 anh bị thương và hỏng mất một mắt, phải chuyển ra Bắc điều trị. Đất nước thống nhất, anh được phục viên trở về quê hương nhưng với thương tật hạng 2/4, mất 61% sức khỏe.

Kinh tế gia đình khó khăn, cơm bữa đói bữa no, những đứa con lần lượt ra đời làm cho gánh nặng trên vai anh ngày càng chồng chất, thêm nữa những vết thương cũ lại hành hạ anh mỗi khi trái gió trở trời.

Đứng trước muôn vàn khó khăn, người thương binh ấy có lúc cảm thấy bất lực trước cuộc sống, nhưng phẩm chất của người lính không làm anh gục ngã.

Anh Lập tâm sự: "Lúc đó mình nghĩ nếu cứ chỉ ngày ngày làm mấy sào ruộng thì có chăm chỉ đến mấy cuộc sống cũng không thể khấm khá nên được. Nghĩ vậy, anh đã không ngại gian khó đi khắp các nơi trong và ngoài tỉnh để tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế có hiệu quả về áp dụng cho gia đình."

Nhận thấy khu vực xung quanh xã mình như Quang Thịnh, An Hà, Đào Mỹ…có rất nhiều ao hồ, nguồn cung cấp cá giống lại xa nên anh đã nảy ra kế hoạch xây dựng ao ươm cá giống để cung cấp cá giống cho bà con.

Nghĩ là làm, anh bắt tay ngay vào công việc, tự mình đạp xe đi đến các nơi để học hỏi kinh nghiệm nuôi ươm cá giống và thuê người đào ao với diện tích 5 sào ở vị trí chủ động nước và thiết lập hệ thống dịch vụ bán cá giống và chuyển giao kĩ thuật nuôi cá.

Với tính cẩn thận, nắm chắc quy luật và áp dụng đúng khoa học kĩ thuật, nguồn cá ươm trong ao nhà anh luôn đảm bảo chất lượng, được bà con đặt mua hết. Có thời gian không đáp ứng đủ nhu cầu, anh còn đạp xe xuống tận các trại cá Phi Mô, Bắc Giang mua về cung cấp cho bà con.

Tiếng lành đồn xa, giờ đây không chỉ các hộ nông dân quanh vùng, mà các hộ nông dân ở các huyện bạn Yên Thế, Hữu Lũng cũng đến đặt mua hàng cá giống. Hiện tại trung bình mỗi năm gia đình anh cung cấp cho thị trường từ 4-5 tấn cá giống, trừ chi phí đi còn cho thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng/ năm.

Từ năm 1988, anh đã đứng ra thành lập một tổ thợ mộc gồm 7 người do anh làm thợ cả đứng ra nhận việc làm thường xuyên cho thu nhập ổn định từ 150-170.000đồng/ngày. Để tạo việc làm cho cả gia đình, ngoài việc luân canh tăng vụ trên gần một mẫu ruộng của gia đình anh còn nhận thêm 0,5ha đồi bãi để trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, nay số lượng keo của anh đã được 5 tuổi, sau khoảng 3-5 năm nữa sẽ cho thu hoạch. Hiện tổng thu nhập bình quân gia đình anh đạt khoảng 90-120 triệu đồng/năm, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giầu cho gia đình, góp phần làm giầu cho quê hương.

Thoát nghèo, cuộc sống gia đình khấm khá, anh còn luôn giúp đỡ bà còn làng xóm về tinh thần và vật chất, năm 1999 anh được bà con trong thôn tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Thời điểm đó, thôn anh vẫn còn là ngôi làng nghèo khó, đời sống của người dân bộn bề khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo hơn 10%. Anh đã suy nghĩ rất nhiều phải làm sao để người dân trong thôn có thể thoát nghèo vươn lên làm giầu chính đáng.

Anh Lập tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm do xã, huyện tổ chức để về phổ biến cho bà con, tạo điều kiện cho các hộ nghèo mua cá giống, phân bón trả chậm, khi thu hoạch mới phải hoàn tra... Nhờ đó, các phong trào trong thôn đều phát triển mạnh. Thôn có 133 hộ thì 122 hộ được công nhận là gia đình văn hóa. Trong thôn không có người sinh con thứ 3, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, không có nạn nghiện hút, trộm cắp, rượu chè. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chỉ còn hơn 5%. Trong năm năm thôn đã cứng hóa được 1000m đường giao thông nông thôn.

Năm 2005, anh Lập được bầu làm Bí thư chi bộ. Ở cương vị mới, anh tiếp tục phát huy năng lực, sở trường, thường xuyên có những tham mưu, đề xuất mang tính sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Các phong trào trong thôn đều phát triển mạnh, các đoàn thể luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chi bộ thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh, thôn 7 năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện, 3 năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh. Chia sẻ về thành quả của mình, anh tâm sự: trong thôn xóm nếu làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, lãnh đạo gương mẫu, tạo sự đồng thuận trước hết trong anh em dòng tộc rồi đến bà con thôn xóm thì việc khó mấy cũng hoàn thành./.

Đồng Thúy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục