Nỗ lực tìm giải pháp xóa bỏ dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô nhận định các xe hợp đồng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định nhưng không đón trả khách tại bến mà theo yêu cầu của khách chính là xe dù và đang phát triển mạnh.
Nỗ lực tìm giải pháp xóa bỏ dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc ảnh 1Một "xe dù" dừng đỗ, đón trả khách sai quy định trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc."

Khách mời tham dự Tọa đàm có Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải Phan Thị Thu Hiền; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng; Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) Tạ Thị Hồng Minh; Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ các Doanh nghiệp vận tải và Bến xe Nguyễn Ngọc Dũng…

Tọa đàm nhằm phân tích thực trạng của vấn nạn xe dù, bến cóc; những căn nguyên tồn tại dai dẳng trong thời gian qua. Từ đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp cả trước mắt và lâu dài đối với các cơ quan chức năng để từng bước loại bỏ và xóa sổ vấn nạn này trong đời sống xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông.

Phân tích thực trạng này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, việc hợp đồng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe đón khách tại nhà và đặt chỗ bán vé cho từng khách hoặc xe đi ghép, chính là "xe dù" theo hình thức vận tải tuyến cố định.

Bởi những xe này vẫn đi theo tuyến cố định nhưng lại không đón trả khách tại bến mà điểm đón, trả thường thay đổi theo yêu cầu của khách. Loại hình này đang phát triển ngày càng cao, càng nhiều từ xe 9 ghế đến xe giường nằm, từ địa bàn một tỉnh đến địa bàn nhiều tỉnh.

Tình trạng này đã làm cho quy hoạch luồng tuyến, quy hoạch bến xe bị phá vỡ, gây ra ùn tắc giao thông. Điều này đã xảy ra ở những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng và do cạnh tranh không bình đẳng nên nhiều tuyến cố định đã bị dừng hoặc giảm tần suất.

Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, các tuyến cố định đã giảm từ 35-40%, công suất của bến xe giảm từ 18-30%. Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù như trên nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để.

Theo Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Phan Thị Thu Hiền, xe dù bến cóc là một chủ đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mà vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý dứt điểm.

Trong thực tế, không có một giải pháp chung áp dụng cho mọi thành phố hay mọi tỉnh, mà mỗi địa phương tùy theo điều kiện giao thông của mình để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Theo thống kê, xe tuyến cố định chỉ có 18.344 xe, nhưng xe hợp đồng là 222.783 xe, cho thấy, tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nên họ thay đổi lựa chọn.

"Chính cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra bến cóc, xe dù hoạt động nhiều hơn. Thêm nữa, nhiều người vẫn giữ thói quen tiện đâu đi đó, trong khi chúng ta đang cố gắng điều chỉnh các vị trí đón trả khách trong thành phố phải tập trung," bà Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

[TP.HCM: "Xe dù, bến cóc" vẫn lấn át các bến xe chính thức]

Phân tích nguyên nhân, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, vấn đề quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải như xác lập hệ thống giao thông, điểm đỗ, bến xe và sự kết nối, phương tiện kết nối thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cơ quan tham mưu là Bộ Giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện của các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, kể cả dân phòng, công an xã, phường, các lực lượng địa phương rất quan trọng.

Một vài trường hợp lực lượng không thực hiện hết chức trách, dẫn đến không quan tâm những vấn đề xảy ra, hoặc đã được báo nhưng không xử lý đến nơi, đến chốn.

Cuối cùng là ý thức của người dân còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Nỗ lực tìm giải pháp xóa bỏ dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc ảnh 2Trong khi “xe dù, bến cóc” hoạt động sôi nổi bên ngoài, thì Bến xe miền Đông, Thành phố Hồ Chí Minh mới được đầu tư hiện đại lại khá vắng khách. (Ảnh: TTXVN phát)

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, đổ lỗi cho doanh nghiệp và lái xe cũng đúng, nhưng xét ở góc độ nào đó, họ kinh doanh nên phải cầu lợi cũng là điều dễ hiểu, quan trọng là quy định pháp luật và thực thi pháp luật như thế nào cho hiệu quả.

Theo ông Khuất Việt Hùng, chúng ta có lực lượng rất đông để quản lý, xây dựng luật và giám sát, thì việc quản lý không đến mức khó. Hiện nay, cơ quan chức năng đang khai thác tốt dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để nắm rõ những xe đăng ký vào bến, vào tuyến, thậm chí có thể nắm được phần nào tuyến của xe dù và điểm đón.

"Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người kinh doanh, nhưng vấn đề đầu tiên là phải làm tốt việc bảo vệ pháp luật và thực thi pháp luật," ông Khuất Việt Hùng khẳng định.

Đưa ra những giải pháp trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Phan Thị Thu Hiền cho biết, cơ quan này đã mở những đợt cao điểm xử lý, kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe, xử lý xe dù, bến cóc; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng thanh tra giao thông ở các địa phương có các đợt cao điểm.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho rằng, với hiện tượng "xe dù," "bến cóc" tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, hoặc những nguy cơ vi phạm pháp luật khác.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và thường xuyên xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, nhất là xe khách vi phạm những lỗi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn gây tai nại giao thông như vi phạm về tốc độ, dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định hay đi sai phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định…

Để hạn chế tình trạng trên, ngành công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác như thanh tra giao thông, công an quận, phường, xã xử lý nghiêm từ gốc. Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội rà soát, đánh giá việc tổ chức giao thông trong thành phố, cũng như hoạt động của các bến xe khách trong nội đô.

Các chuyến vận tải xuyên tâm với các điểm đón, trả khách không đúng nơi quy định thì đề xuất bố trí các điểm đón phù hợp.

"Để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, phải lắp đặt hệ thống camera giám sát. Chúng ta không có lực lượng để xử nóng, xử ngay trực tiếp lúc đó thì sẽ xử lý hành vi qua hình ảnh đã được ghi nhận lại để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông," Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục