Nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề khủng bố, thảm họa nhân đạo ở Somalia

Đại sứ Đặng Đình Quý bày tỏ quan ngại, lên án các hành động bạo lực và tấn công của Al-Shabaab nhằm vào dân, đề nghị Chính phủ Somalia phối hợp với AMISOM triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại một phiên họp. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 22/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp trực tuyến về tình hình Somalia và hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOM). 

Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Trưởng Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOM) James Swan, Đại diện Đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (SRCC) tại Somalia, Trưởng Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM) Francisco Madeira và Giám đốc điều hành Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu Rita Laranjinha đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.

Bộ trưởng Somalia Mohamed Abdirizak Mohamud cũng tham dự và phát biểu.

Các báo cáo viên đánh giá chính phủ và các bang thành viên tại Somalia đã nỗ lực đối thoại nhằm giải quyết những khác biệt về tổ chức bầu cử, lấy làm tiếc về việc các cuộc đối thoại này đã không đạt được thỏa thuận nào trong thời gian gần đây, đồng thời đề nghị các bên liên quan sớm quay lại đàm phán và tổ chức bầu cử theo thỏa thuận đã được nhất trí ngày 17/9/2020.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Somalia James Swan cảnh báo các nhà lãnh đạo địa phương không nên tổ chức bầu cử từng phần, thực hiện quy trình song song hay có các hành động đơn phương, bởi điều này sẽ chỉ dẫn đến chia rẽ và nguy cơ đối đầu lớn hơn.

Bên cạnh đó, cũng có các ý kiến bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công khủng bố sử dụng thiết bị nổ tự chế (IED) và đánh bom liều chết của lực lượng phiến quân Al-Shabaab nhằm vào thường dân, lực lượng an ninh và lực lượng quốc tế.

[Thủ tướng Somalia lên án các vụ đụng độ vũ trang ở thủ đô Mogadishu]

Các báo cáo viên cũng đánh giá Somalia tiếp tục phải đối mặt với khủng hoảng nhân đạo do tác động của lũ lụt, nạn châu chấu và đại dịch COVID-19 và đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Chính phủ và người dân Somalia vượt qua thách thức này.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đã lên tiếng ủng hộ tiến trình bầu cử sắp tới tại Somalia; kêu gọi chính phủ liên bang và các bang thành viên nhanh chóng nối lại đàm phán để giải quyết những khác biệt về chính trị và hướng tới đồng thuận về thời gian và lộ trình bầu cử.

Trong khi đó, các nước nêu quan ngại về các vụ tấn công khủng bố nhằm vào thường dân và lực lượng của Liên hợp quốc. Nhiều ý kiến chia sẻ với những khó khăn mà Somalia đang đối mặt đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu. Các nước ủng hộ vai trò, hoạt động của UNSOM và AMISOM trong hỗ trợ Chính phủ Somalia.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, kêu gọi Chính phủ Somalia và các bang thành viên khẩn trương nối lại đàm phán, gạt bỏ những khác biệt để hướng tới một thỏa thuận chính trị về thời gian và kế hoạch bầu cử.

Đại sứ kêu gọi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và các biện pháp bảo vệ cho người dân trong quá trình chuẩn bị và tham gia bầu cử. Đại sứ bày tỏ quan ngại và lên án các hành động bạo lực và tấn công của lực lượng Al-Shabaab nhằm vào dân thường và đề nghị Chính phủ Somalia phối hợp chặt chẽ với AMISOM trong triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh.

Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ với những khó khăn của Somalia; đề nghị Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và quốc tế tăng cường hỗ trợ Somalia thông qua các chương trình nhân đạo và các dự án phát triển kinh tế; nhắc lại sự ủng hộ của Việt Nam đối với Somalia trong các nỗ lực hướng đến mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển.

Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOM) được thành lập năm 2013 nhằm hỗ trợ tiến trình hòa bình, hòa giải và xây dựng năng lực cho Chính phủ Liên bang Somalia. Từ năm 2013 đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc duy trì họp định kỳ 3 tháng/lần để nghe báo cáo về hoạt động của phái bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục