Nỗ lực truyền dạy Đờn ca Tài tử cho thế hệ trẻ ở Cần Thơ

Tại Cần Thơ - thủ phủ miền Tây Nam Bộ, việc gìn giữ, lưu truyền, phát huy di sản Đờn ca Tài tử đang được các nghệ nhân chung tay góp sức truyền lại cho thế hệ trẻ.

Nghệ thuật Đờn ca Tài tử là tài sản vô giá của 21 tỉnh, thành phố phía Nam, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

Đờn ca Tài tử không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Tại Cần Thơ - thủ phủ miền Tây Nam Bộ, việc gìn giữ, lưu truyền, phát huy di sản này đang được các nghệ nhân chung tay góp sức.

Truyền dạy Đờn ca Tài tử miễn phí

Có mặt tại Trung tâm Văn hóa quận Ninh Kiều một tối cuối tuần, chúng tôi bị thu hút bởi thanh âm từ chiếc đờn kìm, xen kẽ là tiếng gõ nhịp của nhạc cụ song loan. Hòa điệu vào đó là những lời ca trong bản “Dạ cổ hoài lang" đến từ các học viên lớp học đờn ca tài tử do Nghệ nhân Ưu tú Ái Hằng đứng lớp. Đây là lớp học khá đặc biệt với “biên độ tuổi” của học viên khá rộng, từ vài tuổi đến hơn 70 tuổi.

Sinh năm 1978, đến năm 2015, cô Ái Hằng được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Sự vinh danh này không chỉ dành cho những thành quả cô gặt hái được trong nghề mà còn là ghi nhận những đóng góp của cô cho quá trình truyền nghề. Gần 30 năm theo nghề, phân nửa thời gian cô gắn bó với các lớp dạy đờn ca tài tử miễn phí cho cộng đồng. Các lớp này do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức, cũng có những lớp do các Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử hoặc các nhóm mộ điệu tự tổ chức…

Bất kỳ ai có đam mê tìm hiểu, được học ca tài tử, Ban tổ chức các lớp học đều chào đón gia nhập, trong đó những bạn trẻ, đặc biệt các em nhỏ là đối tượng được ưu ái nhiều nhất. Nghệ nhân Ưu tú Ái Hằng cho rằng ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, của các trò chơi ảo trên mạng, các em nhỏ dễ bị cuốn theo. Ngày càng ít những bạn nhỏ, bạn trẻ chịu tìm hiểu, theo học, đam mê các nghệ thuật truyền thống nói chung, đờn ca tài tử nói riêng. Do đó, những bạn đến với lớp học được coi là những hạt mầm, vừa để nuôi dưỡng phát triển, vừa để lan tỏa đến cộng đồng, để phong trào đờn ca tài tử ngày càng mở rộng trong nhịp sống hiện đại.

[Giữ gìn và phát huy Di sản Văn hóa Dân tộc Đờn ca tài tử]

Đồng quan điểm với Nghệ nhân Ưu tú Ái Hằng, Nghệ nhân Nhân dân Trường Út chia sẻ, xuất phát từ trải nghiệm của bản thân, nhà nghèo, khao khát học Đờn ca Tài tử nhưng không có điều kiện. May mắn được thầy đờn Hai Long (thầy của những tài danh như Bạch Tuyết, Hùng Cường…) truyền nghề một cách tận tình và miễn phí mới có Nghệ nhân Nhân dân Trường Út ngày nay.

Nhớ công ơn đó của thầy, hơn 20 năm qua, Nghệ nhân Nhân dân Trường Út không thể nhớ mình đã đứng lớp bao nhiêu khóa học truyền dạy đờn ca tài tử. Học viên của “thầy” Trường Út có người đã “thất thập cổ lai hy”, lại có bé mới học Tiểu học… Nhờ sự dìu dắt “mát tay” của thầy, nhiều người đã thành danh, góp thêm tên tuổi vào bức tranh Đờn ca Tài tử đất Tây Đô, cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.

Chị Nguyễn Thị Nhã Phương, ngụ tại quận Cái Răng, phụ huynh của hai bé cấp 1 và cấp 2 đang theo học lớp đờn ca tài tử do Nghệ nhân Ưu tú Ái Hằng đứng lớp cho biết, ba mẹ con chị đã theo học hơn 2 năm, từ khi bé nhỏ mới 5 tuổi. Chị nhận thấy đam mê của các con khi thấy bé chăm chú nghe và hát theo các tiết mục đờn ca tài tử trên ti vi. Biết thông tin thành phố mở lớp truyền dạy đờn ca tài tử miễn phí, chị đã đều đặn chở các con đến học.

Đáp lại đam mê của học viên, sự tận tụy của phụ huynh, các nghệ nhân, nghệ sĩ dù bận trăm công nghìn việc vẫn luôn nỗ lực hết mình để bám lớp.

Để thế hệ trẻ tỏa sáng cùng Đờn ca Tài tử

Bên cạnh việc truyền nghề từ các lớp học Đờn ca Tài tử, các nghệ nhân, nghệ sĩ còn nỗ lực mở rộng các sân chơi cho học viên. Nghệ nhân Ưu tú Kiều Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, cho biết sau một thời gian giảng dạy, truyền nghề cho học viên, tùy theo khả năng của các học viên, giảng viên sẽ đưa các em đi biểu diễn, giao lưu. Những học viên có năng khiếu nổi trội sẽ được tham gia các cuộc thi trong và ngoài khu vực cùng các giảng viên.

Hiện tại, các hoạt động này mang lại hiệu quả khá khả quan khi được lồng ghép vào các chương trình xúc tiến du lịch của thành phố. Tại các điểm du lịch trọng điểm như Bến Ninh Kiều, Chợ nổi Cái Răng… thường xuyên có các chương trình Đờn ca Tài tử giao lưu cùng du khách vừa mang đến sự thú vị, mới mẻ cho du khách, vừa là cơ hội để các học viên trau dồi khả năng của mình.

Giảng viên còn kết nối cùng các trường học để đưa Đờn ca Tài tử vào hoạt động câu lạc bộ năng khiếu, trải nghiệm ngoại khóa… “Vừa qua, Nhà hát Tây Đô phối hợp cùng Trường Đại học FPT Cần Thơ tổ chức lớp năng khiếu Đờn ca Tài tử. Tổng kết lớp học, ai cũng rất hào hứng để được biểu diễn tiết mục của mình. Đó là tín hiệu rất vui cho nỗ lực phát triển phong trào Đờn ca Tài tử của Cần Thơ nói riêng, ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung,” Nghệ nhân Ưu tú Kiều Nga nhấn mạnh.

Nỗ lực truyền dạy Đờn ca Tài tử cho thế hệ trẻ ở Cần Thơ ảnh 1Tiết mục độc tấu đàn kìm - đàn nguyệt. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo Nghệ nhân Ưu tú Kiều Nga, để sự dìu dắt thế hệ trẻ trên hành trình khám phá, đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống này, các nghệ nhân trước hết phải tự làm mới, sáng tạo ở cả ca từ lẫn cách truyền dạy và cách ứng dụng các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ yêu thích.

Nghệ nhân Ưu tú Kiều Nga đang đẩy mạnh các hoạt động trên những nền tảng như TikTok, Facebook, Youtube…, từ đó các lớp học online cũng được triển khai. Có những video dạy online của chị thu hút trên 30.000 lượt xem và hàng chục ngàn bình luận, trong đó hầu hết các bạn trẻ đều bày tỏ sự yêu thích và mong muốn được theo học các lớp dạy Đờn ca Tài tử online của chị. Vì thế, dù công việc quản lý tại Nhà hát Tây Đô khá bộn bề, cộng với lịch diễn dày đặc nhưng chị vẫn cố gắng dành nhiều thời gian cho các lớp học, đặc biệt ưu tiên các lớp online vì có thể dạy cho số lượng khá lớn học viên mà không bị giới hạn về địa điểm.

Cùng quan điểm về tính tất yếu phải đổi mới trong biểu diễn, truyền dạy bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử, bàn rõ hơn về sự sáng tạo, Nghệ nhân Nhân dân Trường Út cho biết: Sáng tạo là sự bắt buộc đối với mỗi nghệ nhân. Bởi bối cảnh văn hóa-lịch sử nhiều thay đổi, thị hiếu của người xem cũng đổi. Ngày trước chúng tôi chơi đờn ca tài tử tùy hứng, ca mọi nơi mà không cần âm thanh, ánh sáng. Giờ thì nghiêng nhiều về nghệ thuật trình diễn, sân khấu hóa.

Xưa chỉ ngồi một chỗ ca, giờ phải kết hợp diễn, biểu cảm khuôn mặt thì khán giả mới hào hứng đón nhận. Soạn giả cũng vậy, giờ phải viết lời hiện đại, phù hợp với cuộc sống chứ câu chữ hình ảnh ước lệ tượng trưng theo lối xưa thì khán, thính giả họ không chuộng.

Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính “ngẫu hứng,” “biến hóa lòng bản” theo cảm xúc, trên cơ sở của 20 bài gốc (bài Tổ) và 72 bài nhạc cổ cho 4 điệu, gồm 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly).

Còn với Nghệ sỹ Ưu tú Ái Hằng để sáng tạo và dìu dắt thế hệ trẻ hiệu quả, nghệ nhân phải biết thay đổi linh hoạt tùy theo từng đối tượng học viên. Trên cơ sở đó có sự thiết kế giáo án, cũng như các hoạt động giao lưu biểu diễn phù hợp với mỗi nhóm học viên.

Nhận xét về những cống hiến của các nghệ nhân trong nỗ lực bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử, soạn giả Nhâm Hùng cho rằng phong trào Đờn ca Tài tử thành phố Cần Thơ ngày càng có nhiều bước tiến khả quan. Để có được thành quả đó, là sự chung tay góp sức của rất nhiều thế hệ các nghệ sỹ, trong đó có sự cống hiến hết mình của Nghệ nhân Nhân dân Trường Út, các Nghệ nhân Ưu tú Trúc Linh, Kiều Nga, Ái Hằng… với tinh thần cống hiến tận tình, bền bỉ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục